Lừa người già đi hội thảo, "bà cứ mua đi không ai lấy tiền của bà đâu"
(Dân trí) - Chiêu trò dự hội thảo được tặng quà, bán hàng khuyến mãi, giảm giá, hay quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe để trục lợi... không mới nhưng vẫn có nhiều người "sập bẫy".
Công an tỉnh Hưng Yên cho biết, trong tháng 3, tại chợ Xuôi, xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) có một nhóm người lạ mặt dựng rạp bán đồ gia dụng với hình thức mua hàng - tặng quà với giá thành cao gấp 5-7 lần giá thực tế.
Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, người dân không hề nhận được quà tặng như đã hứa. Không chỉ vậy, đã có 12 hộ dân trao tiền nhưng không nhận lại được sản phẩm, tổng thiệt hại lên tới gần 50 triệu đồng.
Theo chia sẻ của bà V.T.Y. - người dân thôn Thụy Lôi, một trong số 12 hộ dân trên cho biết: "Họ nói với chúng tôi cứ mua đi xong họ lại trả tiền, đây là hàng quảng cáo chứ không ai lấy tiền của các bà đâu. Thế là người thì mua nồi cơm điện giá 600.000 đồng, người thì mua cái bếp hồng ngoại giá hơn 4 triệu đồng. Đến cuối buổi thì họ bảo chúng tôi ngồi yên tại chỗ để ra xe lấy các phần quà còn thiếu, trong lúc chúng tôi không để ý thì họ lên xe đi mất…".
Cũng theo Công an tỉnh Hưng Yên, tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên), đã xuất hiện tình trạng thổi phồng công dụng của các thực phẩm chức năng gắn mác nước ngoài để bán cho người cao tuổi.
Với niềm tin sẽ chữa khỏi bách bệnh, lại còn được giảm giá, tặng quà khi "đi họp", có hàng nghìn lượt người đến mua các loại thực phẩm bổ sung như sâm nhung, hắc sâm, sâm lát… với mức giá lên đến hàng triệu đồng.
UBND xã Mễ Sở đã tuyên truyền, thông báo cho người dân trên địa bàn không tụ tập đông người, khi người dân mắc bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, không nên mua các thực phẩm chức năng tự điều trị để tránh "tiền mất tật mang". Đồng thời, nếu có nhu cầu mua thực phẩm chức năng thì người dân cũng cần tìm hiểu kỹ về giá thành cũng như công dụng của sản phẩm.
Không chỉ ở Tiên Lữ, Văn Giang, mà còn có nhiều người tại các vùng quê trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng này thường nhắm tới nhóm người già, phụ nữ với những thủ đoạn mặc dù không mới, nhưng lại đánh vào lòng tham của con người, bởi vậy vẫn nhiều người bị sập bẫy.
Theo Thượng úy Đào Bảo Long - Đội trưởng đội phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm theo tuyến, địa bàn - Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên (PC02), để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hành vi này, PC02 đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương, các đơn vị chức năng tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phương thức thủ đoạn lừa đảo.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều bài học đắt giá, nhưng vẫn còn nhiều người sập bẫy trước những chiêu trò, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng, nhất là chính quyền cơ sở cần tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát các hoạt động của công ty, doanh nghiệp về địa phương tổ chức hội thảo, quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
Lực lượng công an cần tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nhất là tại hội thảo giới thiệu sản phẩm ở vùng nông thôn.
Tuyên truyền rộng rãi về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu cho quần chúng nhân dân.
Ngoài ra, mỗi một người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu hoạt động phi pháp.