1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Mối lương duyên kỳ lạ

Người ta thường nói tình yêu có thể xuyên biên giới, vượt thời gian, xóa tan mọi khoảng cách. Điều ấy thật đúng với Tạ Xuân Lành và cô gái sinh năm 2000. Bởi cô gái ấy đã vượt “nghìn thu” để vun đắp cho tình yêu của mình với người đàn ông cùng quê mà cô chưa một lần gặp mặt trực tiếp.

Chúng tôi đến Trại giam Vĩnh Quang (Tổng cục VII - Bộ Công an, nằm dưới chân dãy Tam Đảo, Vĩnh Phúc) vào một ngày cuối tháng 8. Từ cổng chính vào đến phân trại số 1, chúng tôi nhìn thấy từng tốp phạm nhân đang làm công việc của mình. Trên gương mặt họ là sự tĩnh lặng, an yên, không còn dấu vết của những sai lầm trong quá khứ. Trong số hàng nghìn phạm nhân đang thi hành án tại đây, chúng tôi khá ấn tượng với Tạ Xuân Lành (SN 1986, quê Bắc Ninh).

Phạm nhân Lành chia sẻ với phóng viên câu chuyện cuộc đời mình
Phạm nhân Lành chia sẻ với phóng viên câu chuyện cuộc đời mình

Trả giá cho quá khứ sai lầm

Khi chúng tôi tới thăm phân trại số 1, hơn 100 con người ở đây đang tổ chức Hội thi “Viết cảm nhận về sách” và “Kể chuyện theo sách”. Trong hội trường lớn, Tạ Xuân Lành cũng như nhiều phạm nhân khác đều ngồi lắng nghe những con người lầm lỡ trình bày bài thi của mình. Theo chia sẻ của Trung tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám thị Trại giam Vĩnh Quang, đây là chương trình thực sự ý nghĩa. Dù tổ chức trong thời gian ngắn nhưng các phạm nhân đã hoàn thiện rất tốt bài thi của mình, có những bài thực sự rất xúc động.

Trong đó, có phạm nhân viết: “Tôi thấy cuộc đời mình tuy phải trải qua những gian truân nhưng nếu mình có ý chí, có niềm tin, có hy vọng thì cuối cùng mọi điều tốt đẹp sẽ lại đến với mình”. Cảm nhận này được hun đúc sau khi phạm nhân này đọc cuốn: “Dù thế nào cũng phải sống vì chúng ta chỉ sống một lần”. Người dự thi này mong muốn những phạm nhân như mình đừng đuổi theo quá khứ, đừng đánh mất mình trong tương lai.

Có lẽ cảm nhận được lời động viên trên nên suốt quá trình trò chuyện với phóng viên, phạm nhân Tạ Xuân Lành luôn tự tin, vui vẻ. Bởi theo lời Lành, cậu đã nhận thức được lỗi lầm trong quá khứ để tự tin hướng về nẻo thiện.

Theo nội dung Bản án số 39 của TAND tỉnh Bắc Ninh, đầu năm 2005, Lành đi ôn thi đại học ở thị xã Bắc Ninh. Do ham chơi đua đòi, Lành đã dùng số tiền bố mẹ cho ăn học để đánh đề. Bị thua mất 2 triệu, Lành nảy sinh ý định đi cướp xe ôm bán lấy tiền.

Nghĩ là làm, khoảng 11h ngày 9/5/2005, Lành nhờ bạn chở ra bến xe Bắc Ninh để về nhà lấy tiền học. Khi người bạn kia quay về nhà trọ, Lành lên xe buýt về thị trấn Từ Sơn, vào chợ mua dao nhọn. Đút dao vào túi quần xong, Lành đi bộ ra đường 1A về ngã ba thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh).

Thấy Lành đi bộ, anh Nguyễn Văn Liệu làm lái xe ôm liền đi đến hỏi: “Có đi xem ôm không”, Lành liền nói có. Sau đó hai bên thống nhất giá về địa điểm Lành nói là 10.000 đồng.

Khi xe đi được khoảng 30m, Lành bảo tài xế xe ôm dừng lại. Xuống xe, Lành bảo với anh Liệu: “Bây giờ vẫn còn sớm, cháu muốn đến nhà bạn ở xã Trung Yên chơi, bác lấy bao nhiêu tất cả”. Sau một hồi cò kè ngã giá, đôi bên thống nhất là 15.000 đồng. Sau đó, anh Liệu chở Lành đi theo đường nhựa qua thị trấn Chờ, lên cao tốc, đi theo hướng Nội Bài – Bắc Ninh.

Khi còn cách cầu Chui khoảng 800m, Lành quan sát thấy hai bên là cánh đồng vắng, không có người liền rút dao ở túi quần ra kề vào cổ lái xe ôm nói: “Đỗ lại, đưa tiền đây”. Giật mình, anh Liệu vội phanh xe lại đồng thời nghiêng đầu sang bên trái, nâng vai lên kẹp dao của Lành. Thấy vậy, Lành vội giật dao về phía sau gáy anh Liệu gây thương tích ở vùng cổ bên trái.

Do phanh gấp, lại bị Lành gây thương tích, anh Liệu và xe lao xuống mương nước. Trước đó, Lành đã nhảy khỏi xe, bỏ chạy. Dù bị thương song người tài xế vẫn cố gắng bò lên đường kêu cứu. Tuy nhiên, do bị mất máu nhiều, anh Liệu đã tử vong sau đó.

Về phía Lành, sau khi rời khỏi hiện trường liền đến nhà bạn học ở gần đó. Bị bạn hỏi lý do vì sao trên tay có máu, Lành nói đánh nhau với xe ôm. Sau đó, Lành bảo chủ nhà đưa mình đến công an trình báo. Trên đường đi, bạn học của Lành được biết anh ta đã giết người nên chở tới trụ sở thôn, giao cho an ninh quản lý. Cùng ngày, Công an huyện Yên Phong đã ra lệnh bắt khẩn cấp với Tạ Xuân Lành.

Với hành vi trên, Lành bị truy tố, xét xử về hai tội danh “Cướp tài sản” và “Giết người”. Bị đưa ra xét xử, bị cáo Lành khai báo thành khẩn, ăn năn hối hận. Gia đình bị cáo cũng đã bồi thường cho gia đình bị hại. Tại tòa, gia đình người đã khuất cũng có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo nên sau khi nghị án, Tòa tuyên Lành 4 năm tù về tội “Cướp tài sản”, 20 năm tù về tội “Giết người”. Tổng hợp hai tội danh bị cáo phải chấp hành 24 năm tù.

Tương lai hứa hẹn

Sau phiên tòa sơ thẩm, Lành không kháng cáo. Trung tuần tháng 4/2006, Lành được đưa tới Trại giam Vĩnh Quang trả giá cho sai lầm của mình. Ở đây, Lành được phân vào đội bếp của phân trại số 1. Công việc bếp núc hàng ngày trong trại giam khiến “cậu ấm” năm nào ngày một trưởng thành và suy nghĩ chín chắn hơn. Nhờ tích cực cải tạo, Lành được giảm án khá nhiều. Tính đến nay, phạm nhân này đã 5 lần được giảm án với mức giảm từ 6 tháng đến 22 tháng.

Gặp Lành vào đầu tháng 8, phạm nhân này bắt đầu câu chuyện với nụ cười luôn thường trực trên gương mặt rạng ngời hạnh phúc. Hỏi Lành, sao cậu vui thế, phạm nhân này chia sẻ: “Em sắp được về rồi nên vui lắm”. Rồi Lành kể, trong lúc cậu ngồi tù, ở nhà, bố mẹ “nhắm” cho Lành một cô vợ rất xinh, sinh năm 2000. “Bố mẹ em nói cô ấy rất xinh, ở cùng làng. Cô ấy vừa thi trượt đại học”, Lành tâm sự.

Tiếp lời, Lành kể gia đình cô gái này có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi bố mất sớm, mẹ bệnh nặng. Gia đình Lành đã cho gia đình cô gái mượn tiền để chữa bệnh cho mẹ. Thấy cô gái ngoan, hiền, bố mẹ Lành đã “nhắm” cô cho cậu quý tử đang ở tù. Có lẽ hiểu và cảm thông cho người đàn ông mắc sai lầm khi tuổi đời còn quá trẻ, cô gái đã đem lòng yêu mến, đồng ý làm người “nâng khăn sửa túi” cho Lành.

Sau đó, cô gái cùng với cha mẹ Lành lên thăm, động viên cậu ta. Ấn tượng của Lành về cô gái rất tốt, vừa xinh đẹp, lại dịu dàng. Anh ta cảm thấy mình quá may mắn khi cuối con đường tối lại tìm thấy ánh dương. Hỏi Lành có ưng cô gái mà bố mẹ đã “chọn” cho mình không, phạm nhân này vừa cười vừa đáp: “Em thì làm gì có lựa chọn. Có được người đồng ý lấy mình trong hoàn cảnh này là phấn khởi lắm rồi chị ạ”.

Trước đó, Lành cũng từng có tình cảm học sinh với một cô bạn học. Ở trong trại, được tin cô gái đó đi lấy chồng, Lành không cảm thấy đau đớn, chán nản khi thất tình mà cậu nghĩ về gia đình nhiều hơn. 13 năm ở trong trại giam, Lành đã hiểu điều gì đối với mình là quan trọng nhất, đó chính là gia đình.

Nhìn lại quãng đường đã đi qua, điều đọng lại duy nhất đối với Lành là sự hối hận. Nhìn về tương lai phía trước, Lành có quá nhiều hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp, được trở thành một người có ích, viết tiếp những trang đẹp đẽ về cuộc đời mình.

Theo Hồng Mây

Pháp luật Việt Nam