1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Nhận 10 tỷ đồng tiền lại quả vụ mua ụ nổi, Dương Chí Dũng nói “cảm ơn”

(Dân trí) – Bày trò mua ụ nổi 83M với giá chênh hơn so với giá trị thực 5,7 triệu USD để rút ruột được 1,666 triệu USD chia chác, Dương Chí Dũng không trực tiếp nhúng tay lấy tiền. Khi cấp dưới mang 10 tỷ đồng đến “nộp”, Dũng đáp gọn “cảm ơn em”.

Để rút được 1,666 triệu USD chia nhau, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc đã bài binh bố trận, quyết tâm mua ụ nổi 83M thông qua công ty trung gian của Singapore (công ty AP) với giá 9 triệu USD thay vì mua trực tiếp từ chủ sở hữu (công ty Nakhodka của Nga) với giá chỉ 2,3 triệu USD.

Kết luận điều tra của cơ quan công an nêu rõ, qua báo cáo của đoàn khảo sát sản phẩm từ Nga do Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang chuyển về, Dương chí Dũng, Mai Văn Phúc biết rõ ụ nổi 83M sản xuất từ năm 1965 tại Nhật Bản đã hư hỏng nặng, bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp, không cho hoạt động từ năm 2006. Chủ sở hữu ụ nổi là Nakhodka chỉ chào bán cho Vinalines với giá dưới 5 triệu USD trong khi AP chỉ là nhà môi giới.

Vậy nhưng Dũng, Phúc vẫn chỉ đạo Chiều, Sơn, Khang phải hợp thức thủ tục để mua bằng được ụ nổi này qua công tay AP. Chính Dương Chí Dũng ký quyết định phê duyệt chấp thuận giá mua ụ nổi ở mức 9 triệu USD. Thực tế, Nakhodka bán cho AP ụ nổi này với giá 2,3 triệu USD.
 
Cựu Cục trưởng Cục Hàng hải, Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng khi còn tại chức.
Cựu Cục trưởng Cục Hàng hải, Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng khi còn tại chức.

Lời khai của GĐ Công ty AP God Hoon Seon là lý giải rõ ràng cho chiêu trò khuất tất của cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines. Ông God thừa nhận chỉ là người môi giới. Trước khi ký hợp đồng bán ụ nổi cho Vinalines, công ty AP đã ký bản thỏa thuận với một trung gian (công ty Global Success) quy định việc sử dụng tiền bán ụ nổi này.

Cụ thể, Global Success được nhận 3,2 triệu USD, ông A.Prikhodko được nhận 1,134 triệu USD tiền mặt, chủ sở hữu ụ nổi 83M nhận về 2,3 triệu USD cho khối sắt vụn của mình, công ty AP được hưởng 700.000 USD. Còn 1,666 triệu USD chuyển cho bên thứ 3 chính là công ty Phú Hà (đóng tại Hải Phòng) của em gái Trần Hải Sơn. Ông God không biết công ty Phú Hà, cũng không biết Phú Hà thực hiện công việc gì liên quan đến việc mua bán ụ nổi 83M này.

Phó Trưởng Ban QLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam Trần Hải Sơn khai, đầu tháng 3/2008, trước khi Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi với AP, ông God đến gặp Sơn nói: “Ông chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền lại quả (kickback) tôi đã thống nhất với ông Dũng, ông Phúc. Các ông ấy nói là giao cho ông nhận số tiền 1,666 triệu USD).

Sau khi được God thông báo, Sơn đến phòng làm việc của Dương Chí Dũng nói lại, được “ông anh” xác nhận việc lại quả đó. Dũng nói với Sơn khoản 1,666 triệu USD này chia theo tỷ lệ “10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại là cho em”. Qua gặp Phúc, Sơn cũng nhận được câu trả lời “Anh đồng ý, em xúc tiến nhanh nhé”.

Lấy được khoản 1,666 triệu USD chuyển về qua công ty của em gái, Sơn vứt lại cho em 2 tỷ đồng, còn lại mang về chia đúng tỷ lệ được dặn mang cho 2 ông anh Dũng, Phúc.

Tháng 7/2008, khi Dương Chí Dũng vào TPHCM công tác, Sơn gọi điện báo ‘em gặp bác để chuyển ít quà” rồi xếp 5 tỷ đồng vào va ly kéo đến khách sạn Victory (đường Võ Văn Tần, quận 1) cho Dũng. Sơn đưa va ly tiền nói “Theo chỉ đạo của bác, hôm nay em chuyển cho bác trước 5 tỷ đồng tiền ụ nổi 83M. Số tiền còn lại em chuyển bác sau”. Dũng nhận va ly tiền đáp gọn “cảm ơn em”.

3-4 tuần sau, tại Hà Nội, Sơn đến trụ sở Vinalines, vào phòng Dũng nói gửi nốt số 5 tỷ đồng còn lại, khi nào Dũng về Hải Phòng sẽ đưa vì tiền Sơn đang để ở Hải Phòng. Dũng đồng ý, chỉ đạo “Cuối tuần này anh về, em mang đến nhà mẹ vợ anh ở đường Phạm Ngũ Lão cho anh”.

Đúng hẹn, Sơn kéo va ly tiền từ nhà em gái đi bộ đến nhà mẹ vợ Dũng. Đến nơi Dũng đang chờ, Sơn vào phòng khác, đưa va ly nói đưa nốt số tiền còn lại. Dũng nhận va ly tiền nói “cảm ơn em”.

Tương tự, với phần 10 tỷ đồng của Mai Văn Phúc, Sơn chia làm 3 lần, lần đầu 2,5 tỷ đồng, lần hai 5 tỷ đồng tại nhà riêng của Phúc ở làng Quốc tế Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội), lần thứ ba 2,5 tỷ đồng tại nhà Phúc ở An Dương, Hải Phòng. Ông anh Phúc lần nào nhận tiền cũng lịch sự… “cảm ơn em”.

Những lời khai này khớp với lời khai của em gái Trần Hải Sơn, khớp với hóa đơn giao dịch, rút tiền từ các ngân hàng mỗi lần Sơn chuyển tiền cho các ông anh.

Ngoài ra, Sơn chia cho Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng Ban QLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam) 340 triệu đồng và chiếm hưởng 5,8 tỉ đồng. Khoảng cuối năm 2008, sau khi ụ nổi đưa về Việt Nam, Sơn đã giao Chiều khoản này này, đựng trong túi ni-lông nói: “Gửi anh chút tiền bồi dưỡng".

Chiều khai, vì Dũng, Phúc chỉ đạo phải mua bằng được ụ nổi 83M qua công ty AP với giá cao thì Chiều hiểu dứt khoát AP phải chia lại cho Dũng, Phúc một khoản tiền. Khoản tiền cụ thể bao nhiêu Chiều không biết. Nhận được 340 triệu đồng Sơn đưa, Chiều biết khoản tiền này nằm trong món lại quả từ thương vụ mua ụ nổi.

Với những chứng cứ này, CQĐT kết luận cựu Chủ tịch Dương Chí Dũng, cựu Tổng GĐ Mai Văn Phúc giữ vai trò cầm đầu trong vụ tham ô, rút ruột 1,666 triệu USD. Cả 2 bị đề nghị truy tố về 2 tội danh “tham ô tài sản”, “cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trưởng, Phó Ban QLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn cũng dính cả 2 tội trên với vai trò đồng phạm giúp sức.

Vì hơn 1 triệu USD này, các bị cáo đã "đốt" luôn 5,7 triệu USD của nhà nước cho thương vụ mua bán khối sắt vụn mang tên ụ nổi 83M.

P.Thảo