1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nghệ An:

Kinh hoàng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái

(Dân trí) - Sự nhẹ dạ đã khiến các cô gái miền Tây xứ Nghệ phải sống kiếp nô lệ nơi đất khách. Lòng tham mù quáng đã khiến nhiều phụ nữ biến mình thành kẻ buôn người. Đói nghèo, ít học đã khiến nạn buôn người trở thành vấn đề nóng ở vùng biên xứ Nghệ.

Sập bẫy vì giấc mơ việc nhàn, lương cao
 
Mấy năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là các huyện biên giới phía Tây như Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái đã trở thành một vấn nạn nhức nhối.
 
Điểm chung của các vụ buôn bán người là, hầu hết nạn nhân đều thuộc các dân tộc thiểu số, bỏ học sớm ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy. Bởi vậy, nhiều kẻ buôn người đã sử dụng chiêu bài hứa tìm việc nhàn hạ, lương cao để dụ dỗ các em rồi bán sang Trung Quốc.
 
Kẻ may mắn được bán làm vợ trong gia đình tử tế còn hầu hết các nạn nhân đều bị bán cho các nhà thổ và phải sống kiếp nô lệ tình dục nơi đất khách quê người.

Nhẹ dạ, cả tin, nhiều thiếu nữ miền núi đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người
Nhẹ dạ, cả tin, nhiều thiếu nữ miền núi đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người

15 tuổi, học hết lớp 9, Lô Thị H. (SN 1995, trú tại xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, Nghệ An) nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ. Nhà có 2 anh em, cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy suốt bao năm qua nên cuộc sống của gia đình H. không đến nỗi quá khó khăn.
 
Thế nhưng, ở nhà mãi cũng chán, nhất là khi không có việc làm, không có thu nhập. Bởi vậy, khi Lô Thị Hải - một người phụ nữ cùng bản từ Trung Quốc trở về, đến đặt vấn đề sẽ đưa H. ra Hà Nội bán hàng, công việc nhàn hạ, mức lương lên tới 4 triệu đồng/tháng, dù ban đầu còn nhiều e ngại nhưng cuối cùng, H vẫn gật đầu đi theo Hải.

Theo thống kê của Hội liên hiệp phụ nữ huyện Con Cuông, trên địa bàn hiện có 108 phụ nữ không còn liên lạc với gia đình trong một thời gian dài. Có tới 60 phụ nữ được xác định đang ở Trung Quốc. Trong đó, xã Đôn Phục chiếm số lượng phụ nữ không xác định được nơi cư trú nhiều nhất.

Sau một hành trình dài, cô gái chưa từng bước chân ra khỏi cái huyện nghèo của mình mới ngỡ ngàng khi đã ở bên kia biên giới. Bị Hải ép bán làm vợ cho một thanh niên nông thôn ở huyện biên giới Trung Quốc với giá 51 triệu đồng, không còn con đường nào khác, H. đành phải chấp nhận. May mắn cho H. là được một gia đình nông dân tốt bụng mua về bởi vậy không phải chịu cuộc sống quá khổ cực.

Hơn một năm làm dâu ở xứ người, nhờ chăm chỉ, ngoan ngoãn, H được gia đình chồng cho phép về thăm nhà. Chính Lô Thị Hải là người đưa H về Việt Nam nhưng sau đó Hải lại bắt H. Lô Thị H đã viết đơn tố cáo hành vi của Hải lên cơ quan điều tra, kết thúc hơn 1 năm lưu lạc ở xứ người.

Nhẹ dạ, cả tin, nhiều thiếu nữ miền núi đã trở thành nạn nhân của bọn buôn người
Là một nạn nhân của bọn buôn người, Lữ Thị H. đã phải chịu được cuộc sống đắng cay, tủi nhục trong nhà chứa ở bên kia biên giới

Không may mắn như Lô Thị H., Lữ Thị Q. (trú tại bản Huồi Can, xã Nậm Nhóng, Quế Phong, Nghệ An) phải chịu kiếp nô lệ ở nhà chứa sau khi bị bán sang Trung Quốc. Cũng với chiêu bài hứa đưa đi làm việc với mức lương cao, Q. đã bị Cụt Thị Lan bán cho một “má mì” ở bên kia biên giới.
 
Bị ép bán dâm, ban đầu Q. chống cự quyết liệt nhưng sau những trận đòn thừa sống thiếu chết, những lần bị bỏ đói, cô gái khốn khổ này đành phải khuất phục.
 
Cuộc sống nơi nhà chứa không khác nào địa ngục khi có ngày Q bị ép bán dâm cho gần 40 khách. Cuộc đời tăm tối, tủi nhục và nguy cơ bỏ mạng nơi đất khách quê người của Q hiển hiện trước mắt. Mơ ước được trở về quê hương, được gặp lại bố mẹ lại càng xa vời hơn.
 
Trong cơn tuyệt vọng cùng cực, Q được một người khách thương tình giúp đỡ và trốn được khỏi nhà chứa. Cô gái bé nhỏ ấy đã phải băng rừng, chạy trốn sự truy đuổi của tay chân chủ chứa. Sau nhiều ngày cắt rừng, Q đặt chân được về Việt Nam và tố cáo hành vi của Cụt Thị Lan ra trước pháp luật.

Thân phận phụ nữ đáng giá… 2 triệu đồng

Vì sao tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái tại các huyện miền Tây xứ Nghệ lại nhức nhối đến vậy. Phải chăng bọn buôn người đã kiếm được món tiền lớn từ những cô gái nhẹ dạ, cả tin này. Xin thưa, sự thực không phải vậy. Món tiền cho mỗi phi vụ lừa bán các cô gái sang Trung Quốc quá rẻ mạt, rẻ đến giật mình.


Trẻ em gái nghèo, thất học là đối tượng hướng tới của nạn buôn người nơi miền Tây xứ Nghệ
Trẻ em gái nghèo, thất học là đối tượng hướng tới của nạn buôn người nơi miền Tây xứ Nghệ (ảnh minh họa)

Chỉ vì 2 triệu đồng Lô Thị Loan (trú tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An) đã lừa bán Lô Thị N. và Lương Thị Đ. (trú ở xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) sang Trung Quốc. Và càng đau lòng hơn khi Loan cũng từng là nạn nhân của nạn buôn bán người. Thế nhưng, vì tiền, người đàn bà này đã mờ mắt, nhẫn tâm đẩy 2 cô gái trẻ vào bi kịch mà mình đã từng phải chịu đựng.

 
Không những lừa bán các cô gái trẻ sang Trung Quốc mà khi cơn khát tiền lên tới đỉnh điểm, một số đối tượng còn nhẫn tâm lừa bán cả cháu ruột của mình qua biên giới.
 
Trong khoảng tháng 4/2011, với thủ đoạn tuyển phụ nữ, trẻ em đi giúp việc bán hàng ngoài Hà Nội, vợ chồng Lô Văn Tân (SN 1984) và vợ là Vi Thị Hồng (SN 1985) trú tại bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã tìm về các vùng sâu, vùng xa để tìm người, sau đó bán sang Trung Quốc.

Lô Thị Hải - một đối tượng buôn bán trẻ em vừa bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 10 năm tù giam
Lô Thị Hải - một đối tượng buôn bán trẻ em vừa bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 10 năm tù giam

Với thủ đoạn này, chỉ trong thời gian ngắn, vợ chồng Tân đã lừa bán được 4 nạn nhân. Trong số các nạn nhân của vợ chồng này có cháu Mạc Thị O (16 tuổi, trú cùng bản) - là cháu ruột, gọi Tân bằng chú và vợ của anh trai Tân (trú tại huyện Tương Dương).
 
3 trong 4 nạn nhân của Tân đã được lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu. Cuối tháng 7/2011, Lô Văn Tân đã bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ, còn Vi Thị Hồng đã nhanh chân bỏ trốn.

Hầu hết các vụ án buôn bán người được phá sau khi nạn nhân may mắn thoát được về nhà và viết đơn trình báo cơ quan chức năng. Thế nhưng, số phụ nữ, trẻ em gái may mắn như thế không nhiều và họ còn sống hay đã chết, thân nhân cũng khó mà biết được. Trong khi đó cơn khát việc làm, giấc mơ đổi đời bằng công việc nhàn hạ, lương cao vẫn ám ảnh các cô gái mới lớn ở vùng biên.

Hoàng Lam