Nhận tiền tỷ để "bảo kê" xe tải, nữ doanh nhân bị phạt tù
(Dân trí) - Nguyễn Kim Tiến lợi dụng là cộng tác viên tạp chí, doanh nhân thành đạt, tích cực hoạt động thiện nguyện... để nhận hơn 1,3 tỷ đồng "bảo kê" cho các tài xế xe tải.
Sáng 23/12, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Kim Tiến (SN 1965, trú tại phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An) về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Theo cáo trạng, Nguyễn Kim Tiến là Giám đốc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Kim Tiến và Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Kim Tiến Đại Phát.
Tiến là cộng tác viên của một tạp chí về nông nghiệp, nổi tiếng là người tham gia các hoạt động thiện nguyện và từng đoạt giải thưởng cao trong 2 cuộc thi nhan sắc dành cho người chuyển giới.
Từ tháng 10/2020 đến ngày 6/1 (thời điểm bị công an bắt giữ), Nguyễn Kim Tiến đã nhận 1,3 tỷ đồng của 4 chủ xe tải trên địa bàn để họ được dán logo công ty của Tiến, nhằm "thuận lợi" trong quá trình lưu thông trên đường khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.
Cơ quan chức năng xác định hành vi của bị cáo Tiến là lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Tại phiên tòa, ban đầu, bị cáo Tiến không thừa nhận tội danh này. Nữ bị cáo cho rằng, 1,3 tỷ đồng kia là các tài xế phải trả theo thỏa thuận dân sự giữa hai bên để được dán logo của công ty của Tiến.
Quá trình các tài xế đóng tiền để được dán logo, Tiến luôn quán triệt, nhắc nhở phải chấp hành nghiêm quy định về nồng độ cồn, tốc độ... khi lưu thông trên đường.
Bị cáo không thừa nhận đã gọi điện "tác động" với cảnh sát giao thông để bỏ qua hoặc giảm nhẹ vi phạm cho các tài xế. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Nguyễn Kim Tiến đã thay đổi lời khai.
Bị cáo Tiến trình bày bản thân yêu thích công việc làm báo, có nhiều năm cộng tác với nhiều cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, bị cáo đam mê công tác thiện nguyện, nhiều lần lao vào tâm bão lụt, tâm dịch Covid-19 để hỗ trợ người dân. Bản thân bị cáo nhận được nhiều khen thưởng từ cấp trung ương, cấp tỉnh vì những thành tích trong lao động, sản xuất, đặc biệt là ở mảng nông nghiệp.
Bị cáo này trình bày bản thân "tội tuy lớn nhưng thành tích dày", mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về tiếp tục các dự án nông nghiệp hướng về người nghèo đang dang dở và "để giúp người dân".
Sau khi Nguyễn Kim Tiến bị bắt, người thân đã khắc phục 500 triệu đồng. Hội đồng xét xử cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo trình bày tại phiên tòa.
Xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Kim Tiến 39 tháng tù giam; buộc bị cáo phải nộp hơn 800 triệu đồng còn lại trong tổng số tiền đã thu lợi bất chính vào ngân sách nhà nước.
Trong quá trình điều tra, công an chứng minh Nguyễn Kim Tiến còn nhận tiền của 18 chủ phương tiện khác với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Việc các chủ phương tiện tự nguyện nộp tiền và xin dán logo công ty của người phụ nữ này, Tiến không có sự ép buộc, gian dối.
Sau khi nhận tiền của 18 người này, Tiến không có sự tác động đến lực lượng cảnh sát giao thông, do đó không có đủ cơ sở kết luận người phụ nữ này có hành vi phạm tội đối với hành vi trên.