1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vụ "chuyến bay giải cứu": Trình bày gia cảnh, khóc hối lỗi có được giảm án?

Hải Nam Nguyễn Hải

(Dân trí) - Theo luật sư, một bản án được đưa ra sẽ căn cứ vào 5 yếu tố: Quy định của Bộ luật Hình sự; Quy định về chuyển khung hình phạt; Tính chất mức độ hành vi; Nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Theo kế hoạch, ngày 28/7, TAND Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết với 54 bị cáo liên quan đại án "chuyến bay giải cứu". Trước khi nghị án, HĐXX cho các bị cáo được nói lời sau cùng.

Đứng tại bục khai báo, bị cáo Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Ban đối ngoại Trung ương Đảng) nói vô cùng xấu hổ khi phải đứng trước tòa. Bà Ngọc Anh xin nhận những lỗi sai của mình.

Bị cáo mong HĐXX xem xét cho hoàn cảnh gia đình khi mẹ chồng năm nay đã ngoài 90 tuổi, hai mắt không còn nhìn thấy, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào con cái, chồng bị cáo là con trai duy nhất.

"Chồng bị cáo là bộ đội xa nhà quanh năm, 2 con còn nhỏ nên bị cáo vừa làm mẹ, lại làm cha.

Vụ chuyến bay giải cứu: Trình bày gia cảnh, khóc hối lỗi có được giảm án? - 1

Các bị cáo tại phiên xét xử (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bị cáo biết mình có lỗi, nhận ra cái sai của mình. Bị cáo xin HĐXX, xin thẩm phán bị cáo được hưởng mức án thấp nhất có thể để sớm trở về lo cho con cái, chăm lo bố mẹ khi còn có thể và để chồng yên tâm công tác", bị cáo nói trong nước mắt.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky) nói nhận thức rõ sai phạm của bản thân và rất ăn năn, hối cải.

Bị cáo Hằng nói, Công ty Bluesky thời điểm dịch Covid-19 đã tổ chức được hơn 100 chuyến bay và đưa được hơn 30.000 công dân về nước. Vì đưa càng nhiều công dân về nước dẫn đến tội càng nặng.

Bà Hằng mong HĐXX xem xét cho doanh nghiệp của mình và những doanh nghiệp khác cả về công lẫn tội.

Bị cáo Hoàng Thị Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty An Bình) nghẹn ngào nói, xin được chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi phạm tội của bản thân.

Tổng Giám đốc Công ty An Bình vô cùng ân hận về quyết định sai lầm của mình trong công việc đã ảnh hưởng đến bản thân, doanh nghiệp và các anh, chị em trong cơ quan Nhà nước.

"Bị cáo xin cố gắng hoàn thiện bản thân và tu dưỡng đạo đức trong thời gian tới để trở thành người có ích cho xã hội. Bản thân bị cáo mồ côi mẹ hơn 30 năm, bản thân mắc bệnh nặng nên xin HĐXX cho bị cáo được cơ hội điều trị bệnh và sớm trở về bên gia đình", Mơ trình bày.

Bị cáo Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Minh Ngọc) nói, từ khi bị cơ quan công an điều tra, khởi tố, bị cáo đã cảm thấy hối hận, ăn năn. Khi thực hiện thành công 3 chuyến bay cuối cùng đưa công dân hồi hương, Hằng cảm thấy "ấm lòng" vì chi phí rẻ.

Trước hàng loạt nguyện vọng trên của các bị cáo, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng có 5 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến quyết định đưa ra hình phạt dành cho các bị cáo.

Thứ nhất, căn cứ quy định của Bộ luật Hình sự. Hành vi phạm tội thuộc khung nào, khung đấy có mấy loại hình phạt, mức hình phạt của từng khung như thế nào.

Thứ hai, căn cứ quy định về chuyển khung hình phạt. Nếu có từ 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự, thì có thể được chuyển từ khung này sang khung kia.

Thứ ba, phụ thuộc vào tính chất mức độ hành vi phạm tội. Cùng một hành vi phạm tội, ví dụ là Nhận hối lộ với cùng số lần, cùng số tiền, nhưng bị cáo đe dọa, ép buộc, đòi hỏi phải đưa tiền sẽ bị đánh giá tính chất khác so với bị cáo không thực hiện hành động trên. Theo luật sư, yếu tố này rất quan trọng để HĐXX xem xét khi lượng hình.

Thứ tư phụ thuộc vào nhân thân bị cáo. Một người có nhiều tiền án, tiền sự, nhân thân xấu sẽ cần một bản án nghiêm khắc để răn đe, giáo dục, cải tạo. Ngược lại, người phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, có ích cho xã hội, có hoàn cảnh gia đình khó khăn... sẽ có thể được đánh giá để giảm nhẹ hình phạt.

Thứ năm, các yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, căn cứ theo Điều 51 và 52 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các yếu tố này có vai trò phụ, không phải căn cứ quan trọng. Nếu tính chất, mức độ hành vi phạm tội như nhau, nhưng bị cáo nào có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn thì sẽ được mức án thấp hơn và ngược lại.

Tuy nhiên, theo luật sư, nhiều bị cáo có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51, nhưng HĐXX xét thấy tính chất nghiêm trọng của hành vi, bị cáo vẫn có thể bị tuyên mức án cao nhất.

Theo Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự, gồm: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Người phạm tội tự thú;

Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ...