Người kiện Công an Đồng Nai: "Bồi thường bao nhiêu cũng không thể bù đắp"
(Dân trí) - Bị bắt giam oan khi mới 17 tuổi, ông Nguyễn Huy Tuấn cho biết đã phải chịu rất nhiều đau thương, mất mát. "Cho dù cơ quan tố tụng có bồi thường bao nhiêu cũng không thể bù đắp", ông nói.
Năm 1994, ông Nguyễn Huy Tuấn (46 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng 4 người khác bị Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam về tội Giết người và Cướp tài sản.
Quá trình điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của 5 người trên nên cơ quan tố tụng quyết định thả tự do cho ông Tuấn cùng 4 người khác. Không còn bị giam nhưng những người này còn bị mang thân phận bị can tới năm 2019 mới được minh oan.
Mặc dù đã được giải oan, nhưng ông Tuấn và 4 nạn nhân vẫn còn chưa được cơ quan tố tụng đã gây oan sai cho mình bồi thường.
Bỗng dưng mang tội giết người
Thời điểm năm 1994, ông Tuấn mới 17 tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, người đàn ông này quyết định rời quê Thanh Hóa vào Đồng Nai đi làm thuê để phụ giúp bố mẹ. Ở chốn đất khách quê người được vài tháng, Tuấn dần làm quen với môi trường mới thì tai họa ập đến.
Tháng 7/1994, tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai xảy ra một vụ án mạng. Sau khi xác minh, cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai tiến hành khám nghiệm, thấy có dấu hiệu của tội phạm Giết người và Cướp tài sản.
Ngày 10/8/1994, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Huy Tuấn, Lê Đức Bình (55 tuổi), Lê Xuân Duẩn (48 tuổi), Lê Xuân Thắng (51 tuổi) và Nguyễn Văn Giang (46 tuổi).
Nhớ lại ký ức năm xưa, ông Tuấn cho biết mình cùng 4 người khác trong vụ án vô cùng sợ hãi, lo lắng khi nhận quyết định khởi tố bị can. Người đàn ông này nói suốt chuỗi ngày bị tạm giam mình chỉ biết khóc sau những trận "đòn roi".
Trong quá trình điều tra không chứng minh được hành vi phạm tội của những người trên nên ngày 18/11/1994, VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam bị can.
"Sau khi được thả ra, tôi chỉ muốn trở về quê ngay lập tức nhưng bản thân không có 1 xu dính túi để mua vé xe. Bên cạnh đó, tôi rất sợ mọi người ở quê sẽ không biết rõ sự thật, dị nghị nói tôi là kẻ giết người, cướp của nên đành ngậm ngùi ở lại Đồng Nai xin đi làm thuê để kiếm sống qua ngày", ông Tuấn nói.
Mong được trả lại sự công bằng
Dù đã được thả tự do nhưng "án" vẫn treo lơ lửng trên đầu nên ai nấy cũng e dè không dám thuê ông Tuấn làm công cho mình. Nhận thấy cuộc sống bấp bênh không đủ ăn, thanh niên năm ấy quyết định về quê ở Thanh Hóa nương nhờ người thân.
Nào ngờ, khi về quê, ông Tuấn bị nhiều người dị nghị, xa lánh vì nghĩ người này là kẻ sát nhân. Cuộc sống ông rơi vào cảnh bế tắc.
Do Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai không giao quyết định đình chỉ bị can nên ông Tuấn vẫn bị xác định là đối tượng truy nã.
Một thời gian, nhiều người dần biết được sự việc và có cái nhìn đỡ cay nghiệt hơn với ông Tuấn. Trong số những người tin ông không giết người có một cô gái gần nhà, hai người nhanh chóng đem lòng yêu nhau rồi nên duyên vợ chồng.
Khi đã có tổ ấm nhỏ, cuộc sống gia đình ông Tuấn dần ổn định hơn. May mắn là hàng xóm đều tin tưởng ông không phải là tội phạm nguy hiểm.
Năm 2016, ông Tuấn cùng 4 người bị bắt oan năm ấy khiếu nại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai về việc không giao quyết định đình chỉ bị can. Miệt mài nhiều năm đi "gõ cửa" tìm công lý, khiếu nại trên của các nguyên đơn được nhà chức trách giải quyết.
"Nói thật là ở quê thiếu thốn đủ thứ, với lại cũng không biết pháp luật nên tụi tôi không biết kêu ai. Đến khi con của anh Thắng thi vào đại học an ninh, người ta về thẩm tra lý lịch thì bố đang bị mang án giết người cướp tài sản. Lúc này, tụi tôi mới làm đơn kêu oan", ông Tuấn lý giải về việc hơn 22 năm không đi kêu oan.
Sau khi xem xét đơn khiếu nại của các nạn nhân, Công an tỉnh Đồng Nai xác định chưa bàn giao quyết định đình chỉ bị can cho ông Tuấn và 4 người khác.
Ngày 31/7/2019, ông Nguyễn Huy Tuấn, Lê Đức Bình, Lê Xuân Thắng, Lê Xuân Duẩn và Nguyễn Văn Giang nhận được quyết định đình chỉ điều tra từ Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai.
Được minh oan sau 25 năm, ông Tuấn và những người anh em của mình không giấu được niềm vui. Một trong số các nạn nhân cho biết khi nhận được "giấy minh oan" thì có thể hét thật to và tuyên bố cùng với mọi người rằng mình không phải là kẻ giết người, cướp tài sản.
Hơn 1 năm sau, vào năm 2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã về Thanh Hóa tổ chức xin lỗi công khai đối với các nạn nhân. Song, dù được minh oan nhưng ông Tuấn và 4 người khác vẫn chưa được bồi thường cho những năm tháng bị oan sai.
"Gần 3 thập kỷ qua, gia đình tôi cùng các anh đã chịu rất nhiều đau thương. Cho dù cơ quan tố tụng có bồi thường bao nhiêu cũng không thể bù đắp. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong cơ quan tố tụng trả lại sự công bằng", ông Tuấn bày tỏ.
Liên quan tới vụ án này, người đại diện cho ông Tuấn cùng 4 người bị bắt giam oan mong muốn cơ quan gây oan sai cho những người này nhanh chóng giải quyết các vấn đề về bồi thường oan sai.
Sau khi được "minh oan" ông Tuấn và 4 người khác kiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu bồi thường số tiền 13,3 tỷ đồng (mỗi người hơn 2,65 tỷ đồng). Số tiền trên bao gồm thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về tinh thần…
Hiện vụ án đang được TAND tỉnh Đồng Nai đang thụ lý.