1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

TPHCM

Mất cả tỷ đồng vì tin lời hù dọa “liên quan đến đường dây rửa tiền”

(Dân trí) - Bị các đối tượng lừa đảo gọi điện thông báo liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, nhiều người dân thiếu hiểu biết đã làm theo hướng dẫn của bọn chúng dẫn đến bị chiếm đoạt tiền tỉ.

Mất tiền tỉ vì bị doạ liên quan đến vụ án... ma túy, rửa tiền

Khoảng 14h ngày 13/4, anh Nguyễn P.Đ. (ngụ quận Thủ Đức) nhận điện thoại từ mạng xã hội Zalo của người tự xưng là Dương Minh Hùng đang công tác tại Công an Đà Nẵng. Hùng nói anh Đ. có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền. 

Mất cả tỷ đồng vì tin lời hù dọa “liên quan đến đường dây rửa tiền” - 1
Các đối tượng lừa đảo làm giả "Lệnh tạm giam" để đe doạ, chiếm đoạt tài sản của những người dân nhẹ dạ, cả tin. Ảnh Trung Kiên

Đối tượng này yêu cầu anh Đ. mua 1 sim điện thoại, đăng kí thông tin cá nhân rồi dùng sim này đăng kí tài khoản Internet banking, đồng thời cung cấp cho Hùng số điện thoại mới (0767637301) cùng với số tài khoản.

Sáng ngày 14/4, anh Đ. đến ngân hàng sử dụng Internet banking chuyển số tiền hơn 1,9 tỉ đồng cho Hùng. Sau khi chuyển tiền, anh Đ. biết mình bị lừa nên đến cơ quan công an trình báo.

Tương tự, trưa ngày 15/4, chị Lê Thị H.L. (ngụ quận 9) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 8820236818113 tự xưng là Trần Thị Quế Anh đang làm việc tại Công an Đà Nẵng. Người này nói chị L. có liên quan đến một vụ án rửa tiền, đồng thời yêu cầu nạn nhân đến ngân hàng tạo tài khoản trực tuyến và chuyển hết tiền mặt vào để Công an Đà Nẵng kiểm tra số tiền trên.

Đến 15h cùng ngày, chị L. đến ngân hàng tạo tài khoản trực tuyến và chuyển vào gần 500 triệu đồng. Sáng ngày 16/4, chị L. tiếp tục đến ngân hàng để được hướng dẫn đổi mật khẩu tài khoản và mã chuyển tiền OTP.

Tối cùng ngày, chị L. ngồi tại nhà đăng nhập tài khoản trên điện thoại rồi chụp màn hình tài khoản, mật khẩu, mã OTP gửi cho người phụ nữ tên Quế Anh. Nghĩ mình bị lừa, chiều ngày 17/4, chị L. đến ngân hàng kiểm tra và số tiền gần 500 triệu đồng của chị đã bị chuyển trực tuyến qua một tài khoản khác vào ngày 16/4. 

900.000USD từ thiện và gói bưu phẩm vô hình

Ngày 16/4, chị Nguyễn Thị B.Q. (ngụ quận Thủ Đức) có kết bạn và trò chuyện với tài khoản Zalo tên “Sam Annie” – tự xưng là công dân nước Úc. Người này nói muốn làm từ thiện tại Việt Nam với số tiền 900.000USD nhưng do đang bệnh nặng nên nhờ chị nhận số tiền trên để trao cho các quỹ từ thiện.

Đến ngày 20/4, có người gọi điện tự xưng là nhân viên hải quan nói có 1 gói hàng gửi từ nước Úc về và yêu cầu chị Q. chuyển 18 triệu đồng vào tài khoản 10797397 mang tên Huynh Le Tan Duc để thông quan.

Tưởng là thật, chị Q. làm theo. Đến 12h50 cùng ngày, chị Q. tiếp tục nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên hải quan yêu cầu gửi 106 triệu đồng để đóng phí phạt. Nghi ngờ bị lừa, chị Q. trình báo công an. 

Mất cả tỷ đồng vì tin lời hù dọa “liên quan đến đường dây rửa tiền” - 2
Công an quận Thủ Đức cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm

Một trong các thủ đoạn mà đối tượng lừa đảo sử dụng là gọi điện cho các nạn nhân thông báo có bưu phẩm từ nước ngoài về, rồi hướng dẫn nạn nhân làm theo để nhận nhưng thực chất là chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, ngày 17/4, chị Trần Thị M.H. (ngụ quận Thủ Đức) nhận được cuộc gọi điện thoại từ số máy 80021340894 cho biết chị đang có một bưu phẩm chưa nhận, nhấn phím 9 sẽ có người hướng dẫn.

Khi bấm phím số 9, người đàn ông nói chị H. có đăng kí 1 thẻ tín dụng tại Đà Nẵng có số nợ 49 triệu đồng. Chị H. trả lời không có mở thẻ và không có nợ thẻ tín dụng nào, người đàn ông nói để nối máy cho chị gặp công an.

Sau đó, có một người tự xưng là thiếu uý Nguyễn Tuấn Anh đang công tác tại Đà Nẵng. Để làm tin, người này nói chị H. kết bạn Zalo và gửi thẻ ngành, hình ảnh công an cho chị xem rồi sau đó thu hồi tin nhắn.

Người đàn ông này yêu cầu chị H. cung cấp giấy chứng minh nhân dân rồi nói chị có liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy của Nguyễn Minh Long và Phạm Minh Thư với số tiền 2,8 tỉ đồng nên đề nghị phối hợp điều tra.

Tiếp đến, đối tượng gửi cho chị H. một đường link rồi yêu cầu chị tải app, cập nhật tất cả các thông tin về các số tài khoản, tên đăng nhập và password vào app. Sau khi làm xong các bước, người đàn ông yêu cầu chị xoá tất cả các tin nhắn kể cả tin nhắn từ ngân hàng, không cho người thân, bạn bè biết và phải 12 tiếng sau mới đăng nhập.

Khoảng 17h30 cùng ngày, nghi mình bị lừa chị H. mở app ra coi thì phát hiện bị mất khoảng 100 triệu đồng.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, các đối tượng lừa đảo qua mạng, qua điện thoại hiện nay rất tinh vi, xảo quyệt, phương thức thủ đoạn của bọn chúng luôn luôn đổi mới. Công an khuyến cáo người dân không cho mượn thẻ ngân hàng, giấy tờ tuỳ thân, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng; không kí khống các giấy tờ thiếu nội dung, giấy uỷ quyền chưa ghi thông tin người được uỷ quyền.

Ngoài ra, người dân không nên truy cập các trang web, đường link không rõ nguồn gốc, tiết lộ tên đăng nhập, mật khẩu ebank, mã OTP của ngân hàng và chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại dù bất kì tình huống nào.

“Khi phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn phạm tội, phải báo ngay cho Công an phường gần nhất hoặc Công an quận Thủ Đức qua số điện thoại 028.389.720.25 để phối hợp xử lý", Công an quận Thủ Đức khuyến cáo. 

Hoàng Thuận