1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Lừa chạy trường, chạy ngành, nguyên thiếu tá công an vào tù

(Dân trí) - Nguyễn Đại Hiền cho rằng trong vụ việc này cơ quan chức năng đã bỏ lọt tội phạm đối với Trần Thị Phương Chi. Tuy nhiên, các lập luận mà Hiền đưa ra không thuyết phục được HĐXX cấp cao.

Ngày 19/10, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự xét xử phúc thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với nguyên Thiếu tá công an Nguyễn Đại Hiền (SN 1977, trú tại TP. Vinh, Nghệ An).

Kết quả điều tra cho thấy, là thiếu tá công an, từ năm 2014 đến tháng 4/2016, Nguyễn Đại Hiền đã nhận hơn 3,2 tỷ đồng của 7 gia đình để “chạy” trường, "chạy" vào ngành công an cho 7 cá nhân. Số tiền mà Hiền nhận từ các nạn nhân là từ 200 đến 600 triệu tùy vị trí tuyển dụng của ngành công an hoặc chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công an.

Nguyên thiếu tá công an Nguyễn Đại Hiền được giảm 1 năm tù so với bản án sơ thẩm.
Nguyên thiếu tá công an Nguyễn Đại Hiền được giảm 1 năm tù so với bản án sơ thẩm.

Đợi mãi không thấy kết quả, người dân hối thúc thì được Hiền cung cấp một số giấy tờ (photo) của lãnh đạo công an các cấp về việc tuyển dụng vào trường và các đơn vị công an. Tuy nhiên, sau đó các cá nhân đều không đạt được mục đích ban đầu.

Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Nguyễn Đại Hiền bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 15 năm tù. Cho rằng bản án này đối với bản thân là xứng đáng nhưng Hiền vẫn có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm hình sự của bà Trần Thị Phương Chi (SN 1979, trú tại TP.Vinh) trong vụ án. Một số bị hại cũng có đơn kháng cáo đề nghị xem xét, xử lý bà Trần Thị Phương Chi với tư cách là đồng phạm trong vụ án.

Hiền khẳng định Phương Chi chính là người đã khơi mào toàn bộ sự việc. Chính người phụ nữ này đã đưa ra mức giá cụ thể đối với từng ngành học hoặc đơn vị công an. Từ thông tin Trần Thị Phương Chi đưa ra, Hiền thông báo với những người có nhu cầu và thu tiền, hồ sơ của họ giao cho Chi.

Bị cáo cũng khẳng định toàn bộ giấy tờ photo của lãnh đạo công an các đơn vị cũng như giấy khám sức khỏe của Bệnh viện công an tỉnh Nghệ An mà Hiền đưa cho bị hại là do Trần Thị Phương Chi đưa cho Hiền. Hiền không biết đây là giấy tờ giả mạo.

“Sau khi sự việc vỡ lở, bà Chi đã đến gặp bị cáo tại nhà chị H. (nạn nhân trong vụ án). Bà Chi hứa sẽ thay bị cáo trả số tiền đã nhận nhưng sau đó không trả được. Nếu bà Chi không liên quan tại sao phải thay bị cáo trả nợ cho các nạn nhân?”, Nguyễn Đại Hiền nói.

Bị cáo Hiền cho rằng trong vụ việc này chính bị cáo cũng bị bà Chi lừa. Theo bị cáo Hiền, khi sự việc bị phát giác, Phương Chi chỉ hoàn trả cho Hiền hơn 500 triệu đồng nhưng sau đó ngụy tạo 2 giấy biên nhận giả thể hiện đã trả lại toàn bộ số tiền nhận từ bị cáo này.

Nguyễn Đại Hiền đề nghị HĐXX cấp cao xem xét trách nhiệm của bà Trần Thị Phương Chi, tránh bỏ lọt tội phạm.

HĐXX nhận định giữa bị cáo Hiền và bà Phương Chi có giao dịch với nhau trong việc nhận hồ sơ, tiền xin việc. Tuy nhiên các tài liệu thu thập được không thể hiện rõ ràng việc chuyển tiền, hồ sơ của từng bị hại trong thời gian nào, thời gian nào trả. Có tài liệu thể hiện khi không thực hiện được công việc thì bà Chi đã trả lại tiền cho Hiền trước khi vụ án được xét xử.

TAND tỉnh Nghệ An cũng đã từng trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Trần Thị Phương Chi trong vụ án nhưng Viện KSND tỉnh Nghệ An có văn bản trả lời không căn cứ để điều tra làm rõ hành vi đồng phạm của người phụ nữ này.

Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết gì mới do đó không có cơ sở chấp nhận nội dung kháng cáo của bị cáo và các bị hại về việc xem xét trách nhiệm hình sự của bà Trần Thị Phương Chi trong vụ án.

Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chưa xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ đối với Nguyễn Đại Hiền. Do vậy, HĐXX chấp nhận một phần nội dung kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Đại Hiền 14 năm tù, thấp hơn cấp sơ thẩm 1 năm tù.

Hoàng Lam