Lo ngại CSGT hóa trang
Giấy tờ có thể làm giả được, đêm tối nhập nhoạng khó có thể biết ai là CSGT hóa trang, ai là kẻ cướp giả dạng khi bất ngờ có người xưng là công an, yêu cầu dừng xe kiểm tra vì nghi có biểu hiện vi phạm
Như Báo Người Lao Động ngày 14-11 đưa tin, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 65/2012 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ (có hiệu lực từ ngày 22-12, thay thế Thông tư 27/2009). Trong đó, cho phép thành lập, bố trí lực lượng CSGT hóa trang (mặc thường phục) trong quá trình kết hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai (mặc sắc phục) có thể ngăn chặn ngay hành vi vi phạm trong địa bàn được phân công. Điều này đã dấy lên nhiều lo ngại.Được phép chặn xe
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an) cho biết lực lượng mặc thường phục sẽ có nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi địa bàn được phân công. Khi phát hiện hành vi vi phạm, phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ phận CSGT hóa trang và công khai phải giữ một khoảng cách thích hợp để luôn có sự phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời. Lực lượng CSGT hóa trang có thể trực tiếp ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm nhưng phải sử dụng giấy tờ chứng minh là công an nhân dân để thông báo cho người vi phạm biết về việc thực hiện nhiệm vụ; đồng thời thông báo về hành vi vi phạm, yêu cầu người vi phạm về trụ sở đơn vị giải quyết hoặc thông báo cho lực lượng tuần tra công khai đến tiếp nhận, xử lý.
Theo vị lãnh đạo Tổng cục VII, việc CSGT dừng phương tiện chỉ được thực hiện trong những trường hợp cần thiết và phải bảo đảm an toàn, không làm cản trở đến hoạt động giao thông. Khi dừng phương tiện phải bảo đảm kiểm soát; nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), cũng cho biết chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết CSGT hóa trang mới được phép dừng xe để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ông Tuyên cũng nhìn nhận mức độ, biểu hiện vi phạm tới đâu thì dừng xe tùy thuộc vào nhận định thực tế khi làm nhiệm vụ của từng chiến sĩ.
Qua Thông tư 65, Bộ Công an cũng nghiêm cấm việc lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang trái pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Hiện Bộ Công an đang triển khai tập huấn thực hiện Thông tư 65 trên cả nước. Sợ cướp giả dạng
Lãnh đạo Tổng cục VII khẳng định quy trình thực hiện rất nghiêm và chặt chẽ, ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị kỷ luật. Việc chặn xe, ngăn chặn ngay các vi phạm trong lĩnh vực giao thông chỉ áp dụng nếu thấy rằng nếu không ngăn chặn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân…
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng Bộ Công an cần phải xem lại việc áp dụng biện pháp hóa trang kết hợp công khai này. Bởi theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, việc xử lý vi phạm phải trên nguyên tắc công khai, minh bạch. Hơn nữa, việc ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc trách nhiệm của lực lượng khác, không phải CSGT.
CSGT được đào tạo chuyên sâu về luật giao thông, xử lý vi phạm, phân luồng…, không phải nghiệp vụ trấn áp ngay hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu gặp những đối tượng manh động có thể chính họ sẽ bị nguy hiểm. Mặt khác, trong những tình huống phát hiện người điều khiển phương tiện có biểu hiện vi phạm giao thông nghiêm trọng như tổ chức đua xe, cất giấu hung khí trong xe…, CSGT không nên ra tay ngăn chặn ngay mà nên tổ chức phối hợp vây ráp thì mới đạt hiệu quả cao.Cũng theo ông Hậu, trong thời gian thực hiện quy định CSGT hóa trang kết hợp công khai đã dấy lên không ít dư luận, sự việc từ thực tế khiến người dân băn khoăn. Giấy tờ có thể làm giả được, đêm tối nhập nhoạng làm sao biết ai là CSGT hóa trang, ai là kẻ cướp giả dạng khi bất ngờ có người xưng là công an, yêu cầu dừng xe kiểm tra vì nghi có biểu hiện vi phạm?
“Bộ Công an nên nghiên cứu, áp dụng mô hình “liên quân” 141 mà Hà Nội đang làm thay vì quy định hóa trang kết hợp công khai gây nhiều tranh cãi này” - ông Hậu nói.
Theo Thông tư 65, trong trường hợp không phát hiện vi phạm hành chính, lực lượng CSGT cũng phải thông báo và nói: “Cảm ơn ông/bà/anh/chị đã giúp đỡ lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ”. |