1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hà Nội:

Những người đón Tết muộn

Hà Nội đã đón những ngày đầu tiên của năm mới Quý Tỵ thực sự bình yên và an lành. Xen lẫn trong dòng người đi đón xuân, chúc Tết trên trên khắp phố phường bất kể ngày hay đêm là hình ảnh của những người chiến sỹ Công an Thủ đô bám chốt thực hiện nhiệm vụ.

Những hình ảnh ấy, dù đã quen thuộc trong ngày thường, nhưng vào những ngày đầu xuân nó mang lại những cảm xúc rất khác. Đó là cảm xúc của sự bình yên và đồng cảm với những vất vả của những người đón Tết muộn.

“Cảm ơn các anh 141”

Chúng tôi gặp Trung tá Lê Văn Hoan, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông số 2, Tổ trưởng tổ Công tác 141-Y7 sau giờ làm việc tại nhà riêng vào chiều ngày mùng 6 Tết. Đón khách bằng cái bắt tay và nụ cười thân mật, anh chia sẻ, kể từ thời khắc bước sang năm mới, sau 5 ngày ứng trực liên tục hôm nay anh mới có thời gian cùng gia đình đi chúc Tết và thăm hỏi họ hàng.

Tổ công tác 141-Y7 của Trung tá Lê Văn Hoan là một trong số 15 tổ công tác đặc biệt của Công an TP Hà Nội làm việc xuyên suốt trong các ngày Tết để đảm bảo tình hình an ninh trật tự của Thủ đô.

Với tinh thần đảm bảo cho người dân đón một cái Tết an toàn tuyệt đối, lực lượng liên quân 141 đã phát huy ý kiến chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an thành phố: Tập trung phòng ngừa tội phạm và thực thi nhiệm vụ nhưng không gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Các tổ công tác 141 trong đó có tổ của Trung tá Hoan chủ yếu nhắc nhở, tạo điều kiện hết mức cho nhân dân đi đón Tết và Giao thừa một cách thuận tiện. Trung tá Hoan chia sẻ: Nét truyền thống của người Việt Nam khi năm mới tránh những lời nói, hành động mất lịch sự ngày đầu xuân. Chính vì vậy, Tổ công tác khi thực hiện nhiệm vụ đều giữ thái độ cùng lời nói hết sức nhẹ nhàng, tế nhị nhắc nhở người vi phạm trong những ngày Tết vì thế mà cũng ít có những biểu hiện chống đối.
 
Những người đón Tết muộn
 

Trong đêm 30 Tết, khi bước vào thời khắc Giao thừa, mỗi người trong Tổ công tác 141 đều có những tâm trạng riêng, nhưng ai cũng xác định phải hoàn thành nhiệm vụ. Trung tá Hoan luôn tâm niệm rằng, trong công việc với người chiến sĩ công an phải luôn xác định Tết đến rất sớm nhưng lại hết muộn. Bởi sau khi Tết xong, lực lượng công an còn phải nỗ lực phục vụ nhân dân vui xuân, và đi lễ hội đầu năm. Do vậy phải luôn biết xác định cho mình, động viên gia đình vợ con và tranh thủ thời gian nghỉ trực về nhà cùng vợ con đón xuân, chúc Tết.

Trải qua gần 30 năm trong ngành, năm nào Trung tá Lê Văn Hoan đều cùng đồng đội đón Giao thừa ở ngoài đường. Các điểm bắn pháo hoa rất cần lực lượng Cảnh sát giao thông để phân luồng, đảm bảo giữ gìn TTGT cho nhân dân đi lại lúc Giao thừa. Sau khi mọi người đã chơi xuân trở về nhà, lúc thành phố bình yên chìm vào giấc ngủ, thì đó mới là lúc các anh tạm kết thúc công việc của mình.

Trung tá Lê Văn Hoan cho biết, vi phạm phổ biến xảy trong những ngày Tết là tình trạng điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng đã uống bia, rượu. Có đến 50% số người bị Tổ công tác 141 kiểm tra đều mắc phải lỗi vi phạm này. Trung tá Hoan nói vui, những người vi phạm khi bị kiểm tra đều đã ở trong tình trạng… đi nghiêng, nghĩa là khi bước xuống khỏi phương tiện giao thông đều đứng không vững.

Có những trường hợp các anh phải trực tiếp gọi điện cho người nhà đến để đón về để đảm bảo an toàn cho chủ phương tiện. Khi đến nơi, thân nhân của những người vi phạm đều hết sức cám ơn lực lượng kiểm tra vì nếu không có các anh biết đâu trong lúc điều khiển phương tiện ở trạng thái say xỉn, người nhà của họ có thể đã gặp phải những tai nạn bất ngờ.

Trong những ngày bám chốt trực Tết, có những lúc niềm vui đến với các anh thật bất ngờ và giản dị. Không ít người dân khi đi chúc Tết qua chốt đã dừng xe xuống chúc Tết và cám ơn các  chiến sỹ công an. Họ tâm sự, nhìn thấy lực lượng công an làm việc trong những ngày Tết khiến họ cảm thấy thực sự yên tâm hơn.

Đón Tết trong rừng sâu

Một trong những chiến công xuất sắc đầu xuân của Công an Hà Nội là thành tích khám phá vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại huyện Thanh Trì vào giữa tháng 1-2013. Vụ án đã được Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với Công an huyện Thanh Trì điều tra làm rõ, bắt giữ hung thủ ngay trong đêm mùng 1 Tết Nguyên đán.
 
Những người đón Tết muộn

Thượng tá Lê Tân Liên, Đội trưởng Đội Điều tra Hình sự Công an huyện Thanh Trì cho biết, suốt từ khi phát hiện ra vụ việc ngày 22 tháng Chạp cho đến khi bắt được hung thủ đưa về Hà Nội là ngày mùng 2 Tết Nguyên Đán, gần 30 cán bộ chiến sĩ của Công an huyện Thanh Trì và Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội gần như không có ngày Tết.

Thượng tá Lê Tân Liên nhớ lại, chiều ngày 27 Tết sau khi xác định danh tính của hung thủ, tổ công tác đã lập tức lên đường tới huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Các mũi trinh sát được phân công bám theo dấu vết những nơi nghi ngờ đối tượng có thể xuất hiện. Cho tới ngày 29 Tết (tức 30 Tết) sau khi nhận được thông tin có thể đối tượng đang lẩn trốn tại Tân Long - một xã miền núi của huyện Đồng Hỷ, tổ công tác đã lên kế hoạch vây bắt.

Lúc này đã là chiều cuối năm, thời tiết sau mấy ngày ấm áp đã trở lạnh. Anh em trinh sát vì vội nhận nhiệm vụ lên đường nên không ai kịp mang theo áo ấm. Trong khi đó, các hàng quán cũng đã đều đồng loạt đóng cửa. Ngay trong đêm 29 Tết một mũi chi viện của Công an Hà Nội được tăng cường lên Tân Long đã mang theo áo ấm, bánh chưng, giò lụa và mỳ tôm để tiếp tế cho lực lượng trinh sát và tổ đón tất niên, mừng năm mới ngay tại chỗ. Khu vực mà đối tượng lẩn trốn là một quả đồi hoang vắng ở tận trong rừng sâu.

Để tiếp cận được tới chân đồi phải đi qua con đường đèo núi độc đạo dài hơn 8km. 5h chiều ngày mùng 1 Tết, các trinh sát mới tiếp cận được ngọn đồi nơi đối tượng ẩn náu. Các phương án truy bắt đối tượng được đặt ra và bàn bạc kỹ lưỡng. Cuối cùng phương án bắt đối tượng ngay trong đêm mùng 1 Tết đã được lựa chọn. 10h đêm ngày mùng 1 Tết, một tổ trinh sát đi bộ hơn 2km vượt lên đỉnh đồi và bí mật áp sát lán trại và bắt gọn đối tượng. Ngay trong đêm hôm đó, sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết, đối tượng đã được dẫn giải ngay về Hà Nội.

Bờ Hồ đêm 30 tết

Hồ Gươm, trái tim của Thủ đô từ lâu đã thành điểm đón Giao thừa truyền thống của người dân Hà Nội. Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, điểm tổ chức bắn pháo hoa ở hồ Gươm thường thu hút được hàng vạn người dân tới chiêm ngưỡng.

Đây cũng là một trong những điểm vui chơi, tham quan trong những ngày Tết Nguyên đán của du khách trong và ngoài nước. Chính vì vậy, việc đảm bảo, giữ vững an ninh trật tự tại khu vực Bờ Hồ trong những ngày Tết là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với lực lượng công an, đặc biệt là lực lượng Công an quận Hoàn Kiếm.

Trung tá Trần Đức Vuông, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông, Trật tự, Phản ứng nhanh, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, trong 10 năm công tác tại đội thì cả 10 năm anh và đồng đội đều có niềm vui được đón năm mới tại Bờ Hồ. Với anh, mỗi năm đều có những cảm xúc riêng, tuy nhiên khoảng khắc hạnh phúc nhất đó là khi những bông pháo hoa đầu tiên được bắn lên, được chứng kiến những nét rạng ngời hạnh phúc trên khuôn mặt của những người dân đang mong chờ một năm mới yên vui, an lành.
 
Những người đón Tết muộn

Số lượng người tập trung tại khu vực Bờ Hồ để xem bắn pháo hoa trong đêm 30 Tết rất đông, do vậy nhiệm vụ đảm bao an ninh trật tự cho người dân phải căng ra hết sức nặng nề. Vào mỗi thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trong khi mọi người gác lại những lo lắng, muộn phiền sau một năm mệt mỏi, được thảnh thơi, nhẹ nhàng ngắm nhìn những màn pháo hoa tuyệt đẹp thì các anh lại phải căng sức để đem lại sự yên bình. Tuy nhiên bù lại, các anh lại có những niềm vui, niềm hạnh phúc rất riêng.

Trung tá Vuông tâm sự, năm nào cũng vậy anh và những đồng đội ứng trực tại khu vực Bờ Hồ đều nhận được rất nhiều những lời chúc Tết mà hầu hết đều đến từ những người chưa một lần quen biết. Rất nhiều người, từ những người có tuổi cho đến thanh niên, các em học sinh và những người nước ngoài khi bước sang thời điểm năm mới đã chủ động đến bắt tay và dành cho các anh những lời chúc mừng tốt đẹp nhất cho năm mới. Đó là chính là niềm vui, là những món quà mừng tuổi đặc biệt của các chiến sĩ công an.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ trực ban của Công an quận Hoàn Kiếm lại có một niềm vui - niềm vui đối với anh cũng như đối với các đồng đội đó là trong suốt những ngày Tết vừa qua chưa phải nhận một thông tin trình báo nào về hiện tượng mất trộm, mất cắp hay phạm pháp hình sự nào xảy ra tại khu vực hồ Gươm.

Mặc dù không được sum họp cùng vợ con, gia đình trong bữa cơm tất niên, nhưng từ vị trí trực ban của mình, nhìn ra dòng người tấp nập du xuân qua khu vực hồ Gươm, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn lại cảm nhận được niềm vui, sự hân hoan của người dân trong sự tấp nập của dòng người du xuân, đón chào năm mới.

113- con số tin cậy của người dân

Ở thời điểm đêm 30 Tết, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng là lúc các máy điện thoại của 113 reo liên tục. Ngoài tin hoang báo, tin trêu đùa thì cũng có không ít tin có giá trị, mà các tin “nóng” liên quan đến ANTT chủ yếu là gây rối trật tự công cộng được người dân cấp báo về ngay trong đêm đã không ít lần giúp lực lượng công an kịp thời ngăn chặn thành công...

Thực tế trong suốt những ngày Tết, nhiều các bộ, chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát 113 luôn ứng trực 24/24h để đảm bảo tiếp nhận và xử lý tất cả thông tin mà người dân gọi đến. Nhưng sự hy sinh mà tất cả các chiến sỹ Cảnh sát 113 luôn tâm niệm lại được đền đáp bằng những cử chỉ nhỏ nhưng ấm áp.

Các anh kể đó là những cuộc điện thoại gọi đến để cảm ơn, nhưng có lẽ vui nhất là đêm Giao thừa nhận được các cuộc điện thoại của người dân gọi đến chúc Tết! 113 - con số dễ nhớ, với phương châm hành động “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi” của Cảnh sát 113 đã trở thành địa chỉ tin cậy trong lòng nhân dân..
 
Những người đón Tết muộn

Vất vả, bận rộn và căng thẳng, nhưng khi khoác lên mình bộ cảnh phục 113, thì trong hàng nghìn tình huống xảy ra, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào, có thể chỉ là sự việc nho nhỏ nhưng nếu là nguyện vọng chính đáng của người dân thì các cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát 113 luôn xác định sẽ hỗ trợ hết mình - đây là lời tâm sự hết sức chân thành của một chiến sĩ Đội Cảnh sát 113 số 2 khi tâm sự với chúng tôi. Và chúng tôi tin, các anh luôn sẵn sàng!

Những ngày đầu năm mới dường như ai cũng thong dong hơn để tận hưởng nốt những dư vị còn lại của Tết, nhưng lực lượng Cảnh sát 113 đã ngay lập tức tất bật với nhiệm vụ, tiếp tục cống hiến hết mình cho công việc và cuộc sống, để mang lại cho nhân dân cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

Trong một lần trò chuyện, khi hỏi về thời điểm nào làm nhiệm vụ mà các anh cảm thấy cô đơn nhất nhưng cũng là hạnh phúc nhất? - Trung tá Nguyễn Văn Quang, Đội phó Đội Cảnh sát 113 đã chia sẻ với chúng tôi rằng: “Khi làm nhiệm vụ trong đêm Giao thừa, thức trắng đêm canh gác cho niềm vui của nhân dân là hạnh phúc nhất. Hạnh phúc là bởi cảm nhận được niềm vui của người dân trọn vẹn. Bất giác lại thấy thương những người thân của mình vì không được đưa vợ con đi chơi vào thời khắc Giao thừa. Tuy nhiên, sau một đêm giữ gìn bình an cho thành phố, trở về nhà khi những hàng cây bên đường lộc xuân đã căng tràn, niềm hạnh phúc của những người chiến sỹ 113 chúng tôi lại dâng trào”.

Và “hậu phương” của những chiến sĩ công an

Lực lượng công an là như vậy. Khi người dân được nghỉ lễ, Tết thì lại là lúc những chiến sỹ công an vất vả  nhất. Để người dân có cái Tết an vui, quy định từ CATP Hà Nội: trực 100% đêm 30 Tết, điều đó có nghĩa là 100% cán bộ chiến sĩ công an trực tiếp chiến đấu từ CATP Hà Nội cho đến công an các quận, huyện, đồn, trạm sẽ không có mặt trong bữa cơm tất niên, không được đón khoảnh khắc Giao thừa cùng với người thân, cùng với gia đình.

Khi được đứng trong hàng ngũ lực lượng công an, các anh đều đã xác định được điều đó, và tất cả những người thân, những người vợ của những chiến sĩ công an cũng đã xác định được như vậy. Dẫu đó là sự hy sinh nhỏ nhoi trong vô vàn gian khó, hy sinh mà lực lượng công an đang phải đối mặt, dẫu rằng những người vợ công an đã quen với những cái Tết vắng chồng, nhưng trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy vẫn có nhiều người vợ lặng lẽ rơi nước mắt.

Vì thế những lời cuối của bài viết này, chúng tôi xin được dành để nói về “hậu phương” của những người chiến sĩ công an. Với những người mà chúng tôi đã được gặp như vợ của Trung tá Lê Văn Hoan đã hơn 20 năm chị đều đón Giao thừa một mình cùng các con.

Còn vợ của Thượng tá Lê Tân Liên, trong 17 năm anh công tác ở Đội Điều tra Hình sự Công an Thanh Trì, chỉ có 1 năm duy nhất chị được cùng anh đón mừng năm mới. Cùng với các chị còn rất nhiều những người vợ như vậy đang thầm lặng làm thay công việc của những người chồng trong những ngày đầu năm mới.

Họ chính là những chỗ dựa vững chắc cho các chiến sĩ Công an TP Hà Nội yên hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vinh quang của mình: Đó là: “Thành phố phải được bình yên và mỗi gia đình phải được sống bình yên” (lời trong một ca khúc viết về lực lượng công an của nhạc sĩ Hồng Đăng).

Hôm nay đã là ngày mùng 8 Tết, cái Tết đã qua đi trong yên vui, và ngày mai, tất cả mọi người lại bắt tay vào công việc mới, cho một năm mới. Hà Nội lại trở về với cuộc sống thường nhật, hối hả, bận rộn. Tại các bến xe, bến tàu, nhà ga, dòng người từ các tỉnh về quê ăn Tết đã tấp nập đổ về Hà Nội. Đương nhiên, những chiến sĩ công an lại căng sức tại những nơi như vậy để người dân đi lại được an toàn. Những ngày mới của một năm mới lại bắt đầu!

Theo Việt Cường - Trần Quân
An ninh thủ đô