1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Kỳ lạ phiên tòa không có bị hại ở TP Hạ Long

Dùng hung khí nguy hiểm đánh nạn nhân dẫn đến thương tích 12%, nhưng phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Lai Thành vừa qua, cả bị hại lẫn người nhà không hề hay biết?

Kỳ lạ phiên tòa không có bị hại ở TP Hạ Long - 1

Giấy chứng nhận thương tích tạm thời của anh Ngô Trần Hiếu

Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 12 giờ trưa ngày 5/8/2014, khi anh Ngô Trần Hiếu (SN 1984), trú ở khu 5, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long đi qua nhà Bùi Lai Thành (SN 1967, trú cùng địa chỉ) thì được Thành gọi vào nói chuyện về mâu thuẫn đất đai giữa hai gia đình.

Khi anh Hiếu vừa bước vào nhà thì Thành đóng cửa lại, ngồi nói chuyện được một lúc thì anh Hiếu bảo Thành mở cửa để về nhưng Thành không mở. Ngay sau đó, Thành chạy vào buồng ngủ lấy một tuýt sắt dài khoảng 40cm vụt liên tiếp vào sống mũi và người anh Hiếu. Không dừng lại ở đó, Thành tiếp tục chạy vào lấy một con dao dài 25cm chém vào khuỷu tay, dùng gạch đập vào lưng và dùng thanh inox đánh vào người anh Hiếu. Sự việc chỉ dừng lại khi Công an phường Yết Kiêu đến giải cứu.

Tại bản kết luận giám định pháp y thương tích số 280/2014/TgT ngày 29/8/2014 của Phòng giám định pháp y, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh kết luận anh Hiếu bị sưng nề vùng hàm, nhiều vết xây xước; Vùng mũi sưng nề, có vết thương dài khoảng 1,5cm; Sưng nề bầm tím khuỷu tay trái; Cẳng tay phải mặt sau 1/3 giữa có vết thương dài khoảng 1,5cm; gãy xương cánh mũi chính giữa… Các vết thương do vật tày gây nên làm anh Ngô Trần Hiếu bị tổn hại 12% sức khỏe.

Từ kết quả điều tra và căn cứ theo tài liệu, bằng chứng, Viện kiểm sát nhân dân TP Hạ Long đã truy tố Bùi Lai Thành về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự (thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 104 BLHS).

Tuy nhiên, trong quá trình chờ vụ án được đưa ra xét xử, anh Ngô Trần Hiếu bị vướng vào một vụ án khác nên bị bắt tạm giam. Đến ngày 2/7/2015, TAND TP Hạ Long đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” ra xét xử. Mặc dù tại phiên tòa, bị hại Ngô Trần Hiếu không có mặt, nhưng HĐXX vẫn quyết định tiến hành mà không cần biết bị hại vắng mặt vì lý do gì?.

Bị hại vắng mặt, không có người đại diện hợp pháp nhưng TAND TP Hạ Long vẫn xét xử có vi phạm thủ tục tố tụng?
Bị hại vắng mặt, không có người đại diện hợp pháp nhưng TAND TP Hạ Long vẫn xét xử có vi phạm thủ tục tố tụng?

Sau khi “xem xét”, áp dụng khoản 2, Điều 104 (thuộc trường hợp quy định tại khoản a khoản 1 Điều 104 BLHS); Điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Khoản 1, 2 Điều 60 BLHS, Tòa đã tuyên phạt Bùi Lai Thành 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Sau phiên sơ thẩm, gia đình bị hại Ngô Trần Hiếu mới biết khiến mọi người vô cùng bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng có ẩn khuất trong việc xét xử vì phiên tòa không có mặt bị hại, cũng như người đại diện hợp pháp của bị hại và “bị cáo cơ bản khai nhận hành vi phạm tội” nhưng vì sao HĐXX vẫn có thể tuyên án?.

Theo như bản án số 135/2015/HSST ngày 2/7/2015 của TAND TP Hạ Long, thì HĐXX căn cứ vào tài liệu được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và xét thấy bị cáo đã thừa nhận cáo trạng truy tố bị cáo về tội cố ý gây thương tích là đúng người đúng tội để tuyên án.

Liên quan đến việc xét xử vụ án, Luật sư Vũ Văn Lợi – Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết:

Trước hết, mặc dù có các tình tiết giảm nhẹ như đề nghị của Viện kiểm sát nhưng với tính chất mức độ phạm tội và hành vi của bị cáo là hết sức nguy hiểm cho xã hội. Với đề nghị của VKS và quyết định tuyên án của HĐXX cho bị cáo hưởng án treo là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi, việc áp dụng theo khoản 2, Điều 104 là không được xử cho hưởng án treo, vì bị cáo sử dụng hung khí nguy hiểm nên cần có biệt pháp cách ly khỏi xã hội, để có biện pháp răn đe, giáo dục phòng ngừa chung”

Thứ hai, về vấn đề tố tụng, bị cáo bị khởi tố theo Khoản 2, Điều 104 về “Tội cố ý gây thương tích” và được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên trong trường hợp này, có nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi, việc vắng mặt người bị hại đã không làm rõ được các tình tiết của vụ án, dẫn đến bản án thiếu khách quan, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo Phùng Bình

Báo Gia đình & Xã hội