Người phụ nữ quyền lực đằng sau Hoa hậu Phương Nga là ai?
(Dân trí) - Tại tòa, bị cáo Phương Nga khai về 2 người phụ nữ thân thiết với mình tên là Mai Phương và Tâm đã có sự xúi giục và uy hiếp, dẫn dắt Nga từng bước vào vòng lao lý.
Người phụ nữ quyền lực của showbiz
Tại tòa sơ thẩm lần trước, Hoa hậu Phương Nga có nhắc đến 2 người phụ nữ tên Tâm và Mai Phương từng nâng đỡ cô vào giới showbiz. Theo Phương Nga, bà Mai Phương và bà Tâm có mối quan hệ rất tốt với Phương Nga.
Cũng theo Nga, bà Mai Phương và bà Tâm là 2 phụ nữ rất quyền lực trong lĩnh vực giải trí, có mối quan hệ khá thân với đại gia Cao Toàn Mỹ và biết rất rõ đại gia Mỹ mạnh đến mức nào, quen với ai, làm chức vụ gì.
Bởi lẽ, sau khi rút vốn ở Công ty CP V.N.G., đại gia Mỹ đã đầu tư vào lĩnh vực giải trí, lĩnh vực kết nối ăn trưa, hẹn hò… tại TPHCM và các tỉnh - thành lân cận. Bà Mai Phương hoạt động trong giới showbiz nên có mối quan hệ khá thân với đại gia Mỹ.
Khi ông Mỹ gởi đơn đến công an, bà Mai Phương đã gọi Nga ra quán karaoke ở đường Phạm Viết Chánh (quận 1) để 4 gã giang hồ lạ mặt ép cô ký vào hợp đồng mua bán nhà. Ngoài ra, sau khi ông Mỹ tố cáo, bà Mai Phương và bà Tâm đã luôn bên cạnh động viên Nga sẽ dàn xếp để đấu với đại gia Mỹ.
Phương Nga khai tại tòa rằng khi được công an mời lên rồi cho về, bà Mai Phương đã hướng dẫn Nga đường đi nước bước, phải đối phó như thế nào. Nga đã làm theo chỉ dẫn của bà Mai Phương.
“Tuy nhiên, khi bị công an bắt khẩn cấp, bị cáo biết mình bị bà Mai Phương lừa nên đã không khai gì thêm và khiếu nại cáo trạng lên Viện KSND Tối cao”- Phương Nga trình bày trước tòa.
Tại phiên tòa ngày 23/6, cả hai bị cáo Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung đều khai trước tòa rằng lời khai trước đây không đúng sự thật và khai theo hướng dẫn của bà Phương, thậm chí chép lại theo tờ giấy A4 bà Phương đưa cho.
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Liên quan tới vấn đề này, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TPHCM) nêu rõ quan điểm: Ngay phần bắt đầu phiên tòa, các luật sư bào chữa đã đề nghị phải có mặt bà Mai Phương với vai trò nhân chứng nhưng HĐXX đã không chấp nhận với lý do nhân chứng đã có lời khai rõ ràng nên sự vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng tới phiên xử.
Tuy nhiên, xét dưới góc độ do các bị cáo cùng tố cáo đã khai theo hướng dẫn của bà Phương, bà này đưa tờ giấy chép nội dung sẵn để bị cáo ghi lại… thì rõ ràng bà Mai Phương không còn nằm ở khuôn khổ của nhân chứng mà đã ở một vị trí khác, là người có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.
Nếu lời khai của bị cáo về việc bị “dụ dỗ” khai tại cơ quan điều tra là đúng sự thật thì có thể dẫn đến điều tra viên phạm tội bức cung quy định tại Điều 299 BLHS. Có thể nói, sự có mặt của bà Mai Phương tại phiên tòa là cần thiết nhằm làm rõ có dấu hiệu tội phạm của tội bức cung hay không. Trong đó, chính bà Mai Phương là đối tượng nghi vấn, chứ không phải với tư cách nhân chứng.
Ông Dũng nói: “Tố giác hành vi phạm tội là nghĩa vụ của mọi công dân. Tôi cho rằng ở góc độ pháp lý này, cần phải đưa bà Mai Phương có mặt tại phiên tòa để làm rõ”.
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hướng dẫn liệt kê tại Thông tư liên tịch số 1/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010. Trong đó, Điểm n Khoản 2 Điều 4 nêu rõ: “nhằm để xác định có việc mớm cung, bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật”.
“Như vậy, nếu không có mặt của người bị tố cáo tại phiên tòa để làm rõ hành vi bức cung là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Ở đây, chúng ta cần lưu ý, cơ quan tiến hành tố tụng trước đó chỉ lấy lời khai của bà Mai Phương đưa vào hồ sơ là với tư cách nhân chứng chứ không phải người có hành vi có thể dẫn đến phạm tội bức cung” – ông Dũng nhận định.
Xuân Duy