Sóc Trăng:
Nỗi đau ly tán của 6 người chịu án oan giết người
(Dân trí) - Sau 7 tháng bị giam oan, 6 thanh niên được thả về. Có người vợ đã bỏ đi, có người phải lặn lội khắp nơi mưu sinh. Giờ đây, án oan được gột rửa, các các bộ công an bắt oan họ đã bị xử lý, nhưng cuộc sống của họ vẫn nhiều lao đao...
Vợ đi lấy chồng khác
Đáng buồn nhất là trường hợp của anh Thạch Sô Phách. Thạch Sô Phách chia sẻ với phóng viên, sau khi được minh oan, các anh đều trở về với cuộc sống vất vả, bươn bải làm thuê, người làm ở Sóc trăng, Cần Thơ, người lưu lạc lên tận Bình Dương, TPHCM... Nhưng tất cả những điều đó đều chỉ là vất vả vật chất mà các anh có thể chịu đựng được. Riêng nỗi đau tinh thần thì không gì có thể bù đắp được.
Bà Thạch Thị Ngọc (mẹ ruột Sô Phách) cho biết, sau khi con bà bị công an bắt giam, gia đình bà chịu rất nhiều tủi nhục. Anh Phách con trai bà có vợ là L.T.H.D (29 tuổi) và một con trai là cháu Thạch Duy (đang học lớp mẫu giáo). Khi hay tin chồng bị bắt về tội giết người, D. đã để con trai lại cho cha mẹ chồng nuôi để đi theo người đàn ông khác. Ngày Phách được tại ngoại, về đến nhà chỉ thấy cha mẹ và con trai ra đón.
Mới đây, anh Phách đã đến tòa làm thủ tục ly hôn với vợ. Sô Phách bùi ngùi: “Suy cho cùng cũng tại án oan mà gia đình tôi tan nát. Từ nay, con tôi phải chịu cảnh sống thiếu tình thương của mẹ!”.
Trước khi bị bắt, Sô Phách đi theo tàu đánh cá của một ngư dân ở cảng Trần Đề, thu nhập tạm đủ lo cho cuộc sống gia đình. Từ ngày bị bắt và sau khi được minh oan, anh không thể tiếp tục công việc bởi sức khỏe không cho phép đi biển đành ở nhà làm thuê để có tiền nuôi con, phụ giúp cha mẹ.
Quên cả người thân
Hoàn cảnh của Trần Hol cũng lắm xót xa. Chúng tôi tìm đến nhà, vợ Trần Hol là chị Sơn Thị Hoa cho biết anh Hol đang đi làm thuê ở Cần Thơ kiếm sống.
Tiếp chuyện với chúng tôi, chị Sơn Thị Hoa (27 tuổi) cho biết, ngày chồng chị bị bắt, chị đang mang thai đứa con thứ 2 được bảy tháng. Vợ chồng chị vốn đã nghèo, cha mẹ 2 bên cũng nghèo nên không giúp được gì nhiều cho gia đình. Chỉ có anh Hol là lao động chính trong nhà nên từ ngày anh bị bắt, cuộc sống của chị Hoa và con khốn khó vô cùng.
“Bụng mang dạ chửa, không làm thuê được nên không có tiền mua gạo ăn thì lấy gì để đi thăm chồng đang bị giam. Nhiều lúc em nghĩ, chồng chết vì oan sai, mẹ con em chết vì nghèo khổ, lại phải chịu sự nhục nhã khi bị mang tiếng có chồng giết người. May mà bà con ở địa phương hiểu và thương cho mẹ con em người lon gạo, người vài chục ngàn sống qua ngày. Nhưng điều khổ tâm nhất của mẹ con em hiện nay là chồng đã được minh oan nhưng tâm tính anh thay đổi nhiều so với trước”, chị Hoa xót xa.
Chị Hoa cho biết, từ ngày được thả về, Hol ít khi ở nhà mà đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Hầu như anh rất ít về nhà, có đôi lúc thấy anh thẫn thờ như người mất hồn đến nỗi không nhận ra vợ con, không nhận ra cha mẹ và người quen.
Qua chị Hoa, chúng tôi liên lạc với Hol, hỏi vì sao ít về nhà với vợ con thì Hol buồn bã nói: “Buồn lắm anh ơi, từ ngày bị bắt giam, vợ chưa sanh con thứ 2. Những ngày vợ ở cữ mình cũng không được ở bên vợ, để vợ một mình vượt cạn thấy khổ tâm lắm. Bây giờ mình về rồi nhưng thấy vợ con nghèo khổ, chịu không nổi nên phải đi làm thuê, thỉnh thoảng mới về thăm một chút rồi đi. Nghĩ thấy mình có lỗi với vợ con nhiều quá”.
Căn nhà của gia đình Trần Hol đang ở là một căn nhà lá xập xệ, rách nát, tài sản trong nhà không có gì đáng giá. Chị Hoa nói trong nước mắt: “Nhà đã nghèo lại gặp cái eo này càng khốn khó hơn. Anh Hol ít về nhà, nhiều bữa mấy mẹ con ôm nhau trong đêm mà chảy nước mắt. Thương chồng nên em không giận chồng nhưng thấy cuộc đời sao buồn quá. Nhiều lúc nghĩ quẩn nhưng thấy thương con nên đành ráng vượt qua. Nếu không có sự cưu mang của bà con chắc mẹ con em chết lâu rồi”.
Trần Hol và chị Hoa có 2 con, cháu đầu 4 tuổi, cháu sau mới 7 tháng tuổi. Hai vợ chồng không hề có đất đai sản xuất mà sống chủ yếu bằng làm thuê làm mướn.
Nhiều người dân ở ấp Lâm Dồ rất thông cảm với hoàn cảnh của Sô Phách và Trần Hol. Nếu không có án oan, có thể cuộc đời họ sẽ không bi đát như thế.
Bạch Dương - Huỳnh Hải