1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nguyên CSGT nhờ giang hồ đánh chết người tiếp tục hầu tòa

(Dân trí) - Ông Chín bị tổ CSGT do Như làm tổ trưởng lập biên bản khi điều khiển xe trong trạng thái say xỉn. Tuy nhiên, ông Chín không ký biên bản mà còn la hét, cự cãi. Bực tức, Như gọi điện cho giang hồ đến đánh dằn mặt khiến ông Chín tử vong.

Ngày 23/10, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như (sinh năm 1981, cựu thượng úy CSGT thuộc Công an quận Tân Bình, TPHCM) về tội cố ý gây thương tích.

Cùng tội danh như trên, cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố 4 đối tượng liên quan: Nguyễn Minh Chung (sinh năm 1991), Trần Đức Vững (sinh năm 1996) cùng quê Quảng Ngãi, Phạm Thanh Kim Hạnh (sinh năm 19987, quê Đắk Nông), Ngô Thành Vương (sinh năm 1996, quê Hải Dương).

Theo cáo trạng của Viện KSND TPHCM, bị cáo Như và đồng phạm có hành vi phạm tội mang tính chất côn đồ theo điểm d, điều 48 BLHS năm 2009. Các bị cáo bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo điều 104 BLHS 2009 với khung hình phạt từ 5 năm đến 15 năm tù.

nhu tp

Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như.

Tại phiên tòa hôm nay, luật sư bào chữa cho các bị cáo có đơn xin hoãn phiên tòa, sau khi hội ý HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu của luật sư.

Theo cáo trạng, tối 25/6/2014, tổ tuần tra CSGT quận Tân Bình do Phạm Sỹ Hoài Như làm tổ trưởng, đứng chốt tại giao lộ Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý (phường 13, quận Tân Bình, TPHCM). Khoảng 22h20, phát hiện anh Nguyễn Văn Chín có biểu hiện sử dụng rượu, bia nên tổ tuần tra ra hiệu dừng xe để kiểm tra.

Sau khi đo nồng độ cồn, tổ tuần tra lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, anh Chín không đồng ý. Với tư cách tổ trưởng, Như giải thích nhưng người vi phạm vẫn không ngừng cự cãi, la lối.

Khoảng 1h sau, Như điện thoại cho người quen là Nguyễn Minh Chung kể lại sự việc. Đồng thời, Như nhờ Chung đánh dằn mặt và đuổi anh Chín đi khỏi nơi tổ làm việc. Nghe lời, Chung rủ thêm Hạnh, Vững, Vương đi đánh hội đồng anh Chín.

Đến sáng 27/6, nạn nhân tử vong trong bệnh viện. Trung tâm pháp y (Sở Y tế TPHCM) kết luận nguyên nhân tử vong là do Hạnh đấm vào dưới sườn, hông trái; Vững đá vào hông nạn nhân.

Khi bị bắt, Chung khai nhận Chung và đồng phạm hành hung anh Chín theo chỉ đạo từ Phạm Sỹ Hoài Như.

Tháng 9/2014, Công an TP HCM tước danh hiệu CAND của Phạm Sỹ Hoài Như. Đến tháng 11/2014, Như bị bắt tạm giam.

Năm 2016, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Như và Chung mỗi người 12 năm tù, Vững 11 năm tù, Vương 9 năm và Hạnh 5 năm tù, cùng về tội cố ý gây thương tích.

Sau đó, Phạm Sỹ Hoài Như kháng cáo kêu oan. Đại diện gia đình bị hại cũng có đơn kháng cáo toàn bộ bản sơ thẩm.

Đến tháng 9/2017, TAND Cấp cao tại TPHCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Tại phiên xử phúc thẩm, Phạm Sỹ Hoài Như không thừa nhận việc nhờ Chung và các bị cáo khác đánh người. Như khẳng định mình chỉ nhờ Chung đưa anh Chín về nhà. Cùng đó, Chung đột ngột thay đổi lời khai. Bị cáo này thừa nhận Như điện thoại nhờ mình đưa anh Chín về nhà chứ không chỉ đạo việc hành hung. Tương tự, lời khai của những bị cáo khác cũng thay đổi theo hướng có lợi cho Như. Ngoài ra, TAND Cấp cao tại TPHCM kết luận cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, xác định tư cách người tham gia tố tụng chưa phù hợp quy định pháp luật.

Vì những lẽ trên, cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm trả hồ sơ về Viện KSND TPHCM để điều tra lại.

Trong quá trình điều tra lại, Chung cho rằng Như nhờ mình đưa anh Chín về nhà. Chung không hay biết việc Vững, Vương, Hạnh ra tay đánh anh Chín. Về lý do thay đổi lời khai, Chung nghĩ rằng nếu thừa nhận hành vi phạm tội và khai Như có liên quan thì sẽ nhận mức án nhẹ nhưng bản án sơ thẩm tuyên quá nặng. Vì vậy, Chung quyết định thay đổi lời khai ở tòa phúc thẩm.

Ngược lại, Phạm Thanh Kim Hạnh và Trần Đức Vững tố Chung xúi giục mình thay đổi lời khai khi xét xử phúc thẩm. Hiện tại, 2 đối tượng trên giữ nguyên lời khai ban đầu với nội dung Như "nhờ" Chung đánh người. Sau đó, Chung chỉ đạo Hạnh và Vững thực hiện.

Cơ quan điều tra xét thấy lời khai của Chung phù hợp với lời khai của Hạnh, Vững; cũng như các cuộc gọi trong điện thoại của Như và diễn biến vụ án. Do đó, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định Như, Chung, Hạnh, Vương và Vững phạm tội cố ý gây thương tích. Trong vụ án, nguyên CSGT Phạm Sỹ Hoài Như đóng vai trò chủ mưu.

Xuân Duy