Hà Tĩnh:
Lỡ làm cháy rừng, mang "án trọng", cậu học trò nghèo kêu cứu
(Dân trí) – Khi đang tất tưởi chuẩn bị cho một năm học mới thì một tai họa giáng xuống, Hoàng Văn Vững bị kết án hơn 5 năm tù giam vì đã làm cháy 6ha rừng. Bản án khắc nghiệt đã khiến giấc mơ của cậu học sinh ngoan hiền tan theo mây khói…
Gia đình ông Hoàng Ngọc Trà (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - bố em Vững đang phải đi gõ cửa từng cơ quan chức năng, gửi đơn đến báo Dân trí để cầu cứu cho con vì cho rằng bản kết luận của cơ quan điều tra chưa đủ thuyết phục…
Buổi trưa oan nghiệt
Ông Hoàng Ngọc Trà kể trong nghẹn ngào, ngày 18/7/2012, sau khi thi đậu trường Trung cấp nông nghiệp Hà Tĩnh, Vững mang một con khướu cùng dụng cụ lên núi bẫy chim bán kiếm tiền để sắm sửa, chuẩn bị bước vào quãng đời sinh viên. Đến buổi trưa, Vững bẫy được một số chim và nhóm lửa định nướng ăn. Khi đang nướng giữa chừng thì Vững nghe tiếng chim khướu hót tại nơi đặt bẫy nên xuống dưới kiểm tra. Lúc này trời nắng nóng, Vững ngồi nghỉ trong bụi cây tại đó và… ngủ quên.
Chừng 20 phút sau, Vững thấy nóng và nghe tiếng cây bị cháy nổ lốp bốp. Tỉnh dậy, Vững thấy lửa đã cháy lan từ nơi nướng chim ra khu vực rừng xung quanh. Vững vội dùng dao chặt cành cây để dập lửa nhưng đám cháy đã lan rộng, không thể dập được. Lo sợ bị phát hiện, Vững vội nhặt lồng chim bỏ chạy, vô ý làm rơi điện thoại di động ở đấy. Đến chiều, đám cháy được dập tắt. Chiếc điện thoại của Vững được một cán bộ quản lý rừng nhặt được.
Sáng hôm sau, Vững thú nhận với cả nhà việc mình đốt lửa nướng chim vô ý gây cháy rừng. Gia đình đã động viên Vững ra đầu thú. Công an huyện lập biên bản và cho về nhà, khi có lệnh triệu tập thì lên trình diện. Gia đình Vững cũng mang 12 triệu đồng nộp để góp phần khắc phục hậu quả.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng quy kết Vững đã làm cháy gần 6 ha rừng nên truy tố theo khoản 3 Điều 240 BLHS về tội vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (có mức án 7-12 năm tù). Ngày 22-10-2012, Vững bị TAND huyện Nghi Xuân tuyên xử 5 năm 6 tháng tù. Đồng thời, Vững phải bồi thường gần 70 triệu đồng cho BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh và UBND xã Cổ Đạm.
Khi tòa tuyên án, thì những người dân nơi đây đều bị sốc và thương cho Vững. Em vốn sinh ra trong gia đình có truyển thống hiếu học, bản thân ông Trà (bố Vững) là thương binh hạng 3/4.
“Kết luật điều tra chưa thuyết phục”
Tòa đã tuyên án, thế nhưng ngay từ đầu, gia đình em Vững cũng như những người dân nơi đây không đồng tình với kết luận của cơ quan điều tra. Họ đều khẳng định diện tích bị cháy chỉ khoảng 1,6ha chứ không phải 6ha như của cơ quan điều tra kết luận.
Ông Hoàng Ngọc Trà, bố em Vững cho rằng, trong vụ việc này có nhiều diện tích, nhiều cây chưa cháy tới nhưng cơ quan điều tra vẫn đo tính.
Ngay sau đó, gia đình ông Trà cùng một số người bảo vệ rừng đã tiến hành khoang vùng những diện tích bị cháy để tiến hành đo. Và kết quả, diện tích rừng bị cháy chỉ khoảng 1,6ha.
Một điều khiến người nhà em Vững cũng như người dân băn khoăn là trong quá trình đo diện tích rừng bị cháy lại không có sự có mặt của em Vững hoặc người nhà của Vững.
“Họ chỉ xác định diện tích một lần và lần đó không hề có Vững hay người nhà chúng tôi” - ông Trà thắc mắc.
Theo tìm hiểu của PV thì diện tích rừng Vững làm cháy nằm trong phần rừng được Nhà nước giao khoán cho hai hộ Phan Văn Tấn và hộ ông Tống Chí Nguyện. Và cả 2 hộ này sau khi kiểm tra, đo đạc thì diện tích bị cháy chỉ khoảng 1,6ha.
Cùng đi trong đoàn kiểm tra, ông Hồ Sỹ Quát, Trưởng BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cũng bất ngờ vì bản án quá nặng. “Diện tích rừng thì lớn mà đám cháy lại là cháy lem nên nếu đo bằng máy móc thì đôi khi sẽ không được chính xác. Còn vấn đề đo lại diện tích bị cháy ở thời điểm đó (24/1/2013) tuy khó nhưng vẫn có thể đo lại được” - ông Quát nêu quan điểm.
Vì chưa đồng tình về kết luận của cơ quan điều tra về diện tích rừng bị cháy, ngay từ phiên tòa sơ thẩm cho đến phúc thẩm (TAND tỉnh Hà Tĩnh), gia đình ông Trà đã có kháng cáo để yêu cầu kiểm tra diện tích lại một lần nữa song cả 2 lần đều không được chấp nhận.
Vững vẫn chịu mức án 5 năm 6 tháng tù giam và phải thường gần 70 triệu đồng cho BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh và UBND xã Cổ Đạm.
Cơ quan chức năng nói gì?
Để tìm hiểu cụ thể về sự việc, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Công an huyện Nghi Xuân, TAND huyện Nghi Xuân và TAND tỉnh Hà Tĩnh.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Đán, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân cho biết, lý do không thể điều tra lại diện tích là vì vụ việc xảy ra lâu rồi. “Sự việc xảy ra lâu rồi, cách đó mấy tháng gia đình mới kháng cáo về diện tích nên việc đo lại là không thể”.
Còn về thành phần tham gia đo diện tích, khi được PV hỏi tại sao không có sự có mặt của Vững hoặc gia đình Vừng thì ông Đán nói không nhớ: “Tôi không nhớ là có gia đình ông Trà hay không vì xảy ra lâu quá rồi. Giờ mọi hồ sơ đã chuyển qua bên tòa hết rồi như vậy là bản điều tra của công an đã được chấp nhận rồi”.
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Giải quyết khiếu nại, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Hiện gia đình đã có đơn kháng cáo ra TAND tối cáo nên toàn bộ hồ sơ đã được chuyển ra ngoài TAND tối cao. Hiện chúng tôi không đủ thẩm quyền để can thiệp, xem xét vào bản án”.
Tuy nhiên khi được PV hỏi lý do vì sao 2 lần bị cáo đã có kháng cáo yêu cầu kiểm tra lại diện tích thực bị cháy lại không được tòa chấp thuận thì vị này cho biết: “Khi xảy ra sự việc thì các cơ quan chức năng với các thành phần đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, đo vẽ theo nghiệp vụ và có kết luận. Còn gia đình ông Vững đo lại chỉ đo tay nên, không đảm bảo, không có giá trị pháp lý”.
“Còn khi tiến hành đo đạc không có sự có mặt của Vững hoặc gia đình Vững thì do lúc đó Vững chưa ra đầu thú. Và hơn nữa trong luật quy định không bắt buộc người phạm tội hoặc người nhà chứng kiến khi tiến hành đo, khám nghiệm hiện trường” - ông Tùng khẳng định.
Xuân Sinh – Văn Dũng