Phó công an TP Tuy Hòa có thể bị cấp dưới dẫn giải đến tòa
Liên quan phiên tòa xử 5 bị cáo công an Phú Yên tra tấn người đến chết, một tình huống pháp lý đặt ra là ông Lê Đức Hoàn, Phó Trưởng Công an TP Tuy Hòa, nhân chứng trong vụ án, đã không đến phiên xử theo giấy triệu tập hợp lệ của tòa mà không có lý do.
Trong ngày xử đầu tiên, luật sư bảo vệ cho gia đình người bị hại đã yêu cầu tòa dẫn giải ông Hoàn đến tòa để phục vụ việc làm rõ vụ án. Đại diện VKS tại tòa đã đồng ý với đề nghị này. Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ yêu cầu này vì cho rằng ông Hoàn đã có lời khai đầy đủ trong hồ sơ vụ án.
Giả sử tòa đồng ý và ra lệnh dẫn giải nhân chứng Hoàn thì sẽ phải áp dụng theo quy định, thủ tục nào?
Một thẩm phán TAND TP.HCM cho biết theo Điều 192 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì trường hợp người làm chứng được Toà án triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải.
Thủ tục dẫn giải người làm chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo đó, Quyết định dẫn giải người làm chứng ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt.
Theo vị thẩm phán này, người thi hành quyết định dẫn giải này là lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đang trực tiếp tham gia bảo vệ phiên tòa.
Trong vụ này, lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp lại thuộc quyền quản lý của Công an TP Tuy Hòa. Nói cách khác, chẳng lẽ lính lại đi dẫn giải sếp?
Vị thẩm phán TAND TP.HCM nói: “Ở đây không có chuyện lính với sếp mà là cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp đang thực thi nhiệm vụ, và người bị dẫn giải là nhân chứng, tư cách tham gia tố tụng của họ là nhân chứng chứ không phải Phó Công an TP”.
Vậy nhỡ may ông Phó Công an này bất tuân lệnh tòa thì sao? Ông ta có bị xem xét hành vi chống người thi hành công vụ hay không?
Một lãnh đạo TAND một tỉnh miền trung cho rằng thực tiễn chưa từng xảy ra tình huống này. Và nếu có thì vẫn còn con đường khác để tác động người “nhân chứng đặc biệt” này để ông ta chấp hành lệnh của tòa án. Đó là còn có Trưởng Công an TP, còn có Công an cấp tỉnh và cả cấp ủy của người này.
Theo Phan Thương-Phương Loan
Báo Pháp luật Tp HCM