1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM:

Phó trưởng công an xã ký khống giấy tờ cho người khác "vượt biên"

(Dân trí) - Vượt biên sang Nhật Bản từ những năm 90 của thế kỷ trước, trở về Việt Nam, Bình móc nối với một số đối tượng trong nước làm giả giấy tờ, hộ chiếu để bảo lãnh đưa mẹ con người tình, cùng con gái mình sang Nhật.

Ngày 25/3, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã bác đơn kháng cáo, tuyên y án 2 năm tù giam đối với bị cáo Dương Bình Bằng (52 tuổi, ngụ Đồng Nai) về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Tòa cũng chấp nhận một phần đơn kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Đào Thanh Trụ (37 tuổi, quê Nghệ An) 3 năm tù xuống còn 2 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”.

Năm 2008, Chính phủ Nhật Bản cho phép người Việt Nam định cư dài hạn tại Nhật được bảo lãnh cho vợ, chồng hoặc con ngoài giá thú ở Việt Nam sang định cư tại đây.

Lợi dụng chính sách trên, các đối tượng tại Việt Nam móc nối với các đối tượng đang định cư tại Nhật Bản thuê những người Việt sinh sống tại Nhật làm đơn xin bảo lãnh khống cho con rơi, con ngoài giá thú ở Việt Nam sang Nhật định cư. Sau đó, các đối tượng tìm người làm hồ sơ giả bằng cách làm giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu giả để xin cấp hộ chiếu, visa nhập cảnh Nhật Bản với giá từ 500 - 700 triệu đồng, đóng trước một phần ở Việt Nam rồi khi qua Nhật Bản sẽ đóng tiếp theo tháng.

Bị cáo Bằng và Trụ tại tòa phúc thẩm
Bị cáo Bằng và Trụ tại tòa phúc thẩm

Lê Đức Hùng được một Việt kiều tại Nhật thuê làm hồ sơ giả cho những người có nhu cầu đi Nhật. Đầu năm 2008, Hùng nhờ anh trai của mình xin Đào Thanh Trụ (là phó trưởng công an xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu, Nghệ An) ký khống cho một số giấy cắt chuyển khẩu. Trụ đã ký khống khoảng 17 giấy cắt chuyển hộ khẩu, đóng dấu công an xã rồi chuyển bằng đường bưu điện vào cho Hùng ở Đồng Nai.

Trong khi đó, Dương Bình Bằng vượt biên và định cư tại Nhật năm 1990 sau khi có con gái tên Dương Thúy Phin tại Việt Nam với một người phụ nữ ở Đồng Nai. Từ năm 1997 thì Bằng thường xuyên về Việt Nam làm ăn buôn bán. Năm 2008, Bằng cặp bồ và có ý định kết hôn với người phụ nữ tên Hoa ở Khánh Hòa nên làm hồ sơ giả để bảo lãnh mẹ con Hoa, cùng con gái và cháu của Bằng đi Nhật với hình thức là con ngoài giá thú của Bằng với Hoa.

Lúc này, Bằng nhờ Hùng làm giấy tờ giả ghép 4 trường hợp trên vào một hộ gia đình, những người con phải làm sụt tuổi xuống dưới 18. Hùng ra giá 40 triệu đồng một người.

Hoa được Hùng tổ chức nhập khẩu vào một hộ ở huyện Long Thành. 3 đối tượng còn lại được được Hùng dùng giấy cắt chuyển khẩu do Đào Thanh Trụ ký khống trước đó để chuyển vào hộ Dương Bá Tuấn (cũng là hộ khẩu giả do Hùng dựng lên) với năm sinh, địa chỉ giả. Sau đó, 4 đối tượng trên được Hùng dẫn đi làm chứng minh nhân dân và hộ chiếu.

Khi có giấy tờ, Hoa chuyển sang Nhật cho Bằng. Bằng làm giấy tờ gửi Bộ ngoại giao Nhật xin bảo lãnh vợ con ở Việt Nam. Khoảng 10 ngày sau khi có giấy chấp thuận của Bộ Ngoại giao Nhật, Bằng gửi về Việt Nam để Hoa nhờ các đối tượng làm visa tại Lãnh sự quán Nhật ở TPHCM. Ngày 29/5/2009, Hoa cùng 3 đối tượng còn lại xuất cảnh sang Nhật và được đón về nhà ở.

Ngày 19/7/2010, Bằng nhập cảnh về Việt Nam thì bị Công an TPHCM bắt giữ về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Người con gái của Bằng trở về Việt Nam năm 2012. Hơn nửa tháng sau, khi đang làm thủ tục xuất cảnh sang Nhật thì cô này bị bắt.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Đào Thanh Trụ bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt 3 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”, bị cáo Dương Bình Bằng cũng lĩnh án 2 năm tù về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Liên quan đến vụ án, bị cáo Dương Thúy Phin (là con gái của bị cáo Bằng) cũng lĩnh án 6 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Công Quang