1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

"Người thứ 3 ngay tình" muốn nộp tiền giữ 43ha đất vàng Bình Dương

Thế Kha

(Dân trí) - Trong khi viện kiểm sát đề nghị tòa án tuyên trả 43ha "đất vàng" bị bán rẻ về Tỉnh ủy Bình Dương quản lý thì doanh nghiệp lại muốn nộp tiền để tiếp tục được thực hiện dự án trên khu đất này.

Chiều 23/8, phiên tòa xét xử ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và 27 bị cáo trong vụ án bán rẻ hai lô "đất vàng" 43ha và 145ha gây thất thoát hơn 5.000 tỷ đồng bước vào ngày thứ 8.

Đáng chú ý trong phần trình bày quan điểm trước tòa, luật sư Nguyễn Thị Thu - bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh TPHCM (Công ty Kim Oanh) và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú, công ty con của Công ty Kim Oanh) - đã đề nghị hội đồng xét xử không chấp nhận quan điểm của viện kiểm sát trước đó về việc tuyên trả 43ha "đất vàng" về Tỉnh ủy Bình Dương quản lý.

Người thứ 3 ngay tình muốn nộp tiền giữ 43ha đất vàng Bình Dương - 1

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, đại gia Nguyễn Văn Minh- cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2 và các bị cáo tại tòa (Ảnh: X.A).

Theo cáo trạng vụ án, Công ty Tân Phú là công ty liên doanh của Tổng công ty 3/2 và Công ty CP Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) nhằm nhận chuyển nhượng khu đất 43ha.

Tỉnh ủy Bình Dương từng có văn bản yêu cầu giao khu đất 43ha này cho Công ty Impco thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Văn Minh - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2 - đã bán toàn bộ cổ phần của Tổng công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Như vậy, khu đất 43ha từ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước đã bị chuyển sang tư nhân, sau đó được bán cho đại gia Đặng Thị Kim Oanh (Công ty Kim Oanh).

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND) cáo buộc hành vi chuyển nhượng 43ha đất vàng nói trên gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định bà Đặng Thị Kim Oanh không có nghĩa vụ nắm chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương và "không biết, không liên quan hành vi chuyển nhượng trái pháp luật khu đất 43ha". Do vậy, các Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh được triệu tập đến tòa trong vai trò người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Trình bày trước hội đồng xét xử, luật sư Nguyễn Thị Thu đề nghị tòa tuyên án theo hướng cho Công ty Kim Oanh nộp khoản tiền chênh lệch và được tiếp tục thực hiện dự án trên khu đất 43ha.

Luật sư phân tích, luật hình sự quy định người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Trong vụ án này, Công ty Kim Oanh được các cơ quan tố tụng xác định không có hành vi phạm tội. Doanh nghiệp này là "người thứ 3 ngay tình" trong việc nhận chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty Âu Lạc để thành chủ sở hữu hợp pháp của Công ty Tân Phú, bao gồm quyền sử dụng 43ha.

Bộ luật Dân sự quy định quyền, lợi ích của "người thứ 3 ngay tình" phải được đảm bảo nên Công ty Kim Oanh có toàn quyền sử dụng và quyết định đầu tư trên diện tích đất 43ha.

Việc mua bán, chuyển nhượng, đăng ký biến động và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Tân Phú đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương thẩm định rồi thực hiện. Do vậy, luật sư cho rằng khu đất này không thuộc trường hợp bị thu hồi theo Luật Đất đai 2013.

Luật sư Thu cho biết, Công ty Kim Oanh đã đề nghị được nộp khoản tiền sử dụng đất chênh lệch và tiếp tục thực hiện dự án 43ha. Đề nghị này đã được Tỉnh ủy Bình Dương chấp thuận. Vì thế, việc giao cho Công ty Kim Oanh và Công ty Tân Phú tiếp tục thực hiện dự án vừa giúp khắc phục được toàn bộ thiệt hại liên quan đến khu đất 43ha, vừa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp cho "người thứ ba ngay tình".

Theo luật sư, việc giải quyết sai phạm tại 43ha trong thời gian quá dài vừa qua đã dẫn đến rất nhiều thiệt hại về kinh tế, uy tín và mất đi cơ hội đầu tư, quay vòng nguồn vốn của doanh nghiệp.

"Hổ dữ không ăn thịt con"

Bào chữa trước tòa, bị cáo Nguyễn Thục Anh - cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Phát Triển - cho biết không muốn đào sâu thêm sự việc vì "không muốn làm bố đau lòng". Bố của bị cáo Thục Anh là bị cáo Nguyễn Văn Minh - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2.

Bị cáo Nguyễn Thục Anh khai có việc đứng tên hộ bố về 51% cổ phần tại Công ty Phát Triển. Nhưng với số cổ phần này, ông Minh cũng không có toàn quyền quyết định tại doanh nghiệp.

Vì chỉ đứng tên hộ nên bị cáo cho rằng mình không có quyền chỉ đạo ban giám đốc của công ty. Bị cáo không thể là đồng phạm với bố mình về hành vi tham ô hơn 800 tỷ đồng khi mua bán 145ha đất vàng ở Bình Dương.

Với số tiền chiếm hưởng cá nhân bị quy kết 200 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Thục Anh đề nghị hội đồng xét xử và cơ quan công tố xem xét lại các chứng cứ giao dịch ngân hàng liên quan để thấy thực tế không phạm tội như quy kết.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng thân chủ của mình chỉ đứng tên cổ phần lập công ty còn thực tế không điều hành. Theo ông, đây là quan hệ cha con, đặc biệt hơn trường hợp khác ở chỗ bị cáo Thục Anh là con út, học hành đầy đủ và là niềm tự hào của ông Minh.

"Hổ dữ không ăn thịt con, lý gì cha có người con cưng như thế lại đưa vào vòng lao lý" - luật sư Thiệp trình bày trước tòa.

Luật sư cho rằng vụ án tham ô này thực chất không có dấu hiệu chiếm đoạt vì toàn bộ số tiền vẫn hạch toán trong tài khoản của Tổng công ty 3/2. Theo hệ thống tài chính, các bị cáo không chi dùng cho cá nhân dù có thể có việc tạm ứng, chi dùng sai nguyên tắc.

Trước đó, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Minh hình phạt cao nhất trong tổng số 28 bị cáo, 29-30 năm tù, về cả hai tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Bị cáo Nguyễn Thục Anh bị đề nghị 3-4 năm tù vì tội Tham ô tài sản.