1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Phó giám đốc Bệnh viện: Bệnh nhân chạy thận tử vong không do lỗi chuyên môn bác sĩ

(Dân trí) - Trước HĐXX, ông Đỗ Đình Vận – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết của những bệnh nhân chạy thận là do tồn dư hoá chất trong hệ thống lọc nước RO số 2, chứ không phải do chuyên môn của các bác sĩ.


Ông Đỗ Đình Vận - đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình trả lời HĐXX

Ông Đỗ Đình Vận - đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình trả lời HĐXX

Chiều ngày 21/5, phiên tòa xét xử vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục. Ông Đỗ Đình Vận, Phó giám đốc - đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết, bản thân ông đã đến dự phiên xét xử ngay từ lúc sáng và có 2 ý kiến muốn được trình bày.

“Tôi đến đây thay mặt cho khoảng 700 cán bộ nhân viên của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. Qua quá trình làm việc của cơ quan điều tra, chúng tôi hết sức tin tưởng vào những phán quyết của HĐXX sẽ công minh và công bằng, đúng người, đúng tội. Nếu chúng tôi có sai, chúng tôi sẽ chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm, không chối tội”, ông Vận khẳng định.

Theo ông Vận, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình là đơn vị nhà nước có chức danh hoạt động tự chủ ko theo ngân sách của nhà nước. Sự kiện xảy ra vào ngày 29/5/2017 là một sự vụ rất lớn đối với các bệnh nhân và bệnh viện.


Các bị cáo tại phiên xét xử chiều ngày 21/5.

Các bị cáo tại phiên xét xử chiều ngày 21/5.

“Tôi xin được thay mặt cho bệnh viện, xin mọi người lượng thứ cho chúng tôi. Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã hết sức cố gắng để cứu chữa cho những bệnh nhân còn sống sót, khắc phục sự cố và dùng quỹ của cơ quan để hỗ trợ các gia đình nạn nhân chịu ảnh hưởng”, ông Vận trình bày.

Cũng theo ông Vận, trong lúc xảy ra sự việc, phía bệnh viện cũng đã dành một số tiền hỗ trợ cho các nạn nhân, theo đó thân nhân mỗi người bị tử vong được nhận 20 triệu đồng, còn ai đang cấp cứu là 2 triệu đồng. Ngoài ra, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã cùng với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn nhiều lần thương thảo với các gia đình nạn nhân để tiến hành hỗ trợ nhưng do số lượng bệnh nhân đông, gia đình các nạn nhân ở nhiều điểm trên địa bàn của tỉnh, không tìm được tiếng nói chung trong quá trình thương thảo. Cùng với khi đó, Giám đốc của bệnh viện bị đình chỉ công việc không có người lãnh đạo nên việc hỗ trợ càng trở nên khó khăn.

Trình bày phần ý kiến thứ 2, ông Vận cho biết: “Bệnh viện chỉ là cơ quan y tế, không có chuyên môn về máy móc và phải thuê cơ quan cung cấp bảo dưỡng, hệ thống máy móc đến để bảo dưỡng hệ thống. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của những bệnh nhân chạy thận là do tồn dư hoá chất trong hệ thống lọc nước RO số 2, chứ không phải do chuyên môn của các bác sĩ. Do vậy, chúng tôi mong mọi người có cái nhìn đúng hơn và thông cảm cho chúng tôi”- ông Vận nói.

Cũng trả lời HĐXX tại phiên xét hỏi chiều nay, đại diện Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố chạy thận ngày 29/5/2017, phía Công ty Thiên Sơn cũng đã nộp một khoản tiền là 370 triệu đồng cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình để hỗ trợ cho các nạn nhân. Cụ thể là mỗi người bị tử vong được hỗ trợ 40 triệu đồng/ người (8 người), những người bị ảnh hưởng số tiền 5 triệu đồng/ người (10 người)

“Số tiền này nộp với mục đích hỗ trợ cho các bệnh nhân trong vụ chạy thận, nhưng do quá trình thương thảo với các gia đình nạn nhân không thành nên chúng tôi đã nộp vào phòng tài chính của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình”, vị đại diện Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn cho biết.

Theo HĐXX, hiện số tiền này đã được chuyển sang cơ quan thi hành án, khi nào có kết quả cuối cùng của vụ án thì sẽ được xem xét hỗ trợ hay khắc phục sự cố cho gia đình các nạn nhân bị hại.

Trần Thanh - Nguyễn Dương