1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Kỳ lạ cuộc sống trong những nhà tù không khóa cửa

Việt Hương

(Dân trí) - APAC là hệ thống nhà tù mang tính cách mạng của Brazil, tập trung vào việc phục hồi nhân phẩm. APAC đem lại cảm giác yên bình và an toàn cho các tù nhân phạm trọng tội.

Hệ thống nhà tù APAC (Hiệp hội Bảo vệ và hỗ trợ phạm nhân) được sáng lập bởi luật sư Mário Ottoboni và một nhóm tình nguyện viên. Năm 1972, hệ thống lần đầu đi vào hoạt động tại nhà tù São Paulo, Brazil. Từ năm 1974, APAC hoạt động như một mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tổ chức xã hội dân sự.

APAC hiện đã có mặt ở 23 quốc gia trên khắp thế giới, như Hà Lan, Na Uy, Hungary, Hoa Kỳ, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Séc, Đức và Singapore. Tại Brazil hiện có 50 nhà tù do APAC quản lý, với khoảng 3.500 tù nhân.

Tù nhân giữ chìa khóa phòng giam

Tại APAC không có cai ngục hay vũ khí. Các tù nhân không bị đánh số mà được gọi bằng tên, họ không có đồng phục và đặc biệt, tù nhân tự điều hành nhà tù.

Mỗi nhà tù trong hệ thống APAC chỉ chứa 200 tù nhân để tránh tình trạng quá tải. Một ngày của tù nhân bắt đầu vào lúc 6h sáng và kết thúc vào 22h. Họ không được khuyến khích ở lại trong phòng giam, trừ lúc ngủ hoặc bị ốm hay bị phạt.

Các công việc trong tù cũng rất đa dạng như trồng rau, làm bánh, làm mộc và làm bếp. Tù nhân được giảm án dựa trên số ngày họ thực sự làm việc, cứ 3 ngày làm việc thì phạm nhân được giảm 1 ngày chấp hành án.

Theo chương trình tù nhân cũng phải học tập. Một số bắt đầu học tiểu học, những người khác học cấp hai hoặc tham gia các khóa học nghề hoặc đại học.

Trong thời gian rảnh rỗi, họ chơi thể thao hoặc tham gia nghệ thuật sáng tạo và tham dự các bài giảng đạo đức hoặc tôn giáo.

Kỳ lạ cuộc sống trong những nhà tù không khóa cửa - 1
Tù nhân được tự do ra vào phòng giam tại APAC (Ảnh: southworld)

Thức ăn ở đây được cung cấp đầy đủ và lành mạnh. Các buồng giam màu xanh lam được dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ. Chính tù nhân là người giữ chìa khóa cửa nhưng không ai có ý định bỏ trốn vì nếu bị bắt lại, họ sẽ bị đưa trở lại nhà tù truyền thống.

Tù nhân tuân theo lịch trình và mọi hoạt động đều có đánh giá hàng tuần. Mỗi phòng giam sẽ cử một tù nhân đại diện để giám sát và đảm bảo không có hành vi bạo lực, vi phạm nào xảy ra. Một Hội đồng Công lý và Đoàn kết chỉ bao gồm các tù nhân sẽ họp để xem xét các vấn đề và đề xuất giải pháp.

David Rodrigues de Oliveira, một tù nhân 32 tuổi, chịu trách nhiệm giữ chìa khóa cửa chính nhà tù nam tại Itáuna cho biết: "Tôi không có ý định bỏ trốn. Tôi sắp mãn hạn và phải ở đây để trả giá cho tội ác của mình. Họ đặt niềm tin vào tôi và tôi có trách nhiệm canh cửa".

Một chuyên gia tư vấn tên Ana Paula Pellegrino cho biết: "Khi phạm tội, các tù nhân đã vi phạm hiệp ước xã hội. Nhà tù APAC khôi phục điều này bằng cách cho phép các tù nhân làm việc cho cộng đồng. Chẳng hạn, một số tù nhân có thể ra ngoài quét đường, điều này mang lại cho họ cảm giác có trách nhiệm".

Phương pháp giáo dục đặc biệt

Nhà tù APAC tuân theo hệ thống pháp luật Brazil và là một phần của hệ thống tư pháp với trọng tâm là phục hồi nhân phẩm.

Phương pháp giáo dục của APAC xoay quay trọng tâm này với 12 điểm chính: sự tham gia của cộng đồng địa phương; tù nhân hỗ trợ tù nhân; trị liệu; chăm lo đời sống tinh thần; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ về sức khỏe và tâm lý; phục hồi cá nhân; duy trì quan hệ với gia đình; vai trò tích cực của tình nguyện viên; hòa nhập xã hội; công đức; cầu nguyện.

Khi phạm nhân mới vào tù, họ thường cúi gầm mặt và chắp tay phía sau lưng. Đầu tiên họ phải học cách không nhìn chằm chằm xuống sàn nhà. Sau đó, họ được đưa vào phòng cầu nguyện và thiền định trong 4 ngày để tịnh tâm và sám hối.

Kỳ lạ cuộc sống trong những nhà tù không khóa cửa - 2
Tù nhân học tập trong thư viện (Ảnh: weforum).

Bước tiếp theo là cuộc gặp gỡ với các nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân. Hoạt động hòa giải được thực hiện để phá vỡ vòng luẩn quẩn của tội lỗi, giúp các phạm nhân cảm thấy "được tha thứ" và có thể tái hòa nhập với xã hội.

Mối quan hệ với các thành viên trong gia đình cũng được coi là liệu pháp. Đây là lý do tại sao các tù nhân được khuyến kích viết thư, liên lạc qua điện thoại và gặp gỡ người thân vào các buổi chiều Chủ nhật.

Trừ nhân viên hành chính được thuê, các tình nguyện viên đảm nhận các vai trò như cố vấn tâm lý, nhân viên xã hội, luật sư, bác sĩ, giáo viên.

Raimunda, mẹ của một cậu bé bị sát hại, là tình nguyện viên tại một trung tâm tái hòa nhập APAC chia sẻ: "Kể từ ngày con trai tôi bị giết, tôi chìm trong những suy tư. Tôi luôn nghĩ đến gia đình của kẻ sát nhân, đặc biệt là mẹ hắn. Chắc hẳn bà ấy rất buồn vì con trai mình là một kẻ giết người. Khi hiểu rằng nỗi khổ của người mẹ ấy còn lớn hơn của tôi, tôi quyết định tha thứ cho hắn ta. Một hôm gặp nhau trên phố, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, bà ấy không cầm được nước mắt. Tôi vô cùng đau buồn cho con trai mình, nhưng dù sao con tôi cũng không sống lại được".

Kỳ lạ cuộc sống trong những nhà tù không khóa cửa - 3
Tù nhân được giao lưu gặp gỡ gia đình nạn nhân (Ảnh: prisonerseducation)

Trong thời gian bị giam giữ tại APAC, một tù nhân phạm tội giết người đã quyết định hiến thận. Khi khoe vết sẹo, tù nhân này nói: "Tôi đã giết một người, nhưng giờ tôi đã cứu được một người khác".

Da Silva, 28 tuổi, một tù nhân đang chấp hành án phạt 20 năm tù vì tội giết người, đã được giảm án 2 năm nhờ làm việc và cải tạo tốt tại APAC. Tù nhân này mong muốn trở thành luật sư sau khi ra tù. "Ước mơ của tôi lớn hơn những sai lầm của tôi. Tôi đang làm mọi cách để rời khỏi đây càng sớm càng tốt", Silva chia sẻ.

Những trái tốt luôn đến từ những gốc rễ sâu xa như lòng từ bi và bác ái. Chính nhà tù này đã gieo hy vọng cho tù nhân bắt nguồn từ một nền tảng nhân học tích cực, trong đó tâm lý trả thù không được sử dụng, thay vào đó là sự tha thứ, lòng khoan dung...

Số tù nhân của Brazil là gần 700.000 người, đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Hệ thống nhà tù của Brazil đang quá tải với tỷ lệ lấp đầy cao hơn 165% so với sức chứa ban đầu. Trong khi tỷ lệ tội phạm và tỷ lệ tái phạm là khoảng 70% trong các nhà tù công của Brazil, thì tại hệ thống APAC, tỷ lệ này đã giảm chỉ còn 15%.

Theo www.theguardian.com
Dòng sự kiện: Những nhà tù kỳ lạ