1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

"Ông trùm" người Ukraine điều hành băng cho vay lãi nặng ở Việt Nam ra sao?

Lê Trai

(Dân trí) - Bị lực lượng chức năng "sờ gáy", Roman rời khỏi Việt Nam, yêu cầu đồng bọn thành lập 4 công ty khác để hoạt động "tín dụng đen" với lãi suất từ 365% đến 1.971%/năm.

Liên quan đến đường dây "tín dụng đen" do người đàn ông quốc tịch Ukraine cầm đầu, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an (C02) đã triệu tập 63 người có liên quan để lấy lời khai, làm rõ thủ đoạn hoạt động của băng nhóm này.

"Ông trùm" điều hành từ xa

Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Trưởng phòng Trọng án C02, cho biết, căn cứ tài liệu đấu tranh chuyên án, cơ quan chức năng xác định 2 nghi phạm người nước ngoài trực tiếp tham gia quản trị, điều hành băng nhóm tội phạm trên đã nhập cảnh vào Việt Nam. Ngày 21/3, Cục C02 chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TPHCM, Công an tỉnh Khánh Hòa, đồng loạt bắt người và khám xét với họ.

Ông trùm người Ukraine điều hành băng cho vay lãi nặng ở Việt Nam ra sao? - 1

Thượng tá Lê Vinh Tùng, Phó Trưởng phòng Trọng án C02 chia sẻ về quá trình triệt phá chuyên án (Ảnh: Thuận Thiên).

Công an đã kiểm tra 4 công ty có trụ sở tại TP Thủ Đức, TPHCM, gồm: Công ty TNHH thương mại dịch vụ IXORA; Công ty TNHH dịch vụ Lộc Tín; Công ty TNHH dịch vụ tư vấn CACTUS và Công ty TNHH dịch vụ VINEX. Đồng thời, cảnh sát triệu tập 63 người có liên quan; tạm giữ 68 laptop; 7 CPU; máy tính bảng; gần 100 điện thoại di động và nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan hoạt động "tín dụng đen".

Cơ quan chức năng đã phong tỏa các tài khoản của 4 công ty trên.

Kết quả điều tra xác định, năm 2019, Katerynchyk Roman (SN 1986, quốc tịch Ukraine) nhập cảnh Việt Nam và thành lập Công ty TNHH TM&DV Lợi Tín. Roman cấu kết với nhóm người Việt Nam, trong đó có Lê Thanh Huỳnh Cang (SN 1971, ngụ TP Thủ Đức) và Nguyễn Thị Nhất Phương (SN 1990, ngụ quận 4) để hoạt động "tín dụng đen" qua hệ thống phần mềm.

Đầu năm 2023, các cơ quan chức năng của Việt Nam đấu tranh, xử lý mạnh các băng nhóm "tín dụng đen". Tháng 4, Công ty Công ty TNHH TM&DV Lợi Tín bị tổ công tác liên ngành của UBND TP Thủ Đức kiểm tra hành chính, nên Roman đã xuất cảnh khỏi Việt Nam và chỉ đạo Lê Thanh Huỳnh Cang, Nguyễn Thị Nhất Phương dừng hoạt động công ty.

Sau đó, nhóm này thành lập 4 công ty nêu trên để vận hành quy trình cho vay nặng lãi khép kín.

Ông trùm người Ukraine điều hành băng cho vay lãi nặng ở Việt Nam ra sao? - 2

Cảnh sát lấy lời khai Bugaevskiy Tymur mặc áo vàng (Ảnh: Thuận Thiên).

Đồng thời, Roman chỉ đạo Bugaevskiy Tymur (SN 1990) và Kravchuk Iryna (SN 1985, cùng quốc tịch Ukraine) nhập cảnh Việt Nam để quản trị hệ thống và điều hành quy trình kỹ thuật của 4 công ty trên. Riêng Roman chỉ đạo, điều hành từ nước ngoài thông qua phần mềm.

Chiêu mồi chài khách hàng

Kết quả ban đầu xác định, từ năm 2019, Roman đưa Cang 400.000 USD để hoạt động cho vay lãi nặng. Đến tháng 4/2023, Roman chỉ đạo Công ty TNHH dịch vụ Lộc Tín tiếp tục nhận 11 triệu USD từ Công ty SCA của Singapore và Ngân hàng TAS của Đảo Síp.

Khi khách có nhu cầu vay tiền phải tải ứng dụng và vào phần mềm để điền đầy đủ thông tin và đăng ký khoản vay. Để cạnh tranh với đối thủ, họ đưa ra mức vay lần đầu tối đa 500.000 đồng, thời hạn dưới 5 ngày, không tính lãi.

Các lần vay sau, nhóm tội phạm sử dụng phần mềm để đánh giá điểm "khả tín" của khách vay. Hệ thống sẽ duyệt tự động cho vay từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng, thời gian vay từ 5 đến 30 ngày.

Trường hợp hệ thống cảnh báo, nhóm tội phạm sẽ thông qua mạng viễn thông để tương tác với khách hàng và trực tiếp kiểm tra.

"Các công ty này mồi chài khách hàng bằng cách đưa ra lãi suất 0%, tuy nhiên khi khách hàng vay tiền sẽ phải trả phí rất cao. Có trường hợp khách vay 8,4 triệu đồng từ tháng 10/2022, đến nay đã thanh toán hơn 56 triệu đồng nhưng vẫn còn nợ 20 triệu đồng", Thượng tá Tùng chia sẻ.

Đến nay, cơ quan điều tra xác định nhóm này đã cho hàng trăm nghìn khách hàng vay, với lãi suất từ 365% đến 1.971%/năm, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền này, Roman dùng chi trả lương nhân viên, hoạt động công ty và chuyển ra nước ngoài.

Ông trùm người Ukraine điều hành băng cho vay lãi nặng ở Việt Nam ra sao? - 3

Kravchuk Iryna mặc áo trắng bị cảnh sát thẩm tra (Ảnh: Thuận Thiên).

Tuyển dụng những người có tri thức

Theo thượng tá Lê Vinh Tùng, thời gian qua Bộ Công an nhận định hoạt động "tín dụng đen" chuyển trạng thái từ truyền thống sang sử dụng công nghệ cao. Các địa phương quán triệt chỉ đạo này đã triệt phá nhiều băng nhóm có quy mô lớn. Do đó, tội phạm "tín dụng đen" tìm nhiều cách để hoạt động, gây trở ngại cho công tác điều tra.

Với đường dây này, Thượng tá Tùng cho biết, việc triệt phá gặp nhiều khó khăn. Đây là băng nhóm do người nước ngoài cầm đầu, móc nối với người Việt Nam. Họ núp bóng doanh nghiệp, triệt để sử dụng công nghệ để hoạt động "tín dụng đen" với quy mô lớn, trong thời gian dài, có quy trình khép kín, chuyên môn hóa theo từng khâu với thủ đoạn tinh vi.

Hầu hết các thao tác được thực hiện tự động qua hệ thống đã được lập trình sẵn, kể cả việc thẩm định, xét duyệt vay. Các nghi phạm thay đổi, thành lập nhiều công ty khác nhau, chia thành nhiều bộ phận theo các công đoạn để che giấu hoạt động phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Bên cạnh đó, các nghi phạm trong đường dây là những người có học thức, không có tiền án tiền sự, rất khó để phát hiện. Cụ thể Cang là cử nhân đại học, Phương từng là giảng viên trường đại học và một người khác giỏi IT.