Nữ tử tù có hoàn cảnh éo le
Nữ tử tù này có chồng đang thụ lý án chung thân tại trạm giam Tân Lập về tội mua bán trái phép chất ma túy, một trong 3 người con của thị bị đột tử vì căn bệnh hiểm nghèo. Nữ tử tù ấy đang đếm ngược thời gian cảm nhận cái chết một cách đau đớn…
Vẫn biết mức án mà thị nhận là thích đáng với những gì đã gây ra, song với những người luôn bên thị đều có cảm nhận thị đáng thương hơn đáng trách.
Vào trung tuần tháng 5/2014, chúng tôi có dịp công tác tại Trại tạm giam, Công an tỉnh Hòa Bình. Rót chén trà nóng mời chúng tôi, Thiếu tá Võ Quang Hòa, Phó Giám thị nhắc tới một nữ tử tù, có hoàn cảnh éo le.
Hoàn cảnh éo le
Nguyễn Thị Lợi sinh ra và lớn lên tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Gia đình có đông anh em, cuộc sống khó khăn, vất vả nên thị Lợi sớm phải bươn chải cuộc sống, phụ giúp gia đình.
Chính vì vậy nên thị dạn dĩ, từng trải hơn so với đám bạn cùng trang lứa. Học hành dở dang, thị Lợi phải lang bạt khắp nơi để kiếm sống. Thậm chí, một thời gian dài, thị thường xuyên có mặt tại bãi vàng, tiếp xúc với đủ các hạng người trong xã hội.
Trong một xã hội đầy cám dỗ, thật khó để người ta có thể đứng vững, nhất là với những người có tham vọng “lớn lao” như Nguyễn Thị Lợi. Trong thời gian sống tại bãi vàng, thị Lợi có quen biết và nên duyên vợ chồng với một thanh niên cùng quê. Sau đó, đôi vợ chồng trẻ lần lượt sinh hạ 3 người con, rồi trở về quê hương sinh sống.
Cuộc sống ngày một khó khăn, đôi vợ chồng quyết tìm công việc thật tốt với hy vọng đổi đời. Suy đi tính lại, nếu làm việc lương thiện, kiếm đồng tiền chân chính bằng sức lao động thì thật khó làm giàu, được bạn bè “mách nước”, Nguyễn Thị Lợi bàn với chồng đi buôn “hàng trắng”.
Thoạt đầu, 2 vợ chồng khá lo lắng vì nếu bị phát hiện sẽ bị phạt nặng, thậm chí bị tử hình. Từ gợi ý của thị Lợi, người chồng thử đi buôn ma túy để có cuộc sống sung túc hơn.
Lần đầu theo nhóm bạn đi mua ma túy, chồng Lợi đã thu về một lượng tiền lớn. Nhận thấy việc mua bán ma túy không mất nhiều công sức, mà mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với làm nông, cả 2 quyết định thực hiện thêm nhiều chuyến “hàng trắng”.
Các cụ xưa có câu “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, thế rồi điều gì đến đã đến. Vào năm 2001, trong một lần mua bán ma túy, chồng Lợi bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ cùng tang vật. Tòa án tuyên phạt tù chung thân.
Sau khi chồng bị bắt và đi tù, Nguyễn Thị Lợi thay chồng nuôi ba con đang tuổi trưởng thành. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn càng trở nên cơ cực hơn. Trong thời gian này, tai họa liên tục ập đến người đàn bà đoản mệnh. Người con út bỗng nhiên bị bạo bệnh và qua đời. Nuốt nước mắt vào lòng, được sự động viên của gia đình, người thân, Nguyễn Thị Lợi hứa sẽ nuôi nấng người con thật tốt để không phụ công chồng, và để người con xấu số yên lòng dưới suối vàng.
Nữ tử tù Nguyễn Thị Lợi.
Tuy nhiên, đối với một người mà chân dính chàm, thật khó để có thể thay đổi. Vì vậy, ngay sau khi chồng bị bắt, người con qua đời, Nguyễn Thị Lợi không lấy đó là bài học để nuôi dạy con cái mà tiếp bước chồng, trở thành đầu mối cung cấp “hàng trắng” cho các đầu nậu. Trong đó có người đàn ông người Mông tên Páo ở xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, vốn là chỗ làm ăn với chồng Lợi trước khi bị bắt.
Thế rồi, khoảng 7h30 ngày 1/12/2011, Nguyễn Thị Lợi cùng người cháu ruột là Nguyễn Văn Đức, SN 1989, xã Minh Quang, Ba Vì (Hà Nội) mang 2,9 tỷ đồng lên huyện Mộc Châu mua ma túy. Vốn là chỗ quen biết của chồng nên nguồn hàng được Páo đảm bảo chất lượng tốt. Sau khi giao dịch thành công, Lợi cùng cháu ruột hý hửng mang 20 bánh heroin về giao cho đối tượng người Trung Quốc.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, với bản tính mưu mô, xảo quyệt, Lợi bọc túi nilon, sau đó giấu phía trong cốp xe. Tuy nhiên, “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, khi đi đến địa phận xóm Bảm, xã Tây Phong, Cao Phong (Hòa Bình), 2 cô cháu đã bị tổ tuần tra giao thông Công an huyện Cao Phong phát hiện.
Thấy sự việc bại lộ, Lợi thúc giục người cháu tăng tốc bỏ chạy qua trạm kiểm soát giao thông, đồng thời chống đối quyết liệt khi bị truy bắt. Thế nhưng, chỉ sau đó không lâu, 2 cô cháu đã bị bắt cùng tang vật là 20 bánh heroin.
Tại phiên tòa, Nguyễn Thị Lợi khóc nức nở khi nhận mức án tử hình, người cháu ruột của thị lĩnh án tù chung thân.
Sám hối
Mặc dù biết trước kết cục, song hôm bị tuyên án tử, lúc bị áp giải về trại giam, Nguyễn Thị Lợi vẫn chưa hoàn hồn. Thị chẳng thiết ăn uống, đêm nào cũng trằn trọc nhìn ra khoảng không mịt mùng qua khe cửa buồng giam suy nghĩ miên man.
Ngày ngủ, đêm thức, thoắt vui rồi lại buồn, nếp ấy đến giờ vẫn chưa thay đổi. Cơ thể của thị suy sụp, bạc nhược một cách ghê gớm. Ðã có lúc, thị định phó thác cho số phận nhưng rồi khát khao được sống lại thôi thúc.
Nghe bạn tù khuyên "sống được ngày nào quý ngày ấy, biết đâu được giảm xuống chung thân, sẽ có ngày về", thị cũng an lòng phần nào. Nếu không may, Lợi cũng chỉ mong được ra đi thanh thản. Không chỉ một lần, thị đề xuất được viết thư, gửi các cấp có thẩm quyền “xin chết”, bởi càng sống ngày nào, thị phải chịu sự giày vò đeo đẳng, bám riết tâm can ngày đó.
Song mong muốn “giản đơn” đó của thị không được chấp nhận, để thị mòn mỏi gặm nhấm từng giây phút cô độc khủng khiếp cuối đời; nỗi sợ hãi, ám ảnh cùng sự ân hận, giày vò của tội ác lên đến tột cùng; niềm tiếc đời, khát vọng sống càng mãnh liệt.
Nắm được hoàn cảnh éo le của tử tù, Trung úy Xa Thị Hoài Thu – quản giáo Trại tạm giam, Công an tỉnh thường xuyên có mặt để động viên, giúp Lợi ổn định tinh thần, tránh hoang mang dẫn đến tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trước đây, do đi lao động tại các bãi vàng nên Lợi bị nhiễm độc, tóc rụng dần. Tuổi ngày càng cao, sức khỏe suy yếu, lại trong hoàn cảnh éo le này nên thì suy sụp rất nhiều. Nhờ sự gần gũi của quản giáo mà thị Lợi dần ổn định, chấp hành quy định của trại.
Những lúc thị đau yếu, các y bác sỹ đều có mặt thăm khám, cấp thuốc giúp thị ổn định tinh thần. Nữ tử tù chia sẻ: "Cuộc đời mình đã hết rồi, mình tự đẩy bản thân vào cõi chết. Niệm phật ngày đêm sẽ giúp cõi lòng nhẹ nhàng hơn, để rồi ngày mai nếu phải đưa đi thi thành án, ở thế giới bên kia, lòng mình sẽ thanh thản hơn phần nào". Nhiều lúc, Lợi khóc vì thương mẹ già đang ở cái tuổi gần đất xa trời, phải chịu đau khổ vì đã sinh ra đứa con tội đồ.
Nhờ sự động viên của các quản giáo, tâm trạng Lợi vơi đi ít nhiều. Giờ đây, niềm vui lớn nhất của nữ tử tù là mong đến ngày thăm nuôi hằng tháng để được gặp gia đình. Lợi đã có cháu nội và cháu ngoại. Mỗi lần 2 người con mang theo các cháu lên thăm là Lợi mừng lắm.
Dù chưa một lần được chăm bẵm cho các cháu của mình, nhưng mỗi lần nhìn thấy chúng cười qua tấm kính ngăn trong phòng thăm gặp là Lợi thấy ấm lòng. Lợi chia sẻ, đến giờ chị ta chẳng bận tâm nhiều về cái chết.
Tuy nhiên, nữ tử tù này cho hay đến nay, trong buồng biệt giam chị ta vẫn có những nỗi dằn vặt riêng của mình. "Nếu như được sống ngoài xã hội, mình sẽ làm ăn lương thiện để kiếm tiền xây cho con căn nhà nhỏ để cháu sớm lập gia đình, ổn định cuộc sống", Lợi ao ước.
Tôi rời Trại tạm giam, Công an Hòa Bình khi đợt nắng nóng tràn xuống thiêu đốt căn phòng biệt giam. Cái cảm giác rờn rợn lúc đầy bước chân vào đây dường như tan biến, thay vào đó là nỗi buồn man mác. Vẫn biết, một ngày nào đó những tử tù mà tôi vừa gặp sẽ phải đền tội. Song giá như trước khi phạm tội, họ nghĩ tới gia đình, nghĩ về những đứa con thơ dại sẽ sống ra sao nếu không còn mẹ thì kết cục có lẽ sẽ khác. Mong cho những người khác hiểu những suy nghĩ của họ để sống tốt đẹp hơn