Người vợ của người không "số định danh"
Bị cáo có tên, có tuổi nhưng không hề có “số định danh”, giấy tờtùy thân nào. Cũng may trong cuộc này bị cáo còn có người vợ không hônthú…
Đó là người vợ không hôn thú của gã. Sau ca làm đêm mệt mỏi, chị đạp xe tới phiên tòa lưu động từ sáng sớm để nhìn chồng, để an ủi anh rằng cuộc đời của anh còn có chị. Chị bảo cũng ngại, cũng xấu hổ “nhưng chồng mình mình không thương thì ai thương”. Sống với nhau gần bảy năm trời nhưng chị và gã vẫn chưa có tờ giấy đăng ký kết hôn. Bởi từ khi lọt lòng mẹ, gã là kẻ không có giấy tờ: Không khai sinh, không CMND. Và vì vậy, gã cũng không biết chữ nốt.
Thói quen táy máy của người không giấy tờ
Đây là lần thứ tư bị cáo Ngô Tấn Lộc đứng trước vành móng ngựa bởi hành vi trộm cắp tài sản. Phiên tòa xét xử lưu động diễn ra công khai trước cổng Trường THCS Tân Thới Hòa, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú (TP.HCM) thu hút hàng trăm người dân đến xem. Người ghét gã, bức xúc trước hành vi trộm cắp của gã không thiếu. Nhưng cũng không ít người thương cảm gã khi biết cuộc đời không giấy tờ của người đàn ông suốt 30 năm qua.
Theo cáo trạng, bị cáo Ngô Tấn Lộc sinh năm 1986 tại Bến Tre. Gã không đăng ký thường trú, không nơi ở nhất định. Khai nhận tại tòa, gã cho biết người mẹ đã bỏ cha con gã đi từ khi gã còn nhỏ, cha một mình nuôi gã lớn khôn. Vì cha cũng nghèo, lại thiếu hiểu biết nên cũng quên luôn chuyện làm giấy khai sinh cho gã. Không tới trường, không biết chữ, cuộc sống bữa đói bữa no, cứ vậy gã lớn lên như cây cỏ dại. Vào năm 2004, gã bị TAND huyện Ba Tri, Bến Tre xử phạt sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản.
Vì không có giấy tờ nên dù đã đi xin việc làm nhiều nơi nhưng không nơi nào nhận gã. Gã bắt đầu sa ngã. Thậm chí ngày lấy vợ, gã cũng không được “định danh” nốt. Chị Thái Thị Thanh Thúy, vợ gã, đã nhiều lần lên UBND phường làm thủ tục bảo lãnh để nhập khẩu gã vào hộ khẩu nhà chị nhưng không được phường chấp nhận. Vì gã không có giấy tờ. Những công việc làm tạm bợ trước đây như phụ hồ, thợ may… cũng nhờ vợ gã bảo lãnh mà có được.
Ngày 31-12-2010, gã bị TAND huyện Bình Chánh (TP.HCM) xử phạt một năm tù giam về tội trộm cắp tài sản. Ngày 25-2-2014, gã tiếp tục bị TAND quận Tân Phú xử phạt một năm sáu tháng tù cũng với tội danh trên. Vừa chấp hành xong hình phạt vào tháng 3-2015 thì đến tháng 9-2015 gã lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”.
Phân trần về hành vi phạm tội lần này, gã cho biết: Vì mới ra tù, chưa có công ăn việc làm ổn định mà đã xảy ra xích mích với vợ nên gã bỏ đi cả tuần liền. Vào ngày 16-9-2015, lúc đi qua nhà 18A Bùi Xuân Phái, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, thấy trong dãy nhà trọ có xe máy để trước cửa phòng không có khóa cổ mà gã lại đang “cháy túi”, thế là gã bèn nảy sinh ý nghĩ “cùng tắc biến”. Lúc đẩy xe ra cửa khoảng 3 m thì gã bị chủ nhà trọ phát hiện, tri hô. Gã bị bắt giữ và giao cho công an xử lý.
Người vợ hờ nghĩa tình
Trong vài phút ít ỏi đợi tòa nghị án, tôi tranh thủ trò chuyện với gã. Nhìn kỹ, gã có gương mặt không dữ và giọng nói khá ấm áp. Hỏi chuyện, gã cúi đầu: “Tôi có lỗi nhiều nhất với vợ. Gặp cô ấy, cô nói giùm cho tôi xin lỗi”. Tôi hỏi: “Chị ấy đâu?”. Gã liền chỉ về phía phụ nữ mặc chiếc quần hoa, gương mặt nhàu nhĩ vì những đêm mất ngủ. Nhưng đó là tất cả niềm an ủi của gã trong phiên tòa có hàng trăm người dự khán này.
Chị ngồi đó, lặng yên dưới tán cây già, giữa đám đông, im lặng giống như những phiên tòa trước chị đã “đồng hành” cùng anh, thỉnh thoảng chị lại đưa tay quẹt nước mắt. Năm nay đã 36 tuổi, nét dịu dàng của người phụ nữ tảo tần hiện rõ trên gương mặt chị.
Chị kể: “Tôi từ nhỏ lớn lên ở Sài Gòn. Tôi quen anh khi cùng làm trong quán cơm ở xí nghiệp. Ngày trước anh hiền như cục đất, cũng chí thú làm ăn. Ngày đó tôi cũng biết anh không giấy tờ, không nhà, không nghề nghiệp nhưng vì yêu anh tôi chấp nhận. Đến giờ chúng tôi vẫn chưa có ý định sinh con bởi vì tôi chưa chịu được con sẽ mang họ mẹ mà không có cha, sau này tôi không biết phải giải thích với con thế nào về ô trống kia. Bởi thế tôi vẫn đợi...”.
Những ký ức về anh vẫn vẹn nguyên trong chị giống như chuyện mới ngày hôm qua. “Anh rất hay làm việc nhà giúp vợ. Những lần giận dỗi nhau anh toàn làm lành trước. Đây là lần đầu tiên chúng tôi giận nhau lâu như vậy, anh bỏ đi biệt tăm một tuần liền. Ngày anh bị bắt, công an gọi về cho tôi, tôi hết hồn. Những lần trước chỉ cãi nhau buổi sáng rồi chiều lại làm lành. Ngờ đâu…”.
Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt gã hai năm sáu tháng tù. Lúc cho tay vào còng để bước lên xe, gã ngoái đầu nhìn vợ lần nữa.
Trong cuộc đời con người, hễ khi ta còn điểm tựa, dường như mọi lỗi lầm sai trái ta đều có thể vượt qua để làm lại cuộc đời. Điểm tựa của bị cáo Ngô Tấn Lộc chính là vợ gã - một người vợ không hôn thú nhưng luôn có mặt bên cạnh những khi gã mất phương hướng và làm điều sai pháp luật.
Theo NGUYỄN TRÀ
Pháp luật TP Hồ Chí Minh