1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Ông Nguyễn Hữu Tín bị đề nghị mức án 8 năm tù

(Dân trí) - Ngày 27/12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM) cùng 4 đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Mở đầu phiên tòa, đại diện Viện KSND TPHCM phát biểu quan điểm vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Theo Viện Kiểm sát, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định năm 2014, Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) với tư cách là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 đã lợi dụng danh nghĩa “tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an”, ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà, đất số 15 Thi Sách, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM (viết tắt là nhà đất số 15 Thi Sách) mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an.

Ông Nguyễn Hữu Tín bị đề nghị mức án 8 năm tù - 1

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín bị đề nghị mức án 7 - 8 năm tù.

Trong khoảng thời gian từ năm 2014 - 2016, bị cáo Nguyễn Hữu Tín cùng đồng phạm thực hiện các thủ tục bán nhà và cho thuê đất, sau đó cho chuyển mục đích sử dụng đất tại khu Nhà đất số 15 Thi Sách cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 không thông qua đấu giá, vi phạm quy định tại quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 và Quyết định số 140/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, vi phạm quy định tại Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Hành vi trái pháp luật của bị cáo Nguyễn Hữu Tín cùng đồng phạm đã tiếp tay cho Vũ “nhôm” thâu tóm nhà, đất công sản có vị trí đắc địa ở TPHCM với giá rẻ, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Đồng thời, hành vi vi phạm của các bị can tạo điều kiện cho Vũ “nhôm” và các đối tác xây dựng công trình cao 18 tầng, bán và cho thuê cho 114 khách hàng trong và ngoài nước, thu hơn 1.033 tỉ đồng. Đến nay, việc xử lý hậu quả nêu trên là rất khó khăn, phức tạp và sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho Nhà nước về tiền bạc, thời gian và công sức của những người giải quyết hậu quả mà hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra.

Theo Viện Kiểm sát, hậu quả của vụ án là đặc biệt lớn nên việc xử lý là không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể là ai. Viện Kiểm sát ghi nhận sự ăn năn hối hận của bị cáo Nguyễn Hữu Tín, thành khẩn khai báo, đã khắc phục 1,5 tỉ đồng thiệt hại nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Đối với bị cáo Đào Anh Kiệt, Viện Kiểm sát xác định là người đề xuất, tham mưu cho bị cáo Nguyễn Hữu Tín ra quyết định giao Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 thuê nhà đất 15 Thi Sách. Mặc dù thừa nhận hành vi nêu trên nhưng bị cáo cho rằng làm đúng, làm theo chỉ đạo của UBND TPHCM. Nhưng Viện Kiểm sát nhận thấy sau khi nhận văn bản của UBND TPHCM, bị cáo Kiệt đã bút phê "anh Thanh xử lý nhanh"... và là người trực tiếp ký các văn bản tham mưu cho bị cáo Tín, dẫn đến thiệt hại lớn cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Hữu Tín bị đề nghị mức án 8 năm tù - 2
Viện Kiểm sát cho rằng hành vi của bị cáo Kiệt là không oan sai.

Từ đó, Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Kiệt là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Theo Viện Kiểm sát, là người lãnh đạo cao nhất Sở Tài nguyên & Môi trường, bị cáo phải nhận thức được việc cho thuê 15 Thi Sách phải thông qua đấu giá nhưng bị cáo vẫn tham mưu cho Nguyễn Hữu Tín. “Tức bị cáo thấy sai nhưng vẫn làm”, đại diện Viện Kiểm sát nhận định và kết luận việc truy tố là có căn cứ.

Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Kiệt phủ nhận hành vi phạm tội là thể hiện chưa nhận thấy vai trò, trách nhiệm của mình nên sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Tương tự, đối với các bị cáo khác Viện Kiểm sát nhận định việc truy tố là cố căn cứ và đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ.

Với các phân tích trên, Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tín 7-8 năm tù và Đào Anh Kiệt 7-8 năm tù. Các bị cáo còn lại trong vụ án bị đề nghị mức án từ 4-6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Phiên tòa bắt đầu phần tranh luận.

Xuân Duy