Người nhà học sinh vay tiền, giáo viên chủ nhiệm bị dọa giết
(Dân trí) - Người nhà học sinh ở Tiền Giang vay tiền nhưng không có khả năng thanh toán, băng nhóm đòi nợ thuê liền "khủng bố", đe dọa giết người thân của Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm.
Viện KSND tỉnh Tiền Giang vừa kháng nghị phúc thẩm, đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm, sửa một phần bản án sơ thẩm, theo hướng tăng hình phạt đối với 49/111 bị cáo trong vụ cưỡng đoạt tài sản, liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt.
Theo Viện KSND tỉnh Tiền Giang, sau khi xem xét tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đối chiếu với quy định của pháp luật, nhận thấy bản án sơ thẩm quy kết 111 bị cáo cùng về tội Cưỡng đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự, đồng thời tất cả 111 bị cáo đều phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức và phạm tội 2 lần trở lên theo điểm a, g, khoản 2, Điều 52 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của từng bị cáo, từ đó áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với 49 bị cáo là chưa tương xứng, chưa phân hóa từng bị cáo; chưa đảm bảo công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giáo dục, phòng ngừa chung cho xã hội.
"Hành vi của các bị cáo gây bức xúc, hoang mang, xáo trộn cuộc sống nhiều người, nhiều cơ quan trên 50 tỉnh, thành trong thời gian dài", kháng nghị nêu.
Đe dọa giết nhiều người
Theo hồ sơ vụ án, khoảng giữa tháng 10/2022, nhiều giáo viên và Ban giám hiệu Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu (thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) nhận được nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn có liên quan đến khoản nợ của gia đình cháu N.N.H.T. (SN 2014).
Các đối tượng có lời lẽ đe dọa yêu cầu nhà trường cho T. nghỉ học để gây áp lực tác động gia đình bé gái trả nợ nếu không thực hiện sẽ giết người thân của Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm.
Ngày 27/10/2022, băng nhóm đòi nợ đã đặt một bình gas và giao tới Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu. Tiếp đó, nhóm này yêu cầu cô Phạm Công T. (chủ nhiệm của T.) ra nhận nếu không sẽ cho nổ trường. Lời đe dọa trên làm cho giáo viên trong trường hoang mang lo sợ nên Ban giám hiệu đã làm đơn tố giác tới Công an thị xã Cai Lậy.
Qua xác minh, năm 2019, anh Nguyễn Văn B. (cậu của T.) có vay tín chấp tại một ngân hàng chi nhánh Long An số tiền 50 triệu đồng, thỏa thuận mỗi tháng trả 2,5 triệu đồng, trong thời hạn 36 tháng. Tuy nhiên, trả được 3 tháng thì người đàn ông này mất khả năng thanh toán, đi tới Bình Dương làm công nhân.
Tháng 7/2022, anh B. nhận được yêu cầu trả nợ 180 triệu đồng. Tuy nhiên, anh ta không đồng ý nên nhóm đòi nợ dọa sẽ giết con của người đàn ông này. Cùng thời điểm, em gái anh B. là chị Nguyễn Thị Cẩm C. (mẹ T.) nhận được nhiều cuộc gọi yêu cầu anh B. trả nợ nếu không sẽ giết cháu T..
Lo cho tính mạng của và cháu nên anh B. chuyển trả 10 triệu đồng. Do anh B. không tiếp tục trả nợ nên nhóm này "khủng bố" giáo viên trường Phan Văn Kiêu, nơi cháu của người vay tiền đang học.
Nhà chức trách xác định, số điện thoại, nhắn tin đe dọa là của nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt có trụ sở tại quận Bình Tân (TPHCM) nên ngày 14/2/2023 Công an tỉnh Tiền Giang, Công an TPHCM, Bộ Công an đồng loạt khám xét trụ sở, chi nhánh của doanh nghiệp này và thu giữ nhiều tài liệu.
"Núp bóng" công ty luật để đòi nợ
Qua quá trình điều tra xác định, bị cáo Trần Văn Châu (cựu Phó giám đốc phụ trách điều hành Công ty Luật TNHH Pháp Việt) và Hồ Quốc Hùng (cựu Phó giám đốc nghiệp vụ Công ty Luật TNHH Pháp Việt) từng làm trong bộ phận xử lý nợ của các ngân hàng và công ty tài chính, nên biết rõ kể từ ngày 1/1/2021, loại hình dịch vụ đòi nợ đã bị Luật Đầu tư năm 2020 đưa vào diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Nhưng từ ngày 1/1/2021-14/2/2023, Châu và Hùng vẫn lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật TNHH Pháp Việt để ký hợp đồng tham gia tố tụng theo quy định pháp luật, tư vấn pháp luật, thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý khác theo quy định pháp luật và đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật với 7 tổ chức tín dụng, qua đó đã tổ chức bộ máy hoạt động công ty.
Theo đó, Châu và Hùng đưa ra nhiều cách thức, chỉ đạo 20 trưởng nhóm và 579 nhân viên thuộc 20 nhóm dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, uy hiếp tinh thần của 172.629 người vay, cưỡng đoạt số tiền hơn 447,5 tỷ đồng, được các đơn vị ký kết hợp đồng dịch vụ trả phí hơn 166 tỷ đồng.
Tháng 8, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Châu 19 năm tù, Hùng 18 năm tù. 109 bị cáo còn lại từ 1 năm tù đến 13 năm tù.
Ngoài ra, HĐXX buộc Trần Văn Châu nộp hơn 15 tỷ đồng và Hồ Quốc Hùng nộp hơn 12 tỷ đồng, là số tiền bị cáo có được nhờ phạm tội. Các bị cáo còn lại phải trả lại toàn bộ số tiền hưởng lợi.
Sau bản án sơ thẩm, hơn 100 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin xem xét lại số tiền thu lợi bất chính.