Trước đó, ngày 12/12/2012, khi phiên tòa sơ thẩm đang được diễn ra thì HĐXX phải tạm hoãn phiên tòa vì luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TPHCM), người bào chữa cho Lê Bá Mai vắng mặt vì đi công tác ở nước ngoài. Ngoài ra, phiên tòa cũng vắng mặt những nhân chứng quan trọng của vụ án như Nguyễn Văn Trong, Hừng, Thị Đê…
Phiên tòa này cũng đã tạm hoãn một lần vào ngày 5-6/12/2012. Dù đã lên lịch xử nhưng do hội thẩm nhân dân tham gia xét xử… bận công tác nên phiên tòa phải hoãn và dời sang ngày 12/12/2012 thì tiếp tục cái điệp khúc “hoãn” ấy.
Trong phiên tòa ngày 3-4/1/2013, luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng luật sư Người nghèo, Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng sẽ tiếp tục bào chữa cho Lê Bá Mai.
Theo cáo trạng, sáng 12/11/2004, Lê Bá Mai thấy bé Út và chị họ đang mót sắn gần nơi Mai làm nên nảy sinh ý định giao cấu. Mai lấy xe máy chạy đến rủ Út đến khu vườn mít ở gần đó rồi dùng tay đánh vào gáy Út bất tỉnh để hiếp dâm. Thực hiện xong hành vi đồi bại, Mai thấy Út còn sống và sợ bị tố cáo nên lấy quần của nạn nhân siết cổ Út đến chết.
Biết Út đã chết, Mai vùi xác vào một cây mít và trở về chòi tắm rửa, ăn cơm như không có chuyện gì xảy ra. Đến ngày 16/11/2004, người thân của Út phát hiện thi thể Út trong vườn mít (thuộc trang trại của ông Dương Bá Tuân) trong tình trạng không mặc quần, xác đã phân hủy.
Sau 8 năm kéo dài vụ án, số phận của chàng thanh niên Lê Bá Mai vẫn chưa được định đoạt bằng pháp luật
Theo lời khai của nhân chứng, cơ quan công an đã bắt Lê Bá Mai về 2 tội: “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”. Ngày 16/3/2005, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử và tuyên tử hình Lê Bá Mai về tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”. Ngày 4/8/2005, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên giữ nguyên án tử hình.
Ngày 12/12/2006, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Ngày 5/2/2007, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, hủy 2 bản án để điều tra lại theo quy định pháp luật.
Tháng 7/2010, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm lần 2, tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngày 18/5/2011, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xử sơ thẩm lần 3 và tuyên Lê Bá Mai “không phạm tội, trả tự do ngay tại phiên tòa”.
Tháng 6/2011, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước ra quyết định kháng nghị yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng “hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 3) của TAND tỉnh Bình Phước để xét xử lại theo hướng bị cáo Lê Bá Mai phạm 2 tội “hiếp dâm trẻ em” và “giết người” như VKSND tỉnh Bình Phước truy tố”.
Ngày 20/4/2012, cha ruột Lê Bá Mai là ông Lê Bá Triệu đã có văn bản gửi TAND Tối cao khiếu nại về việc chậm đưa vụ án Lê Bá Mai ra xét xử phúc thẩm. Chiều 18/5/2012, Công an tỉnh Bình Phước đã bắt tạm giam trở lại đối với Lê Bá Mai.
Ngày 19/6/2012, phiên tòa phúc thẩm lần 2 được mở và tuyên hủy án sơ thẩm lần 3, trả hồ sơ xét xử lại từ đầu. Trong các ngày 5-6, 12/12/2012, phiên tòa sơ thẩm lần 4 được đưa ra xét xử nhưng phải tạm hoãn vì nhiều lý do khác nhau. Đến ngày 3-4/1/2013, phiên tòa sơ thẩm này mới được mở lại.
Công Quang