1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Một cuộc gọi, mất hàng trăm triệu đồng

(Dân trí) - Chỉ bằng một cuộc điện thoại “thăm dò” về cước điện thoại, các đối tượng lừa đảo đã dễ dàng đưa nhiều “con mồi” vào kịch bản “hợp tác điều tra” mà bọn chúng dựng sẵn rồi chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Mấy ngày qua, bà Lê Thị T.N. (55 tuổi, ngụ quận 10) vẫn không thể ngờ về chuyện bà bị một nhóm lừa đảo chiếm đoạt mất 250 triệu đồng chỉ trong vài giờ. Cụ thể, sáng 28/3, bà N. nhận được điện thoại từ một đối tượng tự xưng là Trung úy Nguyễn Hoàng Nam, công tác tại Công an TP Hà Nội thông báo việc bà N. đang nợ tiền cước điện thoại, hiện Công ty điện thoại đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra. Nếu bà N. không muốn bị điều tra thì chuyển tiền vào tài khoản tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) do Lê Thị Mỹ Hồng đứng tên.

Bị rơi vào “kịch bản” chuẩn bị khá kỹ lưỡng của bọn lừa đảo, nên chiều cùng ngày, bà N. đã chuyển 250 triệu đồng vào số tài khoản trên tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh 3/2, quận 10.

Một nhóm liên quan đến các vụ lừa đảo hợp tác điều tra bị công an bắt giữ
Một nhóm liên quan đến các vụ lừa đảo "hợp tác điều tra" bị công an bắt giữ

Cũng với chiêu thức tương tự, 8h sáng 29/3, chị Huỳnh Ngọc M.L (38 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cũng nhận được điện thoại tự xưng là nhân viên Công ty VNPT, thông báo nợ cước điện thoại 8 triệu đồng và cho biết, hiện đang bị Bộ Công an xác minh vì có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Nghe thông tin này chị L. hoảng hốt giải thích rằng mình không liên quan gì.

Đối tượng ở đầu dây bên kia liền yêu cầu chị L. chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản mang tên Trịnh Thành Trung tại ngân hàng Teccombank để xác minh, làm rõ. Đến khi phát hiện nhiều điểm nghi vấn và biết mình bị lừa, cả hai nạn nhân trên đã đến cơ quan công an trình báo.

Đến ngày 30/3, bà N.T.H. (53 tuổi, ngụ Q.1) đến Công an Q.1 trình báo, bà nhận được cuộc gọi vào số máy bàn, thông báo: Thuê bao quý khách đang nợ tiền cước 8,93 triệu đồng, sau đó, các đối tượng ở đầu dây bên kia tìm cách khai thác thông tin cá nhân của bà H. và thông báo cho bà H. biết việc bà này đang liên quan đến một vụ rửa tiền. Muốn làm rõ trắng đen thì họ sẽ nối máy để bà H. liên hệ với công an Hà Nội.

Sau vài tiếng tút, tút… bà H. gặp một người đàn ông xưng trực ban công an Hà Nội yêu cầu bà H. khai báo qua điện thoại, qua âm thanh nghe được, bà H. thấy tiếng còi hú, tiếng ra lệnh như trong trụ sở công an. Khi thấy “con mồi” đã sập bẫy, bọn chúng yêu cầu bà H. chuẩn bị 200 triệu đồng để “hợp tác điều tra” nếu số tiền này không liên quan đến đường dây rửa tiền sẽ được trả lại trong 2 giờ. Đầu dây bên kia yêu cầu bà phải giao số tiền này cho một cán bộ Viện KSND.

Một lát sau, có người đến cho bà H. xem thẻ tên Nguyễn Văn Minh, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM. Đối tượng này nhận tiền rồi lên taxi đi mất.

Đây không phải là lần đầu xảy kiểu lừa đảo như vậy. Trước đó, vào chiều 14/2, công an quận Tân Bình nhận được đơn tố cáo của bà B.T.H. (ngụ quận Tân Bình) về việc bị một người đàn ông gọi điện thoại đến xưng là cán bộ VKSND tỉnh Tây Ninh, người này cho biết đang thụ lý một đường dây ma túy xuyên quốc gia, quá trình điều tra vụ án cho thấy bà H. có liên quan đến đường dây này với vai trò là người rửa tiền. Toàn bộ tài sản của bà H. có trong ngân hàng là do phạm tội mà có nên yêu cầu bà này chuyển 400 triệu đồng để “hợp tác điều tra”. Theo đó, đối tượng này yêu cầu bà H. chuyển số tiền trên vào tài khoản của người nhận tên Nguyễn Văn Đông.

Theo khuyên cáo của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM), để tránh rơi vào kịch bản của bọn lừa đảo, trước hết người dân phải cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ, đặc biệt là người xưng cán bộ cơ quan pháp luật có yêu cầu xác minh, thu thập thông tin về tài khoản trong các ngân hàng. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, số thẻ tín dụng cho người khác nếu thấy không cần thiết.

Công an thành phố nhận định, đây là hoạt động tội phạm có tổ chức gồm nhiều đối tượng tham gia, hoạt động trên phạm vi các tỉnh, thành phố trong nước và ở cả ngoài lãnh thổ Việt Nam. Hiện Công an TP.HCM đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra, truy bắt các đối tượng phạm tội. Nếu người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc phát hiện đối tượng sử dụng thủ đoạn tương tự thì trình báo đến Phòng PC46 (số 674 đường 3/2, phường 14, quận 10), số điện thoại 08.38640508; 08.38650479.

Trung Kiên