1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bộ GTVT vô can khi Dương Chí Dũng gây thiệt hại 335 tỷ tại Vinalines?

(Dân trí)- Giao trắng việc mua ụ nổi 83M cho Vinalines tự quyết, chưa có tài liệu phản ánh sai phạm của Bộ GTVT nhưng Bộ chủ quản cũng chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành trong kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines…

Kết luận về vụ sai phạm khi mua ụ nổi 83M tại Tcty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), cơ quan CSĐT Bộ Công an chỉ rõ, việc phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam khi chưa được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy là trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Phê duyệt, mua ụ nổi 83M trước khi dự án nhà máy được phê duyệt 1 năm là không đúng thủ tục, trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án trước khi chuẩn bị đầu tư. Quyết định mua ụ nổi quá tuổi (46 tuổi so với giới hạn 15 tuổi theo quy định) cũng trái quy định.

Chi cục Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa) làm thủ tục cho thông quan, nhập khẩu khối sắt phế liệu, không đủ điều kiện nhập này cũng trái quy định pháp luật.
 
Ụ nổi 83M không thể sử dụng hiện tại được rao bán thanh lý nhưng không khách hàng nào chào mua.
Ụ nổi 83M không thể sử dụng hiện tại được rao bán thanh lý nhưng không khách hàng nào chào mua.

Thiệt hại được xác định trong thương vụ khuất tất này của Vinalines lên đến gần 367 tỷ đồng. Thậm chí, theo báo cáo của Tcty Hàng hải, tổng chi phí đầu tư ụ nổi đã thực hiện đến thời điểm khởi tố vụ án (17/5/2012) lên đến 525 tỷ đồng. Từ đó đến nay Vinalines vẫn tiếp tục phải chi lãi ngân hàng tiền vay mua ụ, thuê neo đậu, bảo vệ, trực sự cố… nên chi phí phải còn cao hơn.

CQĐT kết luận hành vi của các chủ mưu Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT), Mai Văn Phúc (nguyên Tổng GĐ Vinalines) và các đồng phạm giúp sức gây thiệt hại tài sản nhà nước số tiền 335 tỷ đồng, trong đó có 28,2 tỷ đồng đã bị các bị cáo tham ô, chiếm hưởng.

Đề nghị truy cứu các bị can về việc này, CQĐT cũng đồng thời đánh giá nhiều vấn đề liên quan.

Đối với Bộ GTVT, kết quả điều tra xác định, trong quá trình Vinalines phê duyệt dự án nhà máy, dự án đầu tư mua ụ nổi 83M, Bộ GTVT có các văn bản trả lời công văn của Vinalines hỏi về việc này. Nội dung văn bản trả lời nêu “việc đầu tư ụ nổi do Vinalines xem xét, quyết định”. Giám định viên cho rằng, việc trả lời của Bộ GTVT như vậy là đúng quy định của pháp luật về đầu tư.

Bộ GTVT là cơ quan quản lý ngành, tham gia cùng các cơ quan khác thực hiện chức năng kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra đến nay chưa có tài liệu phản ánh sai phạm của Bộ GTVT nên CQĐT không xem xét, xử lý trong vụ án này.

Đối với ngân hàng Citibank chi nhánh Hà Nội – đơn vị thực hiện giải ngân cho Vinalines vay và làm thủ tục thanh toán 9 triệu USD tiền hợp đồng mua bán ụ nổi 83M, giám định viên cũng không kết luận sai phạm nên CQĐT không có căn cứ xem xét, xử lý.

Đối với các thành viên HĐQT và lãnh đạo, cán bộ Ban QLDA và các phòng, ban liên quan của Vinalines, cơ quan công an cho rằng, những người này chỉ tham gia các cuộc họp HĐQT, họp Ban Tổng GĐ, họp Ban QLDA để nghe báo cáo và thông qua Nghị quyết, biên bản họp về đề nghị phê duyệt mua ụ nổi 83M của lãnh đạo.
 
Kết quả điều tra xác định những người này không trực tiếp phụ trách chỉ đạo và không có vai trò quyết định trong việc lập, phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam và dự án mua ụ nổi nhưng khi tham gia họp không phát hiện các sai phạm để có biện pháp ngăn chặn.

Xét thấy những người này không có động cơ vụ lợi cá nhân, tính chất mức độ liên quan không trực tiếp, CQĐT xác định họ không phạm tội, sai phạm chưa đến mức xử lý hình sự. CQĐT sẽ có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Vinalines xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

P.Thảo