1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nhập khẩu hàng hóa có phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh không?

Xuân Hải

(Dân trí) - Theo luật sư, việc xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp không phụ thuộc chính vào ngành nghề, nếu có thì chủ yếu tuân theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhập khẩu hàng hóa có phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh không? - 1

Phương tiện vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Đăng Đức).

Một bạn đọc hỏi: "Công ty tôi muốn nhập khẩu máy móc về để phục vụ hoạt động sản xuất của công ty. Vậy, tôi muốn hỏi để nhập khẩu máy móc, hàng hóa công ty tôi có cần bổ sung ngành nghề gì không?".

Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng xin trả lời như sau:

Khoản 1, 2 Điều 3 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định về quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu có đề cập đến mối quan hệ giữa ngành nghề kinh doanh và việc xuất nhập khẩu như sau:

"1. Thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này phải thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Danh mục hàng hóa và lộ trình do Bộ Công Thương công bố, đồng thời thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan."

Như vậy, đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư nước ngoài thì được quyền kinh doanh xuất nhập khẩu mà không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh trừ các trường hợp cấm. Còn đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam thì chỉ được thực hiện xuất nhập khẩu khi thực hiện cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế.

Ngoài ra, Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam không có ngành nghề xuất, nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được tích hợp trong nội dung của ngành nghề bán buôn, cụ thể là hoạt động bán buôn hoặc đại lý liên quan đến thương mại trong nước và ngoài nước.

Như vậy, có thể hiểu việc xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp không phụ thuộc chính vào ngành nghề, nếu có thì chủ yếu là do tuân theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trường hợp này doanh nghiệp có thể thuê đơn vị có chức năng và chuyên môn trong việc nhập khẩu hàng hóa để thực hiện nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình, hoặc;

Trước hết cần đối chiếu với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện hoặc theo quy định riêng được quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP để xem hàng hóa dự định nhập khẩu của Công ty bạn có phải là hàng hóa cần phải cấp giấy phép, hoặc phải đảm bảo các điều kiện riêng hay không.

Quy trình cấp giấy phép nhập khẩu được quy định tại Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:

Hồ sơ:

Văn bản đề nghị cấp giấy phép của thương nhân: 1 bản chính. Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân. Các giấy tờ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật.

Thủ tục:

Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định hoặc cần bổ sung tài liệu giải trình, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, bộ, cơ quan ngang bộ thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn cấp giấy phép, trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời thương nhân.

Trường hợp pháp luật có quy định về việc bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép phải trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan, thời hạn xử lý hồ sơ tính từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của cơ quan liên quan.