1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Bắc Giang:

Lại thêm một án oan “tày trời” sau 12 năm ra tù?

(Dân trí) - Hội đồng Giám đốc thẩm TAND Tối cao đã ra quyết định hủy bản án hình sự sơ thẩm số 72/HSST ngày 24/3/1998 của TAND tỉnh Bắc Giang để điều tra lại tội “Mua bán phụ nữ” đối với bà Đỗ Thị Hằng.

Trước đó, bà Hằng đã bị TAND tỉnh Bắc Giang kết án 5 năm 6 tháng tù về hành vi “mua bán phụ nữ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau 12 năm kể từ ngày mãn hạn tù, bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953), trú tại phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang (Bắc Giang) mới được TAND Tối cao tuyên hủy tội danh chính của bản án kết tội trước đó.

Theo bản án số 72/HSST, tháng 9/1994, lợi dụng việc chị Dương Thị Liễu (trú tại xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) mâu thuẫn gia đình, bỏ nhà đi nên Phạm Văn Ngọ và Hoàng Hồng đã lừa bán chị Liễu sang Trung Quốc.

Bản án kết luận, chính bà Đỗ Thị Hằng là người trực tiếp môi giới chị Liễu cho Ngọ và Hồng. Sau đó, bà Hằng cùng những người này đưa chị Liễu sang Trung Quốc bán với giá 1,2 triệu đồng, Hằng được chia 400.000 đồng.

Bà Đỗ Thị Hằng đã từng đi kêu oan trong suốt 12 năm sau khi mãn hạn tù.
Bà Đỗ Thị Hằng đã từng đi kêu oan trong suốt 12 năm sau khi mãn hạn tù.

Vụ việc bị phát hiện, Đỗ Thị Hằng đã bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã. Hai đối tượng Ngọ và Hồng đã bị xét xử trước đó.

Cũng theo bản án, bà Đỗ Thị Hằng còn bị kết tội đã lừa hàng xóm là anh Phan Văn Phương 20kg gạo và 400.000 đồng; vay của chị Khổng Thị Mỹ 300.000 đồng rồi chi tiêu hết, cố tình lẩn tránh không trả.

Do đó, bà Hằng bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 5 năm tù giam về tội “Mua bán phụ nữ” và 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”.

Ngày 16/4/2002, bà Hằng được thả tự do sau khi chấp hành xong bản án. Ra tù, cho rằng mình bị các cơ quan tố tụng Bắc Giang bắt và truy tố nhầm, bà Hằng đã làm đơn đến nhiều cấp có thẩm quyền để kêu oan nhưng đều không được hồi âm.

Đến năm 2012, nỗi oan ức bấy lâu được gỡ bỏ khi chị Dương Thị Liễu quay trở về Việt Nam. Bất ngờ trước sự việc, chị Liễu đã đồng ý cùng bà Hằng ra UBND xã Hoàng Vân, nơi mình cư trú xác nhận rằng năm 1994 chị bị Ngọ và Hồng đưa đi Trung Quốc bán. Thời điểm đó, chị không hề biết bà Đỗ Thị Hằng là ai. Đồng thời, chị Liễu cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm minh oan cho bà Hằng và sẵn sàng chịu trách nhiệm về xác nhận của mình trước cơ quan pháp luật.

Hội đồng giám đốc thẩm nhận thấy, tòa án cấp sơ thẩm chỉ dựa trên lời khai của Ngọ và lời khai của bà Hằng tại cơ quan điều tra. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Hằng đã kêu oan và cho rằng mình chưa bao giờ đi Trung Quốc cùng Ngọ. Bà Hằng cũng cho biết mình đã bị ép ký vào các bản cung nhưng không được cơ quan điều tra cho đọc lại nội dung.
Do đó, quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao cho rằng vụ án có một số mâu thuẫn cần phải được điều tra, xác minh xem bà Liễu có quen biết bà Hằng trước đó hay không, việc bà Liễu gửi đơn kêu oan cho bà Hằng có bị tác động gì hay không.

Còn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”, TAND Tối cao không kháng nghị vì cho rằng có cơ sở để kết luận bà Hằng đã phạm tội danh này.

Được biết, sau khi thụ án tù trở về, gia cảnh của bà Hằng đã lâm vào tình trạng khánh kiệt. Chồng bà Hằng vì quá đau buồn đã nhảy xuống ao tự tử, 4 người con đều vào tù ra tội, một người đã bị bệnh hiểm nghèo.

Q. Đô