Người thứ hai được miễn trách nhiệm hình sự vụ Việt Á: "Tôi trong sạch"
(Dân trí) - Về lý do tại sao đã được tuyên án treo, được tại ngoại nhưng vẫn kháng cáo, ông Trần Thanh Phong, cựu Phó phòng Tài chính Kế toán CDC tỉnh Bình Dương, cho biết ông muốn chứng minh bản thân trong sạch.
"Kháng cáo để chứng minh mình trong sạch"
Chiều 17/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm đại án Việt Á bước sang ngày làm việc cuối cùng.
Tại phần tuyên án có diễn biến bất ngờ khi bị cáo Trần Thanh Phong, cựu Phó phòng Tài chính Kế toán CDC tỉnh Bình Dương, được tuyên miễn trách nhiệm hình sự.
Tại bản án sơ thẩm, bị cáo Thanh Phong lĩnh án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng ông Trần Thanh Phong trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội đã chịu sự chỉ đạo, áp lực lớn từ cấp trên.
Ngoài ra, ông Phong không hưởng lợi nhưng đã tự nguyện khắc phục 20 triệu đồng thay cho Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á.
Như vậy, ông Phong là người thứ hai trong đại án Việt Á được miễn trách nhiệm hình sự. Người đầu tiên là ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí sau phiên tòa, ông Phong cho biết bản thân rất xúc động trước bản án trên. Ông gửi lời cảm ơn HĐXX cấp phúc thẩm đã đưa ra bản án nghiêm minh nhưng đầy nhân văn, nhân đạo.
Về lý do tại sao phiên tòa sơ thẩm đã được tuyên án treo, được tại ngoại nhưng vẫn kháng cáo, ông Phong cho biết vợ chồng ông có 3 người con, con nhỏ mới 4 tuổi. Ông kháng cáo là muốn chứng minh bản thân trong sạch để làm tấm gương cho các con sau này.
Ông Phong nói bản thân đã nhận thức việc làm của mình là sai nhưng thời điểm đó là làm theo chỉ đạo của cấp trên, tất cả vì mục đích chung của xã hội, trong bối cảnh muốn cứu người.
Ông Phong nói ông cũng như cấp trên là ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương, thời điểm đó chỉ tập trung làm việc để cứu người chứ không nhận một đồng cảm ơn hay bất kỳ lợi ích nào của Công ty Việt Á.
Quá trình phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Dương luôn sát sao chỉ đạo không gặp gỡ với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ tỉnh chống dịch, chỉ tập trung tất cả cho công tác cứu giúp người dân. Ông và các đồng nghiệp luôn quán triệt tinh thần này.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Long (bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Phong), người được miễn trách nhiệm hình sự sẽ được khôi phục toàn bộ những quyền lợi trước đây như chức vụ, việc làm...
Luật sư Long tin rằng, trường hợp của ông Phong sẽ được cơ quan tố tụng, đặc biệt là sở Y tế Bình Dương khôi phục lại toàn bộ các quyền lợi.
"Pháp luật luôn đánh giá đầy đủ công và tội, luôn có chính sách khoan hồng đặc biệt với người dám làm mà không vì mục đích vụ lợi", luật sư Long nói.
Bác kháng cáo đòi nợ gần 800 tỷ đồng của Công ty Việt Á
Đối với các kháng cáo về dân sự liên quan đến đề nghị gỡ bỏ phong tỏa 52 sổ tiết kiệm trị giá hơn 410 tỷ đồng của bà Đàm Thị Trinh (mẹ Phan Quốc Việt) và hai sổ tiết kiệm của các con Việt trị giá 20 tỷ đồng, HĐXX phúc thẩm đánh giá, trong quá trình điều tra, xét xử xác định nguồn tiền này là bất chính, do Việt phạm tội mà có.
Mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm, bà Trinh có xuất trình một số vi bằng chứng minh việc Việt vay tiền của một số người thân, bạn bè song HĐXX cho rằng các vi bằng này chỉ được xác lập đơn phương, không có văn bản ký kết giữa các bên.
Hơn nữa mối quan hệ vay mượn giữa bà Trinh và những người này chỉ là quan hệ dân sự, không liên quan đến việc thu lời bất chính của vụ án và việc tịch thu sung công quỹ Nhà nước.
Do đó, việc phong tỏa các tài khoản này để đảm bảo việc thi hành án của bị cáo Phan Quốc Việt là đúng quy định của pháp luật.
Với đề nghị của Công ty Việt Á yêu cầu 80 cơ quan, đơn vị nợ gần 800 tỷ đồng tiền kit test Covid-19 trả nốt số tiền này cho Việt Á, HĐXX cho rằng, tòa sơ thẩm không giải quyết vấn đề trên trong vụ án này nên không có thẩm quyền giải quyết.
Song HĐXX dành quyền cho Công ty Việt Á khởi kiện dân sự để đòi nợ.
Từ những phân tích trên, HĐXX cấp phúc thẩm bác kháng cáo của bà Đàm Thị Trinh, Hồ Thị Thu Thủy (vợ Phan Quốc Việt) và Công ty Việt Á.