1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Sóc Trăng:

Nhiều vụ oan sai xảy ra trong cùng 1 huyện

(Dân trí)- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, cơ quan này đã có công văn gửi các ngành chức năng báo cáo về những diễn biến mới nhất trong vụ án giết người xảy ra ở huyện Trần Đề có liên quan đến nhiều nghi can bị bắt oan.

Những nghi can bị bắt oan gồm: Trần Hol (SN 1986), Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách (cùng SN 1989), Thạch Mươl, Khâu Sóc (trú tại xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) và Nguyễn Thị Bé Diễm (SN 1986, quê tỉnh Hậu Giang).

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 4h sáng 6/7/2013, người dân phát hiện thi thể ông Lý Văn Dũng (43 tuổi, hành nghề xe ôm, ngụ tại ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) chết gục trên đường thuộc ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề với 7 vết thương trên cơ thể, trong đó có vết đâm thẳng vào ngực và từ trên đỉnh đầu đâm xuống. Điều đáng nói, tài sản của nạn nhân không bị mất nên khả năng giết người cướp của bị loại trừ.

Là người từng liên quan đến một vụ cố ý gây thương tích trước đó nên Trần Hol được công an mời lên làm việc. Sau đó, năm người khác là bạn bè của Trần Hol là Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl và Khâu Sóc cũng được CQĐT mời lên làm việc rồi cả 6 thanh niên này cùng bị tạm giam, khởi tố về tội “giết người”. Riêng đối tượng Nguyễn Thị Bé Diễm (nhân viên phục vụ quán nhậu tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề) bị khởi tố về tội “không tố giác tội phạm”.

Đến giữa tháng 12/2013, khi vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử thì một tình tiết bất ngờ xảy ra khi Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ tỉnh Kiên Giang) đến Công an phường Bình Trị Đông (quận Bình Tân, TPHCM) đầu thú và thừa nhận chính Duyên và Phan Thị Kim Xuyến (ngụ huyện Trần Đề, Sóc Trăng) đã giết chết ông Lý Văn Dũng để cướp tài sản.

Duyên cho biết mình có quan hệ đồng tính với Xuyến nên khi phát hiện Xuyến có tình cảm với người khác giới thì ghen tuông. Theo Duyên, nguyên nhân nghi can đi đầu thú với mong muốn cả hai cùng bị bắt để được ở bên nhau.

Qua nhiều lần thực nghiệm điều tra, cơ quan chức năng xác định lời khai của Duyên trùng khớp với tình tiết của vụ án. Do đó, 7 bị can bị bắt “nhầm” trước đó được xác định là không cùng thực hiện hành vi phạm tội, không đồng phạm. Từ kết quả điều tra mới này, ngày 25/2/2014, VKSND tỉnh Sóc Trăng ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam và cho tại ngoại đối với 6 bị can nam. Riêng bị can Diễm đã được cho tại ngoại trước đó.

Khi hay tin con mình được về nhà, bà Thạch Thị Ngọc (mẹ của Thạch Sô Phách) nói trong nước mắt: “Khi hay tin con bị bắt, tôi không tin con mình giết người bởi tối đó nó nhậu với bạn bè ở nhà nhưng không làm được gì để minh oan cho con, đành nhìn con bị bắt đi. Bây giờ sự thật đã quá rõ ràng, tôi và người nhà các cháu mong cơ quan pháp luật sớm minh oan, trả lại danh dự cho các cháu, xử lý nghiêm với những người đã bắt oan sai, dùng nhục hình với các cháu”.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng, khi có kết luận điều tra và công khai xét xử về tội giết người, cướp tài sản đối với bị can Duyên và Xuyến, CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với 7 bị can đã bị bắt oan trước đó.

Liên quan đến việc các bị can sau khi được thả về nhà, dù chưa chính thức được minh oan, vẫn còn là bị can, đã tố cáo hành vi dùng nhục hình, ép cung buộc họ phải nhận tội giết ông Lý Văn Dũng, Công an tỉnh Sóc Trăng sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra toàn diện vụ việc và nếu đúng như tố cáo của các bị can sẽ xử lý các cán bộ liên quan có sai phạm.

Theo tin riêng của PV, cơ quan chức năng ở Sóc Trăng xác định các nghi can bị bắt và đã được tại ngoại là không có tội.

Trong khi đó, VKSND tỉnh Sóc Trăng cũng đã báo cáo vụ việc đến VKSND Tối cao. Tuy nhiên, việc đình chỉ điều tra bị can có thể phải chờ đến khi cơ quan xét xử tuyên án 2 cô gái phạm tội và bản án có hiệu lực pháp luật.

Trao đổi với PV, Thạch Sô Phách cho biết dù rất buồn vì bị bắt oan sai, bị dùng nhục hình trong quá trình điều tra và ngày được về nhà thì vợ bỏ đi lấy chồng khác, để lại đứa con trai còn nhỏ cho cha mẹ anh nuôi nhưng anh cũng vui khi oan trái bước đầu được làm rõ, công lý đã được thực thi. Hiện tại, Phách đã nhờ người làm đơn gửi cơ quan chức năng để xem xét minh oan và bồi thường thiệt hại.

Thạch Sô Phách cũng cho biết thêm, mấy ngày trước anh có tiếp một số người đến nhà xưng là Thanh tra công an gặp anh để xác minh quá trình điều tra có bị người nào đánh hay không và Phách đã trình bày những vấn đề có liên quan để cán bộ thanh tra ghi lại.

Sau khi bị bắt oan, Thạch Sô Phách về nhà thì vợ bỏ đi theo người khác.
Sau khi bị bắt oan, Thạch Sô Phách về nhà thì vợ bỏ đi theo người khác.

Từng có 2 vụ oan sai khác

Dư luận người dân ở Sóc Trăng rất quan tâm đến vụ án oan sai trên bởi trước đây, cũng ở huyện Trần Đề, đã có ít nhất hai vụ oan sai gây xôn xao dư luận mà sau đó, cơ quan chức năng phải xin lỗi và bồi thường cho các bị cáo oan sai.

Vụ thứ nhất, ngày 18/10/1998, cháu Nguyễn Thị Vân (ngụ tại ấp Đầu Giồng, xã Trung Bình, huyện Long Phú- nay là huyện Trần Đề) bị sát hại. Ngay lập tức CQĐT vào cuộc và bắt giữ Kim Lắc, Thạch Ngọc Tấn và Trần Lắc Lil (cùng ngụ ở địa phương trên) để tiến hành điều tra.

Mặc dù chứng cứ không thuyết phục, các bị can có bằng chứng ngoại phạm nhưng các cơ quan tố tụng tỉnh Sóc Trăng vẫn xác định Lắc, Lil, Tấn là thủ phạm hiếp dâm, giết cháu Vân.

Ngày 8/12/1999, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên xử tử hình Kim Lắc, tù chung thân đối với Trần Lắc Lil, còn Thạch Ngọc Tấn bị phạt 20 năm tù.

Các bị cáo kháng cáo đến TAND Tối cao. Ngày 19/12/2000, Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã xử huỷ toàn bộ án sơ thẩm vì chứng cứ buộc tội yếu.

Sau khi bị huỷ án, hồ sơ được giao về cho CQĐT công an tỉnh Sóc Trăng điều tra lại từ đầu. CQĐT, VKSND tỉnh Sóc Trăng vẫn giữ nguyên kết luận điều tra, bản cáo trạng như ban đầu. TAND tỉnh Sóc Trăng nhiều lần mở phiên toà để xét xử.

Qua năm lần điều tra lại và điều tra bổ sung vẫn không thể kết tội các bị can nên ngày 17/12/2002, sau hơn 4 năm bị tạm giam, Lắc, Lil, Tấn được VKSND tỉnh Sóc Trăng thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến ngày 19/4/2005, VKSND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn, trả tự do hoàn toàn cho Lắc, Lil, Tấn.

Đến tháng 5/2007, CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng thừa nhận đã hàm oan người vô tội, thừa nhận quá trình điều tra không đảm bảo được tính khách quan, tính xác thực để xác định sự thật khách quan của vụ án, vi phạm tố tụng… Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lắc, Lil, Tấn là chưa có căn cứ nên đã đình chỉ điều tra đối với 3 người trên.

Cuối cùng, TAND tỉnh Sóc Trăng là đơn vị phải bồi thường cho 3 thanh niên trên với số tiền gần 470 triệu đồng.

Vụ thứ hai, ngày 23/4/2007, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên bố bị cáo Lý Si Thượng (ngụ xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, Sóc Trăng) không phạm tội giết người.

Tòa cũng ra quyết định đình chỉ vụ án và yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm khôi phục danh dự, quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Thượng.

Theo hồ sơ, khoảng 23h ngày 2/5/2002, người dân phát hiện một xác chết ngay đuôi chiếc lú (dụng cụ bắt cá, tôm) của Thượng ở kinh nước mặn Ông Vinh thuộc xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú (nay là huyện Trần Đề) nên CQĐT đã bắt giữ Thượng để điều tra.

Nạn nhân được xác định là chị Phạm Thị Huỳnh đang trên đường đến nhà bạn trai thì bị giết. 5 ngày sau, Thượng bị bắt. Qua các chứng cứ mà CQĐT thu thập, VKSND tỉnh Sóc Trăng truy tố Thượng về tội giết người.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào giữa năm 2004, bị cáo Thượng kêu oan, bị cán bộ điều tra ép cung và đánh đập, đưa trước câu hỏi, hướng dẫn cách khai…Toà đã chấp nhận lời kêu oan này, tuyên bị cáo trắng án, trả tự do ngay tại phiên xử. Sau đó, cấp phúc thẩm đã huỷ bản án này để điều tra lại. Giữa năm 2006, Toà án tỉnh Sóc Trăng một lần nữa lại tuyên Thượng trắng án, còn VKSND tỉnh lại đề nghị cấp phúc thẩm xử theo hướng kết tội Thượng.

Tại phiên toà phúc thẩm lần hai, đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố đã đề nghị toà bác kháng nghị của VKSND tỉnh Sóc Trăng.

Theo VKSND Tối cao, ngoài lời khai nhận tội của Thượng (đã bị Thượng phản cung từ phiên xử đầu tiên) thì các chứng cứ khác trong vụ án rất mơ hồ và không phù hợp với nhau nên không thể chứng minh bị cáo phạm tội giết người. Đồng thời, VKSND Tối cao cũng chỉ ra hàng loạt những sai sót trong việc thu thập chứng cứ của CQĐT. Biên bản hỏi cung bị cáo là do điều tra viên đưa trước câu hỏi, hướng dẫn cách khai, ép bị cáo khai.

Từ đó, VKSND Tối cao kết luận VKSND tỉnh Sóc Trăng chỉ dựa vào lời khai nhận tội của bị cáo để truy tố trong khi nó lại không phù hợp với các chứng cứ khác là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã quyết định y án sơ thẩm, tuyên Lý Si Thượng vô tội.

                                                                                                            PV