Ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng như thế nào?
(Dân trí) - Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của các bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tại Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã gây thiệt hại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN tổng số tiền gần 120 tỷ đồng.
Cố ý làm trái trong lựa chọn nhà thầu, tạm ứng hơn 1.300 tỷ đồng
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định, ngày 24/10/2007, Bộ Công Thương có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình, gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNĐ Thái Bình 2). PVN được giao làm đầu mối đầu tư Dự án NMNĐ Thái Bình 2 và xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung của Trung tâm điện lực Thái Bình.
Ngày 28/2/2008, PVN giao cho PVPower thực hiện đầu tư dự án. Sau khi được giao làm Chủ đầu tư, ngày 12/8/2008, PVPower và Công ty cổ phần tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1) ký Hợp đồng về việc tư vấn lập Dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2.
Ngày 13/4/2010, ông Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVN đã ký Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu, trong đó đưa Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vào danh mục này và đề xuất Chính phủ ủy quyền cho HĐQT PVN quyết định hình thức chọn nhà thầu.
Ngày 2/7/2010, ông Đinh La Thăng ủy quyền cho bà Phan Thị Hòa, thành viên HĐQT PVN, ký Quyết định phê duyệt Dự án NMNĐ Thái Bình 2 do PVPower thuộc PVN làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau thuế tính theo mặt bằng giá Quý II/2010 là hơn 31,5 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 1,7 tỷ USD (theo tỷ giá thời điểm đó).
Cuối năm 2010, PVN quyết định thay đổi công nghệ lò hơi của nhà máy nên phải hiệu chỉnh thiết kế cơ sở, hiệu chỉnh Dự án đầu tư, hiệu chỉnh thiết kế kỹ thuật. Ngày 14/1/2011, Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc PVN, ký Công văn gửi PVPower chấp thuận thay đổi phương án công nghệ lò hơi Dự án NMNĐ Thái Bình 2 và chỉ đạo PVPower đề nghị PECC1 lập Hồ sơ hiệu chỉnh Dự án.
Sau khi PECC1 lập Thiết kế cơ sở hiệu chỉnh, ngày 24/2/2011, ông Đinh La Thăng ký Quyết định phê duyệt Thiết kế cơ sở hiệu chỉnh Dự án NMNĐ Thái Bình 2. Ngày 28/2/2011, ông Vũ Huy Quang, Tổng Giám đốc PVPower và Vũ Đức Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC, ký Hợp đồng EPC số 33 về việc: “Thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến công trường, thông quan hàng hoá, bảo hiểm, dỡ hàng tại công trường, xây dựng, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành Công trình NMNĐ Thái Bình 2 gói thầu “EPC xây dựng nhà máy chính” thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2 (2x600MW)”.
Ngày 13/5/2011, PVN, PVPower và PVC đã ký Hợp đồng chuyển đổi chủ thể Hợp đồng EPC số 33, theo đó chuyển Dự án NMNĐ Thái Bình 2 từ PVPower là Chủ đầu tư thành PVN là Chủ đầu tư; đồng thời PVN nhận và kế thừa mọi trách nhiệm, nghĩa vụ của Hợp đồng EPC số 33 kể từ ngày 1/4/2011.
Ngày 26/5/2011, PVN có Quyết định phê duyệt hiệu chỉnh Dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2. Ngày 4/8/2011, PVN có Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật hiệu chỉnh dự án NMNĐ Thái Bình 2.
Ngày 20/9/2011, PVN và PVC ký Biên bản thoả thuận thanh lý Hợp đồng ký ngày 13/5/2011 giữa PVN, PVPower, PVC; đồng thời thanh lý Hợp đồng EPC số 33 gói thầu “EPC xây dựng Nhà máy chính” thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2.
Ngày 11/10/2011, PVN ký lại với PVC Hợp đồng tổng thầu EPC số 9256/HĐ-DKVN thi công gói thầu EPC của Dự án.
Theo cáo trạng, quá trình triển khai, thực hiện dự án, các bị cáo đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong việc lựa chọn nhà thầu, ký Hợp đồng EPC, tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng theo Hợp đồng EPC.
Gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng
Theo cáo trạng, để tạo điều kiện cho PVC trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Đinh La Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC của Dự án NMNĐ Thái Bình 2 và yêu cầu Nguyễn Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc PVN - chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 85/2009/NĐ-CP, Điều 4 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, Điều 16, Điều 17 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP và khoản 2 Điều 4, Điều 9, Điều 10 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP.
Sau đó, ông Đinh La Thăng chỉ đạo Phùng Đình Thực (TGĐ PVN), Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn (Phó TGĐ PVN), Ninh Văn Quỳnh (Kế toán trưởng PVN), Lê Đình Mậu (Phó trưởng ban Kế toán và Kiểm toán PVN), Vũ Hồng Chương (Trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2), Trần Văn Nguyên (Kế toán trưởng ban QLDA Điện lực dầu khí Thái Bình 2) căn cứ Hợp đồng EPC số 33 để tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 nghìn tỷ đồng cho PVC.
Việc làm trên trái quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng và khoản 2, khoản 4 Điều 10 Quyết định số 190/QĐ-TTg ngày 29/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, các bị can Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý (Phó Chủ tịch HĐQT PVC), Nguyễn Mạnh Tiến (Phó TGĐ PVC), Phạm Tiến Đạt (Kế toán trưởng PVC) và Trương Quốc Dũng (Phó TGĐ PVC) đã sử dụng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào Dự án NMNĐ Thái Bình 2. Hành vi này trái với khoản 2 Điều 31 Nghị định số 09/2009/NĐ-CP, khoản 6 Điều 17 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP viện dẫn nêu trên.
Căn cứ Kết luận giám định, đủ cơ sở xác định hành vi của ông Đinh La Thăng và các bị can đã gây thiệt hại cho PVN tổng số tiền 119.804.660.196 đồng (51.638.394.010 đồng + 68.166.266.186 đồng), cụ thể:
Thiệt hại do việc PVN và Ban QLDA tạm ứng cho PVC số tiền 6.607.500 USD và 1.312.076.586.646 đồng gây ra cho PVN là số tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng vào mục đích Dự án 1.115.868.979.065 đồng là 51.638.394.010 đồng.
Thiệt hại trực tiếp do việc PVC sử dụng sai mục đích số tiền 1.115.868.979.065 đồng gây ra đối với PVN là số tiền lãi suất được xác định phát sinh từ ngày 11/10/2011 (ngày đủ điều kiện để tạm ứng tiền cho PVC) cho đến ngày 20/3/2012 (ngày PVN chính thức đòi tiền tạm ứng sử dụng sai mục đích) là 68.166.266.186 đồng. Trong đó có số tiền lãi phát sinh tính cho khoản 30 tỷ đồng đầu tư tài chính vào PVC Nghệ An là 1.832.816.667 đồng và số tiền lãi phát sinh tính cho khoản 10 tỷ đồng đầu tư tài chính vào Công ty Cổ phần Thiết bị nội ngoại thất Dầu khí (PVC-Metan) là 610.880.556 đồng.
Tiến Nguyên