Phạm nhân có biệt tài mở khóa và 3 kẻ trốn trại chỉ trong 5 phút vượt tường giam
Chỉ bằng chiếc chìa khóa nhặt được của Sơn “trô”, sau một vài thao tác mài dũa đơn giản Đông có thể mở được bất cứ khóa nào mà hắn muốn. Thậm chí 3 chiếc khóa mà Đông đã mở để trốn trại không hề có dấu vết nào của sự cạy phá…
Nhặt được một chiếc chìa khóa trong lúc ra ngoài tắm nắng, Trần Ngọc Sơn (SN 1989 còn có biệt danh là Sơn “trô”) HKTT tại phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc đã “nhờ” phạm nhân cùng buồng giam mở đến 3 lượt cửa để trốn ra ngoài. Để kế hoạch được hoàn hảo, Sơn “trô” và đồng bọn còn thức trắng hàng đêm theo dõi cán bộ công an rồi lợi dụng thời gian “chết” giữa 2 ca trực để tẩu thoát thành công.
Chiếc chìa khóa may mắn
Mới 17 tuổi, Trần Ngọc Sơn đã phải đứng trước vành móng ngựa để nhận bản án 12 tháng tù treo về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, với Sơn “trô” hắn chỉ coi bản án này như là việc “lấy số” để bước chân vào con đường giang hồ.
Bằng chứng là ngay sau khi hết thời hạn thử thách, Sơn “trô” đã tiếp tục “quậy”. Lần này, Sơn bị Tòa án nhân dân TP Vĩnh Yên tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trong thời gian bị tạm giam tại khu B3 Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Sơn “trô” tìm cách kết thân với đám giang hồ cộm cán cùng trại, trong số này có Trần Quang Hiếu (SN 1991, trú tại Phường Trưng Trắc, Thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy kém Sơn 2 tuổi nhưng Hiếu đã có một tiền án 24 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và hiện đang thi hành bản án 48 tháng tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Mức án của cả 2 tuy không cao, nhưng vốn có máu giang hồ chảy trong huyết quản, lúc nào cũng nung nấu ý định vượt ngục nên Sơn “trô” và Hiếu đã nhanh chóng “bắt sóng” với nhau và quyết định lên kế hoạch trốn trại.
Sau một thời gian bị giam ở khu B3, Sơn và Hiếu được chuyển sang khu giam B8. Ở khu B8, chúng quen biết với Phạm Văn Hùng (SN 1990, HKTT phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Hùng bị phạt tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy còn ít tuổi nhưng hắn lại là kẻ “đa mưu, túc kế”, lợi dụng được Hùng kế hoạch vượt ngục sẽ hoàn hảo hơn vì vậy mục đích của Sơn và Hiếu là lôi kéo Hùng cùng tham gia.
Một buổi sáng khoảng giữa tháng 8 năm 2010, các phạm nhân khu vực B8 được phép ra khu vực “sân chim” (là khoảng sân rộng trước khu giam) để tắm nắng và hít thở không khí ngoài trời.
Sẵn có ý đồ vượt ngục, mỗi khi được ra ngoài như thế này là cơ hội “ngàn năm có một” để Sơn “trô” tìm kiếm công cụ phương tiện. Hắn đảo mắt quanh sân, bất cứ một vật gì dù nhỏ nhất cũng không vượt qua được sự kiểm soát của hắn. Và mắt Sơn “trô” bỗng sáng lên khi nhìn thấy có một chiếc chìa khóa rơi ở gần đó. Không thể bỏ qua cơ hội này, hắn đã nhanh chóng nhặt lấy, giấu vào túi quần.
Đêm hôm đó, Sơn mang chiếc chìa khóa ra ngắm rồi tò mò đút thử chiếc chìa khóa này vào ổ khóa của buồng giam khu B8. Hý hoáy một lúc, vặn ngược lại vặn xuôi, tra ra lại cắm chìa vào, sau một tiếng “tạch” rất nhỏ, chiếc khóa bật mở tung trong sự ngỡ ngàng của Sơn. Với chiếc “chìa khóa may mắn” này, Sơn cùng Hiếu và Hùng ngay lập tức lập kế hoạch trốn trại.
“Chú bé có tài mở khóa”
Có được chìa khóa, nhưng nếu chỉ mở được cửa buồng giam khu B8 thì cũng không thể giúp ích được gì cho Sơn “trô” trong việc trốn trại. Vì để thoát được ra ngoài, chúng còn cần phải mở qua 2 lần cửa nữa, đó là còn chưa kể bốt gác và hàng rào dây thép gai có điện.
Làm cách nào để có thể mở được các cửa khóa còn lại? Câu trả lời đã được kẻ láu cá đa mưu túc kế Hùng tìm ra cách giải rất nhanh. Hùng tiến cử với Sơn một phạm nhân có tên là Nguyễn Mạnh Đông (SN 1992, HKTT tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc). Bản thành tích của Đông không có gì là quá đặc biệt. Hắn vốn chỉ là một tên trộm cắp vặt. 15 tuổi Đông bị Công an huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đưa vào trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình. Ra khỏi trường, liên triếp trong 2 năm, 2009 và 2010 Đông nhận 2 bản án 4 tháng 15 ngày và 2 năm 6 tháng tù đều về hành vi trộm cắp.
Tuy nhiên, trong những lần tâm sự “chuyện đời và chuyện nghề”, Hùng phát hiện ra ở Đông có một khả năng rất đặc biệt, đó là khả năng mở khóa. Tất cả những phi vụ mà Đông thực hiện trước đây, hắn đều bẻ khóa trót lọt nhờ vào những dụng cụ tự chế của mình. Trước khi bị bắt vào trại, để phục vụ “nhu cầu nghề nghiệp”, Đông thường ra chợ mua tất cả những loại khóa có trên thị trường, sau đó hắn mang về nhà nghiên cứu, mày mò cách mở từng loại một.
Được Hùng tiến cử, Sơn đã đặt vấn đề với Đông: “mày có thể giúp các anh mở khóa cửa được không?”. Vốn biết Sơn “trô” là kẻ máu lạnh, lại có 2 đàn em thân tín trong trại là Hiếu và Hùng nên Đông không dám từ chối và phải nhận lời với Sơn. Chỉ bằng chiếc chìa khóa nhặt được của Sơn “trô”, sau một vài thao tác mài dũa đơn giản Đông có thể mở được bất cứ khóa nào mà hắn muốn.
Sau này, khi thực nghiệm hiện trường, một cán bộ điều tra đã cho Đông chọn bất kỳ một chiếc khóa trong cả chùm chìa để mở ba ổ khóa. Đông đã thực hiện yêu cầu này chỉ trong vòng 10 phút một cách gọn gàng khiến cho tất cả đều phải bất ngờ.
Chính bản Kết luận giám định số 346 ngày 22-8-2010 của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc khi tiến hành thực nghiệm điều tra cũng cho thấy tài mở khóa của Đông. Bên ngoài 3 chiếc khóa mà Đông đã mở không hề có dấu vết nào của sự cạy phá, bên trong vẫn đầy đủ 5 hàng bi và một lò xo đệm. Chỉ duy nhất chiếc khóa thứ 2 (tức là khóa lối đi chung) trên bề mặt rãnh nhĩ có dấu vết của vật thể lạ để lại.
“Chuyên gia” phân tích hiện trường
Sau khi tìm được chuyên gia mở khóa, kế của Sơn “trô” và đồng bọn coi như đã thành công được một nửa. Giờ là lúc chúng lên phương án đánh lừa cán bộ quản giáo và tìm cách thoát khỏi tường rào nhà giam để ra ngoài. Nhiệm vụ này, một lần nữa được Sơn “trô” giao cho Hùng.
Chỗ ngủ của Hùng có một ô thoáng nhỏ, hàng ngày thông qua ô thoáng này, Hùng có thể theo dõi được lực lượng cảnh vệ canh gác tại chòi canh cũng như cổng ra vào của khu vực trại giam.
Cũng nhờ vị trí thuận lợi này, từ khi có ý định trốn trại, Hùng đã dành hàng giờ liên tục để theo dõi hoạt động của lực lượng tuần tra, canh gác. Nhờ đó Sơn “trô”, Hùng và Hiếu đã nắm được quy luật lịch trực của lực lượng cảnh vệ.
Theo đó, mỗi ca gác thường kéo dài 2 tiếng và thời gian đổi gác giữa mỗi ca là khoảng 5 phút đồng hồ. Dựa trên các số liệu này, Sơn “trô” phân tích, sau khi mở được khóa các lớp cửa, chúng có vỏn vẹn 5 phút để tiếp cận bờ tường rào, dùng dây leo lên và có vật cách điện qua hai dây điện trần vắt ngang qua chỗ thanh sắt hình chữ V rồi sau đó thoát ra ngoài. Sau nhiều đêm thức trắng để theo dõi và nghiên cứu hiện trường, Sơn “trô” sẽ quyết định sẽ đào tẩu.
Nối dài bản án
Đêm ngày 18-8-2010, để thực hiện kế hoạch, Sơn lấy chiếc màn tuyn màu hồng của mình và bắt 2 phạm nhân trong buồng B8 phải xé ra, tết thành dây. Khi xong việc họ được Sơn cho họ đi ngủ, còn hắn thì tiếp tục cùng đàn em theo dõi hoạt động của cán bộ cảnh vệ tại vọng gác số 3, số 4 và quyết định khi lực lượng cảnh vệ đổi gác vào lúc 1h đêm, chúng sẽ hành động.
Khoảng 0h45 ngày 19-8-2010, Sơn “trô” cùng Hiếu và Hùng đem theo chiếc chăn màu vàng chanh của Sơn cùng sợi dây được tết từ màn tuyn mà Sơn đã cho các bạn tù làm từ trước đó. Chúng nhẹ nhàng đánh thức Đông dậy và yêu cầu mở các khóa của trại giam.
Chỉ trong vòng 7 phút, với biệt tài của mình, Đông đã dùng chiếc chìa khóa mà Sơn đưa cho mở được 2 ổ khóa, một ở cánh cửa sắt lối đi chung và một ở công khu nhà giam B. Lúc này, dường như cảm thấy mình đã tham gia quá sâu vào kế hoạch của Sơn “trô”, Đông khẩn khoản xin Sơn được cho mình trốn theo cùng.
Tuy nhiên Sơn đã từ chối vì sợ đi đông người sẽ bị lộ. Trước khi cả bọn thoát ra ngoài, Sơn còn quay lại dặn Đông: “Mày cầm lấy chìa khóa, nếu bọn tao không thoát ra được có quay lại thì mở cửa cho bọn tao vào. Còn nếu đến sáng không thấy bọn tao quay lại thì mày cứ vứt chiếc chìa khóa này đi”. Đông sau đó thực hiện y lời Sơn, khi biết cả bọn trốn thoát hắn đã vứt chiếc chìa khóa mà Sơn đưa vào bồn vệ sinh trong buồng giam và dội nước để phi tang.
Về phần mình, sau khi được sự trợ giúp mở cửa của Đông, Sơn “trô” và đồng bọn thoát ra được khu vực đầu nhà Bệnh xá Trại tạm giam thì dừng lại nghe ngóng động tĩnh. Đợi ở đây một thời gian ngắn, nghe thấy tiếng bước chân của cán bộ gác ở vọng số 3 và số 4 đi ra phía cổng chính của trại tạm giam thì chúng đoán là đã đến giờ đổi gác. Sơn “trô” lệnh cho Hiều và Hùng phải hành động thật nhanh trong vòng 5 phút trước khi phiên gác mới vào ca trực.
Nhận được lệnh, cả 3 lập tức áp sát bức tường rào bảo về rồi công kênh nhau lên và dùng chiếc dây màn buộc vào thanh sắt chữ V ở cọc hàng rào dây thép dai phía trên tường bao. Hùng đưa chăn cho Hiếu, Hiếu đưa cho Sơn để Sơn vắt chăn trùm lên hàng rào dây thép gai và dây điện trần rồi sau đó cả ba tên lần lượt vượt tường ra ngoài.
Do hai đoạn dây điện trần bị dính vào nhau chập, cháy và lóe sáng, lực lượng cảnh vệ sinh nghi bèn quay lại kiểm tra. Tuy nhiên, Sơn “trô” và đồng bọn đều đã thoát ra ngoài an toàn và biến vào bóng đêm.
Sau khi trốn thoát khỏi Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc, cả 3 bắt taxi về Hà Nội ngay trong đêm hôm đó. Phát hiện được sự bỏ trốn của 3 phạm nhân, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng huy động lực lượng bám theo dấu vết của các đối tượng.
Sau một thời gian truy tìm và vào cuộc tích cực, được sự giúp đỡ của Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt được Sơn “trô”, Hiếu và Hùng khi chúng đang tìm đường ra bến xe để trốn vào các tỉnh phía Nam.
Tại phiên tòa lưu động diễn ra sau đó, Trần Ngọc Sơn đã bị tuyên phạt 5 năm tù vê tội “Trốn khỏi nơi giam giữ”, Hiếu và Hùng mỗi người lĩnh 4 năm tù với tội danh tương tự. Riêng Nguyễn Mạnh Đông với hành vi giúp sức cho cuộc trốn trại cũng phải chịu bản án 3 năm tù giam.