1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng

Những tranh luận chờ phán quyết tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu"

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Trong hơn 2 tuần xét xử, hầu hết các bị cáo tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu" khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, nhiều tình tiết mới đã nảy sinh.

Phi vụ "chạy án"

Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) đã nhận lời của ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) để "chạy án" cho Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Phó tổng và Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) trong vụ "chuyến bay giải cứu".

Cơ quan công tố xác định, tại nhà ông Tuấn, Hưng và Hằng nhiều lần gặp nhau. Tại đây, Hưng hướng dẫn Hằng cách khai báo với điều tra viên; chỉ đạo Hằng và Sơn viết trước 7 bản tường trình để đưa cho Hưng trước khi nộp cơ quan điều tra...

Đặc biệt, theo cáo trạng, Hưng nhiều lần đề cập đến việc phải đưa tiền để cựu điều tra viên này chi cho VKS và các cơ quan có thẩm quyền khác trong việc điều tra vụ án.

Những tranh luận chờ phán quyết tại phiên tòa chuyến bay giải cứu - 1

Bị cáo Hoàng Văn Hưng (Ảnh: Nguyễn Hải).

Theo lời khai của Hằng, nữ bị cáo này đưa cho ông Tuấn tổng 2,65 triệu USD. Ông Tuấn đưa lại cho Hưng 2,25 triệu USD, nhưng cơ quan chức năng chỉ có căn cứ xác định Hưng nhận một lần 350.000 USD và lần thứ 2 là 450.000 USD.

Tại lần giao dịch 450.000 USD, VKS và lời khai của Hằng, ông Tuấn thể hiện, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã cất số tiền trên trong một vali cặp số, để mật khẩu 104, rồi nhờ cháu trai chở đến cổng Bộ Công an (phố Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để giao cho Hưng.

Trong hơn 2 tuần xét xử, Hưng đều kêu oan, cho rằng bị truy tố sai. Cựu điều tra viên khẳng định bản thân không nhận bất kỳ đồng tiền nào từ ông Tuấn hay Hằng. Bị cáo cũng phủ nhận việc hướng dẫn Hằng khai báo, mà khai chỉ tiếp xúc Hằng để động viên nữ doanh nhân này đầu thú.

Về cáo buộc nhận 800.000 USD, Hưng cũng phản bác. Với số tiền 350.000 USD, cựu điều tra viên đề nghị VKS làm rõ là việc đưa tiền vào thời điểm nào, cách thức nào, nội dung là gì, đặc biệt là địa điểm giao dịch số tiền trên.

Đối với lần thứ 2, Hưng xác nhận đã cầm chiếc vali do cháu trai ông Tuấn mang đến. Tuy nhiên, bên trong vali là 4 chai rượu vang, không phải rượu.

"Căn cứ nào VKS xác định chắc chắn trong cặp chứa 450.000 USD?", cựu điều tra viên nói.

Phản bác lại lập luận này của Hưng, ông Tuấn cho rằng không ai để 4 chai rượu vang vào vali cặp số.

Những tranh luận chờ phán quyết tại phiên tòa chuyến bay giải cứu - 2

Đại diện VKS (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Tuấn khai là không ai để rượu vang vào vali cặp số, VKS cho rằng lời khai này phù hợp với thực tế. Nếu Tuấn tặng Hưng 4 chai rượu vang thì không cần thiết phải liên lạc với Hưng liên tục như vậy", VKS nhận định và cho biết, trong ngày 4 và sáng 5/12, Hưng và ông Tuấn liên lạc với nhau 15 cuộc gọi.

Trong phần luận tội, VKS nhận định, Hưng đã gian dối, khai báo nhỏ giọt, không trung thực. 

"Hưng sử dụng kiến thức để đối phó, trốn tránh. Tại tòa, Hưng quanh co chối tội, tạo áp lực cho bị cáo khác, xúc phạm cơ quan tố tụng. Vì vậy, VKS giữ nguyên nhận định và cáo buộc, đề nghị HĐXX ra một bản án nghiêm minh", đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu.

Doanh nghiệp nói "là nạn nhân của phong bì"

Trong phiên tòa "chuyến bay giải cứu", có hơn 20 bị cáo là lãnh đạo các doanh nghiệp có hành vi Đưa hối lộ để được xét duyệt tổ chức chuyến bay.

Tại bục khai báo, họ hầu hết khai nhận những lần đưa tiền như theo cáo trạng của VKS. Tuy nhiên, khi nói về động cơ, các bị cáo phân trần, một phần vì muốn "cảm ơn", chia sẻ doanh thu, thành công; phần còn lại vì "bị ép".

Theo Giám đốc Công ty Masterlife Trần Thị Mai Xa, tháng 6/2021, Mai Xa lần đầu gửi hồ sơ xin cấp phép tổ chức bay nhưng bị từ chối. Trong Tổ công tác 4 Bộ, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) không chấp thuận để Công ty Masterlife thực hiện chuyến bay.

Những tranh luận chờ phán quyết tại phiên tòa chuyến bay giải cứu - 3

Bị cáo Trần Thị Mai Xa (Ảnh: H.N.).

Sau khi liên hệ với Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh), Mai Xa biết được nguyên nhân hồ sơ bị từ chối là "sếp không biết doanh nghiệp em là ai". Sau đó, nữ bị cáo cho biết được chính Cường gợi ý phương án giải quyết là "cám ơn đi".

Theo bị cáo, việc đưa hối lộ được thực hiện trong "vô thức". Bị cáo không có ý thức về việc đưa tiền nhưng ngay lần đầu tiên xin cấp phép đã bị ép đưa.

Trình bày trước HĐXX, bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) nói: "Qua vụ án này bị cáo nghĩ rằng doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của văn hóa phong bì, nạn nhân của thiếu hiểu biết".

Quát tháo, ép doanh nghiệp đưa tiền theo "barem"?

Đại diện VKS cho biết, trong suốt quá trình điều tra, Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, giải quyết vụ án. Kiên một mực cho rằng số tiền nhận của doanh nghiệp là vay mượn cá nhân.

Trong vụ án này rất nhiều bị cáo là doanh nghiệp sợ nếu không gặp gỡ đưa tiền thì Kiên sẽ gây khó khăn trong việc trả văn bản và trên thực tế cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã gây sức ép buộc doanh nghiệp đưa tiền theo yêu cầu.

Theo tài liệu điều tra có tổng cộng 19 doanh nghiệp đưa tiền cho Kiên. Trong đó, 12/19 doanh nghiệp bị Kiên yêu cầu đưa tiền từ 150 đến 200 triệu đồng/chuyến bay được cấp phép và 1 đến 2 triệu đồng/khách lẻ về nước.

Trước tòa, bị cáo Phạm Trung Kiên đưa ra hàng loạt dẫn chứng để biện minh rằng các doanh nghiệp cảm ơn mình sau khi thực hiện chuyến bay giải cứu, chứ "bị cáo không đòi hỏi".

Những tranh luận chờ phán quyết tại phiên tòa chuyến bay giải cứu - 4

Bị cáo Phạm Trung Kiên (Ảnh: Nguyễn Hải).

Kiên nhiều lần khẳng định "không ép bức doanh nghiệp" như phần luận tội quy kết và lời khai của một số bị cáo khác.

Cụ thể, Kiên cho biết bị cáo Lê Văn Nghĩa, giám đốc Công ty Nhật Minh, trong quá trình xin cấp phép "chuyến bay giải cứu", có gọi điện nói đang ở Khánh Hòa chưa đến gặp được để cảm ơn vì bị cáo đã tạo điều kiện. Khi có chuyến bay nội địa, Nghĩa lên gặp bị cáo và sau đó chuyển tiền.

Kiên phản bác lời khai của bị cáo Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty đầu tư và thương mại Thuận An) về việc cựu thư ký ép đưa tiền, nếu không đưa thì không được duyệt cấp phép chuyến bay giải cứu.

"Tất cả việc bị cáo nhận tiền cho doanh nghiệp là đúng nhưng bị cáo không phải ép bức hay bắt doanh nghiệp đóng tiền", Kiên phân trần.