1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Mắc tội lừa đảo 35 tỷ đồng vì giấu ông chủ lướt sóng vàng

Được vợ chồng chủ tiệm vàng tin tưởng, Hùng tìm cách lướt sóng vàng để ăn chênh lệch. Tính chuyện giàu nhanh, anh ta nhận đơn hàng của khách với mỗi lần giao dịch lên tới hàng nghìn cây vàng.

Đang lúc vàng phi nước đại lên dốc, Hùng càng ham gỡ nhưng càng gỡ càng thua đau. Kết quả là chỉ trong có mấy tháng, Hùng làm chủ tiệm thiệt hại hơn 35 tỷ đồng và với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Hùng bị kết án chung thân, thi hành cải tạo ở trại giam Suối Hai.

Càng thua lỗ càng mất phương hướng

Phạm nhân Lương Mạnh Hùng.

Phạm nhân Lương Mạnh Hùng.

Khéo, là điều ai cũng nhìn thấy ở phạm nhân Lương Mạnh Hùng, sinh năm 1980, quê ở Yên Bình, Yên Bái. Không chỉ có giọng nói nhẹ nhàng, Hùng còn có gương mặt khá đàn ông với hàng râu quai nón tuy đã được cạo kỹ song vẫn để lại những vệt xanh mờ trên gương mặt. Đôi mắt nhìn thẳng như thuyết phục người nghe, Hùng kể về tội lỗi của mình như thể đó là một sai lầm mà ai cũng có thể vấp phải.

Là con út, nhà ở vùng cao nhưng Hùng nuôi chí làm giàu nơi đất kinh kỳ. Chính vì mộng lớn ấy nên sau khi xin cha mẹ về Hà Nội học nghề chế tác vàng, Hùng không quay về quê nhà, mảnh đất có nhiều đá đỏ, đá quý để hành nghề mà bám trụ lại ở Hà Nội, kiếm sống bằng việc bán hàng thuê cho các tiệm vàng.

Nói năng nhẹ nhàng, có duyên lại biết chiều lòng khách nên dù bán hàng ở đâu, tiệm vàng lớn hay nhỏ, Hùng cũng chiếm được cảm tình của cả khách tới mua hàng và người thuê anh ta. Tuổi đời còn rất trẻ, tuổi đứng quầy bán vàng cũng chỉ vài năm song kinh nghiệm về nắm bắt tâm lý, thị hiếu của khách hàng và quy luật lên, xuống của vàng thì Hùng nắm rất vững.

Chính vì thế mà rất nhiều chủ tiệm vàng ở đất Hà thành biết tên Hùng, tìm cách đưa anh ta về làm thuê cho mình. Có lẽ cũng vì được nhiều người tin tưởng, thuê với đồng lương cao đã tạo cho anh ta một sự tự tin hiếm thấy ở những người làm thuê. Niềm tin ấy đã đẩy anh ta tới chỗ chủ quan để rồi vướng vào một bước ngoặt không lối thoát. Bước ngoặt của lòng tham và tính khôn lỏi.

Đầu năm 2009, ông Trần Anh Quyết thành lập doanh nghiệp vàng Kim Ngọc và khoảng một tháng sau thì Hùng chính thức trở thành nhân viên bán hàng cho hiệu vàng Kim Ngọc. Từng làm ăn với nhau trước đó một thời gian rồi nên ông Quyết rất tin Hùng, giao cho anh ta quyền điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh mua bán vàng của doanh nghiệp.

Hàng ngày, Hùng quyết toán với bà Thúy, vợ ông Quyết để bà Thúy tính lỗ lãi và quản lý toàn bộ tiền, vàng. Lợi dụng lòng tin và sự quản lý lỏng lẻo của vợ chồng ông Quyết, Hùng tính kế “mượn gỗ làm thuyền” để tư lợi cho bản thân. Vì là một doanh nghiệp vàng lớn ở Hà Nội, có nhiều giao dịch với khách hàng là các tiệm vàng lớn nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh khác nên nhiều đơn hàng của Kim Ngọc có số lượng giao dịch lên đến hàng ngàn lượng vàng, thậm chí tính bằng kg.

Tin vào kinh nghiệm bán hàng của mình, tin rằng mình nắm được quy luật lên, xuống của vàng, Hùng  tiến hành nhiều giao dịch “nghéo” vàng với tư cách cá nhân, không vào sổ sách, không báo cho ông Quyết biết nhằm mục đích kiếm lời. Thắng thì Hùng hưởng mà thua thì anh ta lấy tiền của doanh nghiệp trả.

“Tôi bắt đầu mất phương hướng và rơi vào sốc nặng khi lần đầu tham gia nghéo bán 3.000 lượng vàng cho doanh nghiệp vàng Anh Tùng. Chỉ có nửa ngày thôi mà tôi làm thua lỗ 16 tỷ đồng”, Hùng khẽ khàng nhớ lại.

Vì tự tin vào kinh nghiệm của bản thân, trải qua nhiều lần nghéo vàng với các doanh nghiệp nhưng với số lượng vài chục cây, Hùng đều thắng nên anh ta quyết làm ăn lớn. Hùng bảo nhớ nhất là hôm đó, khoảng tháng 6-2010, Hùng nghéo vàng với chủ doanh nghiệp vàng Anh Tùng với thỏa thuận Hùng bán cho Anh Tùng 3.000 cây vàng với giá 29 triệu đồng/cây.

Đúng thời điểm đó giá vàng trên thế giới chao đảo, trong nước giá vàng tăng chóng mặt. Đến ngày thanh toán, Hùng phải bù lỗ 5 triệu đồng/ cây vàng và với đơn hàng 3.000 lượng trên, trong chốc lát, Hùng làm doanh nghiệp Kim Ngọc thua lỗ 16 tỷ đồng.

Choáng váng, mất phương hướng lại lo sợ bị ông chủ phát hiện, Hùng tìm cách trí trá. Anh ta cân đối sổ sách, ghi khống số tiền thua lỗ vào mục “khách nợ cửa hàng” vào sổ quyết toán. Thấy vợ chồng ông Quyết đã không phát hiện ra việc làm trên của mình, Hùng tiếp tục “đi đêm” những giao dịch mua bán số lượng hàng lớn hơn với các doanh nghiệp, thế nhưng càng cố gỡ gạc, Hùng càng lún sâu vào tình trạng thua lỗ.

Có đơn hàng, chỉ sau 3 lần giao dịch, Hùng phải trả chênh lệch giá cho khách tới 20 tỷ đồng như việc Hùng nghéo vàng với Trần Như My, giám đốc tập đoàn Doji- Hà Nội. Chị My đặt mua của Hùng 3.200 cây vàng với giá thời điểm đó là 30 triệu đồng/ cây. Hùng nhận lời nhưng giá vàng mỗi ngày một tăng.

Vừa muốn mượn vốn của chị My, vừa cũng là để giãn nợ hòng đợi giá vàng xuống mới thanh toán, Hùng khéo léo khất nợ người phụ nữ này nhưng giá vàng như con ngựa mất cương, cứ thế phi mã. Sau 4 tháng tìm cách khất nợ không có kết quả khả quan, tới ngày 9-12-2010, số tiền mà Hùng phải trả cho chị My chênh lệch giá lên đến 20 tỷ đồng.

Chỉ trong vòng 4 tháng, số tiền mà Hùng thâm thụt là hơn 35 tỷ đồng. Hoang mang sợ hãi vì mất phương hướng, Hùng bỏ trốn về quê bố ở Thái Bình đến khi biết mình có lệnh truy nã liền ra đầu thú.

Thương vợ con và thương cả ông bà chủ
 
Phạm nhân Lương Mạnh Hùng.


“Mang tiếng là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng em có mang được gì về cho gia đình đâu. Thời gian đầu làm ăn cò con, mỗi đơn hàng kiếm vài triệu thế nhưng khi tư túi được tiền trăm thì em say quá mà hỏng cả. Chỉ tội cho vợ con em, vì chuyện của em mà giờ một mái nhà trú nắng, che mưa cũng không có”, Hùng kể, giọng bùi ngùi.

Quen nhau khi cùng học chế tác vàng tại một cơ sở, tình yêu đôi lứa đã đến với Hùng và cô gái ngoại thành. Họ trở thành vợ chồng. Hùng đi bán hàng thuê, còn vợ anh ta về bán hàng cho bác ruột nên thu nhập khá ổn định. Do biết cách luồn lách trong việc bán hàng nên Hùng kiếm được kha khá và chỉ vài năm sau khi lập gia đình, Hùng đã tậu được một căn nhà nhỏ ở bãi Phúc Xá.

Từ ngày có nhà, Hùng lại càng quyết tâm làm giàu hơn, ước mơ đổi căn nhà ngoài bãi ấy thành một cơ ngơi trong nội thành, có mặt tiền để kinh doanh buôn bán. Chính vì thế nên khi được chủ doanh nghiệp vàng Kim Ngọc gọi ra làm việc, Hùng đã tính chuyện cùng hùn vốn làm ăn với lợi nhuận ăn chia phần trăm là 49/51, trong đó Hùng được hưởng 49% lợi tức từ việc kinh doanh.

Điều mà Hùng không ngờ là những kinh nghiệm thương trường mà anh ta tích lũy lâu năm lại chẳng thể áp dụng được khi thị trường cả thế giới gần như chao đảo vì vàng. Sau khi ra đầu thú, Hùng đã vận động vợ con bán tất cả gia sản có được, bồi thường cho chủ nợ gần 7 tỷ đồng. Tính ra số tiền Hùng còn nợ doanh nghiệp Kim Ngọc là hơn 28 tỷ đồng.

“Cả đời này có làm em cũng chẳng trả nổi số nợ ấy”, Hùng thở dài. Khoác bản án chung thân, Hùng bảo bản thân chẳng oán giận ai, chỉ nghĩ thương vợ con ở nhà. Từ ngày bán căn nhà trả nợ cho chồng, ba mẹ con chị Nhung, vợ Hùng phải đi thuê nhà ở. Thương cháu gái tội nghiệp, người bác đã cho 3 mẹ con Nhung ở nhờ, tuy đỡ mất một khoản tiền thuê nhà song cuộc sống của vợ con Hùng vẫn còn chật vật lắm.

Hùng bảo nhiều lúc thương vợ tới đắng lòng mà chẳng biết làm sao được. Hai đứa con đều đến tuổi đi học, tốn kém trong khi thu nhập của vợ lại có hạn, anh em nhà chồng lại ở xa nên không đỡ đần gì được. Thế nên mặc dù rất nhớ vợ con nhưng mỗi lần vợ bồng con lên thăm, Hùng lại bảo lên ít thôi, không phải gửi tiền lưu ký vì anh ta không dùng tới, để dành tiền để nuôi dạy các con. Hùng bảo thỉnh thoảng vợ chồng mới gặp nhau nhưng lần nào nhìn thấy vợ, anh ta cũng khóc.

Hùng còn bảo không giận vợ chồng ông chủ doanh nghiệp vàng Kim Ngọc vì đã tố cáo mình mà thấy thương họ nhiều hơn bởi “vì mình làm ẩu khiến họ sạt nghiệp”. Áy náy vì việc mình đã gây ra nên trong thời gian chờ hầu tòa, Hùng đã thuyết phục vợ bán căn nhà đang ở để trả nợ. Theo lời Hùng thì căn nhà đó là của hồi môn của vợ, anh ta chỉ góp một phần nhỏ làm cho nó khang trang và rộng rãi hơn thôi.

Rồi Hùng lại nghĩ tới mẹ già đang sống ở Yên Bái. Biết mẹ mắc bệnh cao huyết áp nên Hùng đã năn nỉ các anh chị cố gắng giấu hộ chuyện anh ta đi tù. Thế nên 3 năm liền không thấy Hùng về thăm nhà, bà mẹ nghèo ở quê vẫn yên trí rằng con trai đang đi học ở nước ngoài như lời anh chị nó nói. Bà đâu biết với bản án chung thân, khó có cơ hội Hùng về quê thăm mẹ.

“Vì làm giàu mà em đánh đổi cả gia đình. Em ân hận lắm. Nghĩ có lỗi với vợ con, có tội với mẹ già nhưng đã dấn thân vào rồi thì đâu còn sự lựa chọn nào khác, đành phải đâm theo lao thôi”, Hùng tâm sự.

Thấy tôi nhìn mái tóc bạc trắng từng vạt của anh ta, Hùng giải thích: “Tại em nghĩ nhiều quá. Đêm nào cũng nghĩ, cũng trăn trở và nuối tiếc, em không chỉ bạc tóc mà còn mắc thêm bệnh đau tim nữa”.

Tôi định hỏi Hùng về những ngày sắp tới song chợt nhớ rằng anh ta mới thi hành án được 3 năm, quãng thời gian rất ngắn trên cả một chặng đường dài hun hút không hẹn ngày về. Không hiểu Hùng nghĩ gì về quãng thời gian sau này của cuộc đời mình hay là đầu óc nhạy bén của một người có thời gian va vấp thương trường đã hoạch định một tương lai cho mình, cho gia đình mình, đang cố che giấu dưới những lời nói nhẹ nhàng mà tôi không nhận ra

Theo Mai Hạ
Cảnh sát toàn cầu