1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Người làm chứng có được vắng mặt tại phiên tòa không?

Xuân Hải

(Dân trí) - Theo luật sư, khoản 3, khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng.

Người làm chứng có được vắng mặt tại phiên tòa không? - 1

Người làm chứng có được vắng mặt tại phiên tòa không? (Ảnh: minh họa - nguồn internet).

Một bạn đọc hỏi: Tôi có chứng kiến một vụ đánh nhau có thương tích nặng, khi công an điều tra lấy lời khai tôi có ký xác nhận là người làm chứng. Mới đây, tôi vừa nhận được giấy triệu tập người làm chứng đến dự phiên tòa của vụ việc trên. Tôi không muốn tham dự phiên tòa này vì những người gây thương tích của vụ việc trên rất hung hãn, nhiều lần có thái độ đe dọa tôi sau khi tôi đứng ra làm chứng. Xin hỏi quý báo, tôi không đến Tòa có được không? Nếu tôi không đến Tòa có phải chịu trách nhiệm gì không? 

Vấn đề bạn hỏi, Luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng xin tư vấn trả lời như sau:

 Theo quy tại khoản 1 Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì "Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng."

Và theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 này về quyền và nghĩa vụ của người làm chứng như sau:

"3. Người làm chứng có quyền:

b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

Người làm chứng có nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó."

Như vậy theo quy định này thì bạn có nghĩa vụ phải có mặt theo triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng là Tòa án đã triệu tập và trình bày trung thực những tình tiết, lý do biết được những tình tiết đó mà mình biết liên quan sự việc và cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu, bạn chỉ được vắng mặt khi lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan.

Nếu bạn cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải. Đồng thời nếu việc vắng mặt không lý do nhằm từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nếu bạn có đã có lời khai của người làm chứng đầy đủ thì bạn có thể viết đơn đề nghị Tòa xét xử vắng mặt người làm chứng. Việc vắng mặt của bạn phải có lý do chính đáng, do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, Tòa án sẽ xem xét giải quyết yêu cầu của bạn.

Khi bạn buộc phải tham gia phiên tòa, nếu có căn cứ bạn hoặc gia đình bạn bị đe dọa về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, thì bạn có thể yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của bạn và gia đình bạn theo quy định nêu trên.