Lính hình sự đặc nhiệm kể chuyện giải cứu “con tin”
Cho đến bây giờ, nhiều người dân Thủ đô Hà Nội vẫn chưa quên vụ án giải cứu bé gái 9 tháng tuổi khỏi họng súng K59 của chính bố đẻ. Khi đó vào khoảng 21h ngày 16/6/2013, tại gia đình mẹ của đối tượng đã xảy ra vụ khống chế “con tin”.
Với tuổi đời còn khá trẻ, Thượng úy Nguyễn Quang Chất, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm – Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự an toàn xã hội Công an TP Hà Nội đã cùng với các đồng đội tham gia đấu tranh nhiều vụ án, bắt giữ nhiều đối tượng hình sự cộm cán, côn đồ hung hãn, đòi nợ thuê, sử dụng vũ khí nóng, giải cứu con tin; lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Cho đến bây giờ, nhiều người dân Thủ đô Hà Nội vẫn chưa quên vụ án giải cứu bé gái 9 tháng tuổi khỏi họng súng K59 của chính bố đẻ. Khi đó vào khoảng 21h ngày 16/6/2013, tại gia đình bà Dương Thu Hương (54 tuổi, mẹ của đối tượng Trương Tùng Bách, trú tại đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) xảy ra vụ khống chế “con tin”.
Khi bà Hương đang chơi với cháu Hà A. thì Bách về nhà, trên tay cầm một khẩu súng và đòi bế con gái lên tầng 3. Thấy con trai có biểu hiện không bình thường nên bà Hương đành đưa cháu gái cho con. Khi lên tới tầng 3, Bách đóng chặt cửa, tắt điện làm cháu Hà A. sợ quá khóc thét.
Lo lắng cho cháu gái mới 9 tháng tuổi, vợ chồng bà Hương và người thân muốn vào xem cháu thế nào nhưng Bách kiên quyết không mở cửa. Mặc dù đã hơn 30 tuổi và có gia đình riêng nhưng Bách không chịu làm ăn, mà sa vào nghiện ma túy đá.
Nhận được tin báo, Thượng úy Nguyễn Quang Chất cùng các đồng đội tức tốc nhanh chóng có mặt để phong tỏa hiện trường, tìm cách tiếp cận đối tượng và cháu bé. Thấy lực lượng Cảnh sát, Bách cố thủ bên trong và chĩa súng đe dọa, dùng chai lọ, cốc thủy tinh ném từ tầng ba, nơi hắn cố thủ xuống dưới nhà.
Bên cạnh đó do ngôi nhà chật, cầu thang nhỏ hẹp, bên trong căn phòng chừng 4-5m2 mà Bách cố thủ lại tắt đèn, kín như bưng nên rất khó cho việc tiếp cận đối tượng. Đến 16h40 ngày 17/6, sau gần 20 tiếng đồng hồ cố thủ trong phòng, Bách tay trái bế con, tay phải cầm súng xông ra ngoài hò hét, chửi bới và chĩa súng vào lực lượng Cảnh sát.
Trước tình thế đó nhiều phương án được lực lượng giải cứu “con tin” đặt ra. Thượng úy Nguyễn Quang Chất được phân công leo lên tầng thượng để đột nhập từ tum xuống. Trên dọc cầu thang rất nhỏ, khi anh nhìn thấy một mảng lưng của đối tượng, bằng một động tác võ thuật điêu luyện, anh áp sát, gạt tay đối tượng và cùng các đồng đội hạ gục, khống chế hắn giải cứu an toàn cho cháu bé.
Thượng úy Nguyễn Quang Chất (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ.
Một chiến công khác: Thượng úy Nguyễn Quang Chất cùng các đồng đội trong Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã bắt gọn đám “thủy tặc” do tên Báu “Cửu” cầm đầu vào năm 2008. Khi đó vào mùa khô nước xuống thấp, lòng sông Hồng để lộ cồn bãi và nhiều chướng ngại vật đe dọa an toàn đường thủy nội địa. Trong khi đó xuất hiện nhiều tàu thuyền có tải trọng lớn đi sai luồng dẫn đến mắc cạn. Lợi dụng tình trạng này, các dịch vụ cứu hộ cứu nạn mọc lên như nấm.
Dọc tuyến sông Hồng từ Phú Thọ về Hà Nội khoảng 70km có tới 6 công ty cứu hộ, cứu nạn và nhiều dịch vụ hoa tiêu khác. Có công ty chọn phương án làm ăn không lành mạnh hành xử theo “luật rừng” để giành quyền cứu hộ. Đã từng xuất hiện tình trạng một tàu mắc cạn nhưng có đến... vài công ty cứu hộ đến “xí phần” gây ra xô xát.
Một số công ty lợi dụng giấy phép kinh doanh để ép các chủ tàu thuyền phải ký hợp đồng cứu hộ cứu nạn dài hạn với chúng, thậm chí ngang nhiên cưỡng đoạt tiền của các chủ tàu. Nổi lên trong đám đó là ổ nhóm lưu manh do đối tượng Đỗ Mạnh Báu, tức Báu “Cửu”, là đối tượng giang hồ cộm cán đã có 2 tiền án, 1 tiền sự cầm đầu.
Nắm bắt tâm lý e ngại bị trả thù, lại thêm giá trị tàu, thuyền thường lớn và là miếng cơm manh áo của cả gia đình chủ tàu, Báu “Cửu” cho đàn em ngang nhiên đe dọa các chủ tàu, thuyền phải nộp lệ phí để qua khúc sông này, nếu không sẽ gây rắc rối.
“Lệ phí” cho mỗi lần quá giang tùy thuộc vào tải trọng phương tiện, song thống kê cho hay có những tháng “đàn em” Báu “Cửu” thu về trên 200 triệu đồng. Nhiều chủ tàu, thuyền đã phát sinh tâm lý hoang mang, mất lòng tin vào các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.
Nhận được mệnh lệnh của cấp trên, Thượng úy Nguyễn Quang Chất cùng toàn bộ Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm tiến hành biện pháp nghiệp vụ với quyết tâm cao nhất phải thu thập được đầy đủ các chứng cứ để có thể triệt phá, bắt giữ toàn bộ ổ nhóm tội phạm này, trả lại sự trong sạch cho địa bàn.
Những ngày giáp Tết Kỷ Sửu năm đó, trời rét đậm, anh và các đồng đội thay phiên cứ 4-5 người một tổ, liên tục đóng giả dân chài, lái thuyền, thợ máy để lên các tàu, thuyền trực tiếp thu thập chứng cứ về hành vi của Báu “Cửu” và đàn em.
Có những lần các anh phải vào vị trí boong, thả neo thăm luồng, “tắm” cả nước sông lẫn mồ hôi giữa trời rét căm căm. “Người này ốm nằm nhà, đồng đội khác lên thay, quyết tâm thu thập bằng được đầy đủ chứng cứ của đám thủy tặc ấy” - Thượng úy Nguyễn Quang Chất nhớ lại.
Sau hơn 3 tháng tiến hành biện pháp nghiệp vụ, ngày 23/1/2008, Đội Cảnh sát đặc nhiệm, Đội Trọng án, Đội Chống cướp và cướp giật của đơn vị triển khai lực lượng bắt quả tang các đối tượng đang cưỡng đoạt tiền của tàu PT 1341 tại khu vực Chèm.
Chúng gồm Nguyễn Văn Thụ (36 tuổi, trú tại Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội) là Giám đốc Công ty TNHH Cứu nạn cứu hộ Thành Đạt; Đỗ Mạnh Báu tức Báu “Cửu” (45 tuổi, trú tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) là Phó Giám đốc Công ty TNHH Cứu nạn cứu hộ Thành Đạt cùng nhiều đối tượng liên quan khác tất cả đều là nhân viên Công ty TNHH Cứu nạn cứu hộ Thành Đạt.
Anh tâm sự rằng công việc của lính đặc nhiệm thuộc Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Công an TP Hà Nội thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy. Thế nhưng, anh và các đồng đội của mình chưa bao giờ nao núng trước mỗi khó khăn, thử thách để rồi không ngừng quyết tâm đấu tranh với các băng nhóm, đối tượng tội phạm hình sự nguy hiểm nhất để mang lại sự bình yên cho Thủ đô