1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vì sao phiên tòa xử ông Đinh La Thăng không có vành móng ngựa?

(Dân trí) - Ngày 8/1, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 thuộc cấp được đưa ra xét xử sơ thẩm. Đây là vụ án "nóng" đầu tiên của năm 2018 đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đáng chú ý, phiên tòa này sẽ không có vành móng ngựa.


Phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ không có vành móng ngựa.

Phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sẽ không có vành móng ngựa.

Theo Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc phiên toà xử ông Đinh La Thăng không có vành móng ngựa là áp dụng theo quy định mới bắt đầu từ đầu năm 2018. Theo đó, thực hiện Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, quy định về phòng xử án có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, do Chánh án TAND Tối cao vừa ký ban hành, các phiên tòa xử án đều không có vành móng ngựa.

Luật sư Lê Văn Thiệp phân tích, việc bỏ vành móng ngựa khi xét xử các vụ án hình sự thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo. Việc các bị cáo đứng lên bục khai báo đã cho thấy sự thay đổi rõ nét và đúng đắn, tiệm cận với những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thế giới cũng như khẳng định xu thế hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Việt Nam.

Việc bỏ vành móng ngựa trong tất cả các phòng xử án cho thấy nguyên tắc "Suy đoán vô tội " và “Giả định phạm tội" được tôn trọng. Theo nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam thì "không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án". Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định nguyên tắc này tại điều 13 với tên gọi mới là "Nguyên tắc Suy doán vô tội".

"Việc bỏ vành móng ngựa có tính nhân văn sâu sắc cũng như không tạo áp lực cho HĐXX cũng như bị cáo, người tham gia tố tụng khác. Cá nhân tôi cho rằng nếu các nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự được thực hiện cả về hình thức và nội dung thì sẽ là một cuộc cách mạng trong hoạt động tư pháp. Trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc này sẽ đảm bảo được việc xét xử đúng pháp luật, khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có ý nghĩa trong việc phòng ngừa tội phạm cũng như răn đe tội phạm, bảo vệ được các quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ", luật sư Thiệp nhận định.

Sơ đồ phòng xử án theo Thông tư số 01.
Sơ đồ phòng xử án theo Thông tư số 01.

Như Dân trí đưa tin, ngày 8/1, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 thuộc cấp sẽ được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử với 2 tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản".

Theo đó, nhóm 12 bị cáo bị buộc tội về tội “Cố ý làm trái”; 8 bị cáo bị cáo buộc tội “tham ô tài sản”. Riêng Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận bị truy tố với cả hai tội danh trên.

Theo quy định tại Thông tư 01/2017/TT-TANDTC của TAND Tối cao thì bị cáo và người tham gia tố tụng khác sẽ có bục khai báo riêng. Vị trí bục khai báo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác được bố trí đối diện với vị trí của HĐXX.

Bục khai báo cũng được coi là một giải pháp giúp bị cáo thuận lợi hơn trong quá trình tự bào chữa mà không mời luật sư.

Dưới sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, những người tham gia tố tụng khác cũng có thể đứng tại chỗ để khai báo.

Thông tư quy định rõ bục khai báo của bị cáo tại phiên tòa được làm bằng gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp, màu nâu. Việc thay vành móng ngựa bằng bục khai báo về cơ bản không thay đổi bản chất của phiên tòa.

Tuấn Hợp