Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung gửi 106 trang viết tay kêu oan
(Dân trí) - Trước khi phiên phúc thẩm vụ mua chế phẩm Redoxy-3C được mở, cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gửi từ trại giam đến TAND Cấp cao tại Hà Nội 106 trang viết tay, nội dung kêu oan.
Phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic Nguyễn Trường Giang dự kiến diễn ra ngày 20/6 tới đây.
Trong bản giải trình viết tay dài 106 trang được gửi đi từ trại tạm giam, ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục cho rằng bản thân bị oan trong vụ án này.
Theo trình bày của cựu Chủ tịch Hà Nội, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thực hiện việc mua chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch sông hồ trên địa bàn thủ đô đúng quy định pháp luật, không gây thiệt hại ngân sách.
Ông Chung cho rằng, Công ty Thoát nước Hà Nội không thể tự đàm phán mua chế phẩm từ Công ty Watch Water (Đức) mà phải làm thủ tục lựa chọn nhà thầu trong nước bán Redoxy-3C cho UBND thành phố, sau đó thành phố mới sử dụng để xử lý nước hồ ô nhiễm.
Cựu Chủ tịch Hà Nội cũng khẳng định trong bản viết tay rằng không có văn bản, tài liệu nào thể hiện việc ông chỉ đạo cấp dưới phải mua chế phẩm thông qua "công ty gia đình".
Về nguyên tắc, theo ông Chung, sau khi có ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch thành phố thì phải có thêm văn bản hoặc tài liệu thể hiện thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch. Từ đó, Công ty Thoát nước và các đơn vị, cá nhân có nhiệm vụ liên quan đến việc mua Redoxy-3C mới có đủ căn cứ để thực hiện. Còn khi chưa có văn bản chỉ đạo, mọi cá nhân, đơn vị không thể thực hiện.
Tiếp tục đưa ra nhiều luận điểm, cựu Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc Công ty Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Radoxy-3C là đúng quy định, không gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Theo ông Chung, Công ty Thoát nước Hà Nội đã ký 4 quyết định đặt hàng cung ứng dịch vụ xử lý ô nhiễm nước hồ cho UBND thành phố với tổng số tiền hơn 308 tỷ đồng, còn với 9 huyện là hơn 3 tỷ. Trong khi đó, tổng số tiền chi ra để mua chế phẩm Redoxy-3C là hơn 167 tỷ đồng.
Ông Chung tính toán, nếu lấy số tiền dự toán trừ đi số tiền đã mua chế phẩm thì Công ty Thoát nước còn lại khoản lợi nhuận là hơn 144 tỷ đồng. Lợi nhuận này, theo ông Chung, thuộc về Công ty Thoát nước Hà Nội, đơn vị 100% vốn sở hữu của thành phố, nên không thể gọi là "làm thất thoát tài sản".
Cũng trong bản giải trình viết tay dài 106 trang, cựu Chủ tịch Hà Nội còn phủ nhận các cáo buộc từ cơ quan tố tụng cho rằng Arktic là "công ty gia đình" của ông.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2016, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp để xử lý ô nhiễm nước hồ trên địa bàn thành phố.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung với chức năng, nhiệm vụ là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Đức), tổ chức đoàn tham quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại thành phố.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C, thông qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic (do Nguyễn Trường Giang làm giám đốc) là công ty gia đình của bị cáo Nguyễn Đức Chung, với động cơ vụ lợi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, với tổng giá trị thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.
Với hành vi trên, ông Chung bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 8 năm tù, bị cáo Nguyễn Trường Giang nhận 4 năm 6 tháng tù và bị cáo Võ Tiến Hùng lĩnh 4 năm tù cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Sau phiên sơ thẩm, ông Nguyễn Đức Chung kháng cáo kêu oan; bị cáo Nguyễn Trường Giang kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng sau đó đã rút đơn.