1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Mức phạt đối với hành vi hack Facebook để lừa đảo

Hải Nam

(Dân trí) - Luật sư nhận định, thủ đoạn hack Facebook để lừa chuyển tiền không hề mới. Tuy nhiên, vẫn có không ít nạn nhân nhẹ dạ, cả tin, chuyển khoản cho các đối tượng và bị chiếm đoạt tài sản.

Vừa qua, Bộ Công an đã thông tin về 8 thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua mạng. 

Một trong số đó là "Sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội (gửi các đường link giả mạo thông tin dịch bệnh Covid-19, quảng cáo tuyển dụng, làm việc tại nhà, các trò chơi giải trí trên mạng…). Sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại".

Ví dụ, ngày 16/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 1, TPHCM, thụ lý điều tra một vụ lừa đảo qua mạng xã hội Facebook. Theo trình báo của chị N.T.C.L. (ở quận 9, TPHCM), chiều 9/6, chị nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của một người bạn tên D., hỏi vay 12 triệu đồng.

Chị L. vì tin tưởng đã không gọi điện hay sử dụng các phương pháp khác để xác minh và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà người nhắn cung cấp. Chưa dừng lại, chị L. còn được nhờ chuyển khoản hộ một khoản tiền lớn. Chỉ đến lúc này, nạn nhân mới cảm thấy có điều bất thường và gọi cho D. để hỏi.

Mức phạt đối với hành vi hack Facebook để lừa đảo - 1

(Ảnh minh họa).

Khi nói chuyện trực tiếp với người bạn, chị L. mới biết tài khoản Facebook của D. đã bị hack và chị đã chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.

Khoảng tháng 6/2022, Công an tỉnh Bình Phước làm rõ được 2 đối tượng có hành vi hack Facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, từ trình báo của chị L.T.N.N. (ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), cảnh sát nắm được thông tin có đối tượng đã hack tài khoản Facebook của chị, chiếm quyền kiểm soát. Sau đó, kẻ gian đã lừa nhiều bạn bè của chị N. để chiếm đoạt 55 triệu đồng.

Bằng thủ đoạn trên, 2 đối tượng này đã hack hơn 300 tài khoản Facebook, lừa đảo chiếm đoạt được khoảng 1,2 tỷ đồng.

Nhận định về tình trạng này, luật sư Nguyễn Thị Sương, Công ty luật FDVN, cho rằng đây đều là những chiêu trò cũ. Tuy nhiên, vẫn có không ít nạn nhân nhẹ dạ, cả tin, chuyển khoản cho các đối tượng và bị chiếm đoạt tài sản.

Đưa ra lời khuyên, luật sư khuyến cáo người sử dụng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác. Khi nhận được yêu cầu nhờ chuyển tiền của người quen qua tin nhắn mạng xã hội thì trước tiên hãy gọi điện trực tiếp cho họ để xác minh xem có đúng hay không.

"Còn trong trường hợp không may bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hãy liên hệ ngay với ngân hàng đã chuyển tiền để được hỗ trợ, đồng thời trình báo với cơ quan công an ở địa phương để được giải quyết kịp thời", luật sư Sương nói.

Quan điểm của luật sư cho rằng để không gian mạng xã hội lành mạnh và sử dụng hiệu quả, an toàn, các cơ quan chức năng cần rà soát, xử phạt "mạnh tay" các đối tượng có hành vi "bẻ khóa, trộm cắp", sử dụng mật khẩu và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dưới góc pháp lý, luật sư cho biết mức phạt cao nhất đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, là phạt tù 12 - 20 năm tù giam hoặc tù chung thân, tùy vào số tiền chiếm đoạt và các tình tiết khác liên quan đến hành vi.

Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. 

"Chỉ riêng hành vi "bẻ khóa, trộm cắp", sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng thì người vi phạm có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng, theo Điều 80 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP", luật sư Sương cho hay.