1. Dòng sự kiện:
  2. Nam shipper bị đánh tử vong
  3. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  4. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nguyên giám đốc Agribank Bến Thành bị đề nghị mức án tử hình

(Dân trí) - Nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Bến Thành bị đề nghị mức án tử hình về các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Ngày 11/12, TAND TPHCM tiếp tục xét xử vụ thất thoát hàng trăm tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bến Thành. Sau phần xét hỏi, đại diện Viện KSND TPHCM phát biểu quan điểm vụ án và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (nguyên giám đốc Agribank Bến Thành) bị đề nghị mức án tử hình về tội tham ô tài sản, tù chung thân về tội nhận hối lộ và 12-14 năm tù về tội, tổng hợp hình phạt là tử hình.

Bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh bị đề nghị mức án tử hình.
Bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh bị đề nghị mức án tử hình.

Bị cáo Lê Văn Tính (giám đốc công ty Kim Gia Thuận, Kim Gia Thảo) bị đề nghị mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 14-16 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt là chung thân.

Các bị cáo còn lại trong vụ án bị đề nghị mức án từ 4 -30 năm tù về các tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tham ô tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cáo trạng xác định Oanh đã chỉ đạo cấp dưới cho Tính vay vàng của ngân hàng để hưởng tiền chênh lệch. Với mỗi lượng vàng Tính vay được, Oanh được hưởng chênh lệch 2 triệu đồng. Tổng cộng Agribank Bến Thành cho Tính vay hơn 137 tỉ đồng nhưng Tính chỉ nhận được hơn 112 tỉ đồng, Oanh chiếm hưởng hơn 24 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, cả Tính và Oanh đều cho rằng việc truy tố là không có căn cứ.

Theo Tính, việc bị cáo vay tiền của ngân hàng là do hai bên thỏa thuận với nhau. Khi hạn mức vay tiền sắp hết, Oanh bảo Tính muốn vay được tiền thì phải mở thêm công ty, sẽ vay thêm được.

Còn bị cáo Oanh thì đổ lỗi vì Tính là người nhà của “sếp” nên bị cáo chỉ du di, tạo điều kiện cho Tính vay tiền. Còn việc Oanh hưởng chênh lệch giá vàng là vì… Tính không chịu lấy khi giá vàng tăng.

Oanh khai tại tòa: “Bị cáo Tính là người nhà của sếp ở Ngân hàng Nhà nước nên bị cáo quá chủ quan, quá tin tưởng mà cho vay. Tính vay vàng sau đó bán để lấy tiền mua bất động sản. Bị cáo hỏi: “Hay anh lấy tiền được không”, Tính đồng ý. Lúc vay thì giá vàng 19 triệu đồng/lượng. Lúc chuyển tiền cho Tính thì giá vàng tăng vọt, Tính không yêu cầu lấy tiền chênh lệch mà chỉ lấy đủ 19 triệu đồng/lượng SJC”.

Xuân Duy