1. Dòng sự kiện:
  2. Tài xế Lexus đánh shipper
  3. Nam shipper bị đánh tử vong

Ông chủ công ty đậu phộng Tân Tân bị bắt giam

Phạm Diện

(Dân trí) - Ông Trần Quốc Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tân Tân, bị thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tại ngoại sang tạm giam trước khi đưa ra xét xử.

Ngày 25/2, VKSND TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, đã hoàn tất cáo trạng, chuyển sang tòa cùng cấp để chuẩn bị đưa ra xét xử ông Trần Quốc Tân (SN 1963, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tân Tân) và vợ ông Tân là bà Châu Ngọc Phụng (SN 1971, thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Tân Tân) về tội Không chấp hành bản án. Riêng ông Tân còn bị cáo buộc thêm tội Trốn thuế.

Trước đó, cơ quan điều tra đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, từ tại ngoại sang bắt tạm giam với ông Tân. Riêng vợ ông Tân vẫn được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ông chủ công ty đậu phộng Tân Tân bị bắt giam - 1

Cổng vào Công ty Cổ phần Tân Tân tại TP Dĩ An (Ảnh: T.K.).

Ngoài hai vợ chồng ông Tân, ông Trần Quốc Tuấn (57 tuổi, em ruột ông Tân) bị truy tố với vai trò đồng phạm về tội Không chấp hành bản án. Bị can vẫn đang được tại ngoại.

Theo cáo trạng, ngày 5/7/2011, ông Trần Quốc Tân có lập hợp đồng chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi, ngụ TPHCM) 3,6 triệu cổ phần của cá nhân, chiếm 45,83% sở hữu của công ty.

Sau khi trở thành cổ đông của công ty, bà Thanh đã nhiều lần yêu cầu hội đồng quản trị (HĐQT) cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, HĐQT không thực hiện nên ngày 19/11/2015, bà Thanh gửi đơn khởi kiện HĐQT của Công ty Cổ phần Tân Tân đến TAND tỉnh Bình Dương.

Ngày 27/9/2018, TAND tỉnh Bình Dương đã ban hành bản án về việc tranh chấp giữa cổ đông với công ty và các thành viên HĐQT, đồng thời tuyên buộc các thành viên HĐQT của Công ty Cổ phần Tân Tân gồm bà Châu Ngọc Phụng, ông Trần Quốc Tân, ông Trần Quốc Tuấn phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Tân Tân để bầu lại thành viên HĐQT của công ty theo đúng quy định pháp luật.

Buộc Công ty Cổ phần Tân Tân do ông Trần Quốc Tân, người đại diện theo pháp luật của công ty cho bà Nguyễn Thị Thanh được xem xét, trích lục số biên bản, nghị quyết của HĐQT báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm của công ty.

Ngày 16/10/2018, bà Châu Ngọc Phụng có đơn kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương.

Đến ngày 17/5/2019, Phụng có đơn tự nguyện xin rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo nên TAND Cấp cao tại TPHCM ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại.

Ngày 10/6/2019, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương nhận được đơn yêu cầu thi hành án của bà Nguyễn Thị Thanh, yêu cầu tổ chức thi hành án đối với bản án ngày 27/9/2018 của TAND tỉnh Bình Dương.

Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương sau đó ban hành quyết định thi hành án theo yêu cầu để buộc các thành viên HĐQT của công ty, gồm Châu Ngọc Phụng, Trần Quốc Tân, Trần Quốc Tuấn, Công ty Cổ phần Tân Tân do Trần Quốc Tân, người đại diện theo pháp luật của công ty thi hành bản án trên nhưng Trần Quốc Tân, Trần Quốc Tuấn, Châu Ngọc Phụng, Công ty Cổ phần Tân Tân không thi hành bản án trên mặc dù có điều kiện để thi hành án.

Ngày 14/9/2020, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương tiếp tục ra quyết định về việc cưỡng chế buộc thực hiện đối với Trần Quốc Tân, Trần Quốc Tuấn và Châu Ngọc Phụng, đối với bản án nhưng vẫn không thi hành mặc dù có điều kiện để thi hành án.

Ngày 9/4/2021, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương có công văn về việc kiến nghị khởi tố Trần Quốc Tân, Trần Quốc Tuấn và bà Châu Ngọc Phụng, về hành vi không chấp hành án đối với bản án ngày 27/9/2018 của TAND tỉnh Bình Dương.

Ngày 28/5/2022, ông Lê Minh Tâm là người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Thanh tiến hành triệu tập Đại hội đồng cổ đông để bầu thành viên HĐQT mới thì Trần Quốc Tân, Trần Quốc Tuấn và bà Châu Ngọc Phụng không đến và có văn bản gửi tòa án yêu cầu hủy bỏ nghị quyết đại hội mà đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Thanh ban hành. Thể hiện việc cố ý không thực hiện bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Về ông Trần Quốc Tuấn, dù không còn tham gia điều hành, hoạt động của công ty từ năm 2013, nhưng với vai trò là thành viên HĐQT (nắm 10% cổ phần), bị can phải có trách nhiệm của mình trong việc thực hiện bản án của TAND tỉnh Bình Dương.

Bà Châu Ngọc Phụng được chồng cho 10% cổ phần từ năm 2007, song không tham gia vào việc điều hành, hoạt động kinh doanh của công ty. Năm 2017, cổ phần của bà Phụng cũng được công ty mang bán đấu giá được hơn 1,3 tỷ đồng để thi hành một bản án khác (bị cưỡng chế thi hành án). Do đó, Cơ quan CSĐT không xem xét trách nhiệm hình sự của bà Phụng về hành vi này.

Đối với tội Trốn thuế, Công ty Cổ phần Tân Tân hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ nên ngưng hoạt động từ năm 2013, đến năm 2015 ông Trần Quốc Tân đứng ra cho Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất - Trồng trọt Tân Tân thuê lại nhà xưởng và kho trên diện tích của công ty. Thời gian thuê từ tháng 7/2015 đến năm 2030, giá thuê là 100 triệu đồng/tháng.

Kết quả điều tra xác định, từ 7/2015 đến 11/2022 công ty của ông Trần Quốc Tân đã thu tiền cho thuê nhà xưởng là 8,6 tỷ đồng. Công ty không thực hiện việc xuất hóa đơn, kê khai, báo thuế đối với doanh thu của doanh nghiệp.

Năm 2015, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, dẫn đến nợ đọng thuế, Công ty Cổ phần Tân Tân đã bị cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (từ ngày 30/1/2015) của Chi cục Thuế thị xã Dĩ An (nay là TP Dĩ An). Sau đó, công ty này có văn bản đề nghị tháo gỡ quyết định cưỡng chế nêu trên, gửi Cục Thuế tỉnh Bình Dương và Tổng Cục Thuế - Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.

Chi Cục thuế thị xã Dĩ An có văn bản về việc tháo gỡ quyết định cưỡng chế bằng cách cho Công ty Tân Tân sử dụng hóa đơn bán lẻ, nộp 30% thuế trên doanh thu bán hàng theo danh sách đề nghị của mình. Nhưng công ty này không thực hiện việc mua bán hóa đơn lẻ.

Năm 2017, Công ty Tân Tân tiếp tục có đơn xin cứu xét mua hóa đơn lẻ, Cục Thuế tỉnh Bình Dương đề nghị nơi đây cung cấp danh sách khách hàng đề nghị xuất hóa đơn và nộp thông tin khách hàng, số lượng, giá trị hàng hóa sẽ bán; đồng thời, yêu cầu công ty này phải nộp 18% trên doanh thu theo quy định của Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Công ty Tân Tân vẫn không thực hiện.

Cáo trạng kết luận, hành vi của Trần Quốc Tân cố ý không thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù có đầy đủ điều kiện để thực hiện, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương cũng đã thực hiện quy trình buộc Trần Quốc Tân và các thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tân Tân thi hành bản án nhưng Trần Quốc Tân và các thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tân Tân không thực hiện. Hành vi trên của Trần Quốc Tân, đã phạm tội Không chấp hành án.

Ngoài ra, Trần Quốc Tân còn có hành vi cho thuê nhà, xưởng và kho thuộc Công ty Cổ phần Tân Tân mang lại doanh thu nhưng không xuất hóa đơn, kê khai, báo cáo thuế từ tháng 7/2015 đến tháng 11/2022, trốn đóng thuế với số tiền là hơn 1,4 tỷ đồng. Hành vi trên của Trần Quốc Tân đã phạm tội Trốn thuế.

Hành vi của Trần Quốc Tuấn, Châu Ngọc Phụng với vai trò là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tân Tân đã bỏ mặc công ty cho Trần Quốc Tân điều hành từ đó dẫn đến vi phạm.

Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương đã thông báo về việc buộc thi hành án, bị can Tuấn và Phụng có đủ điều kiện, khả năng thực hiện bản án với vai trò thành viên HĐQT nhưng cả hai cố tình không thực hiện. Hành vi trên của Trần Quốc Tuấn, Châu Ngọc Phụng đã phạm tội Không chấp hành bản án.