1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Kiện đòi 20 tỷ đồng tiền phạt cọc mua đất

Trung Thi

(Dân trí) - Một người mua đất kiện đòi bên bán 20 tỷ đồng tiền đặt cọc vì cho rằng người bán không thực hiện đúng thỏa thuận.

Sau 5 ngày xét xử, nghị án, hôm nay 11/8, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên án phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn Đ.V.L. (trú tỉnh Đắk Lắk) và bị đơn Hồ Đắc Phương (trú tỉnh Khánh Hòa).

Theo đó, tòa tuyên không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi tiền phạt cọc của nguyên đơn Đ.V.L.

Kiện đòi 20 tỷ đồng tiền phạt cọc mua đất - 1

Đại diện cho bị đơn và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự tại phiên tòa (Ảnh: Trung Thi).

Đòi hơn 20 tỷ đồng tiền phạt cọc

Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2018, bà T. (trú tỉnh Đắk Lắk) ký văn bản thỏa thuận và cam kết với ông Phương nhận chuyển nhượng 8 thửa đất tại huyện Diên Khánh. Tiền đặt cọc là 2 tỷ đồng.

Lời khai sau này của bà T. cho hay, bà này là người đứng tên giúp cho ông L. để ký văn bản thỏa thuận và cam kết với ông Phương. Ông L. là người trực tiếp bỏ tiền ra mua đất.

Các bên cam kết nếu bên mua không đồng ý ký kết hợp đồng chuyển nhượng, phải mất toàn bộ số tiền đã giao cho bên bán. Ngược lại, nếu bên bán không đồng ý hoàn tất thủ tục chuyển nhượng hoặc đổi ý phải bồi thường gấp đôi số tiền đã nhận của bên mua.

Sau khi cam kết hoàn thành, trong năm 2018, ông L. lần lượt chuyển hơn 20 tỷ đồng cho ông Phương.

Sau nhiều lần hứa hẹn, ông Phương không thực hiện việc ký kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo cam kết.

Ngày 27/3/2019, ông L. làm đơn khởi kiện ông Phương về "Tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất", yêu cầu phải trả hơn 40 tỷ đồng (20 tỷ đồng đã chuyển và 20 tỷ đồng phạt cọc).

Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 22/12/2020, hai bên ký văn bản xác nhận về việc thực hiện cam kết thỏa thuận. Ông Phương đồng ý đã trả cho ông L. số tiền 24 tỷ đồng (trong đó 20 tỷ đồng tiền đặt cọc và 4 tỷ đồng tiền phạt cọc). Ông L. trả lại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phương, rút đơn kiện.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, ông L. cho rằng việc rút đơn khởi kiện là không tự nguyện, vì ông này muốn nhận được tiền nên làm theo đề nghị của ông Phương. Do đó, đầu năm 2021 ông L. có đơn đề nghị tiếp tục giải quyết vụ án và xin rút một phần yêu cầu khởi kiện, đề nghị TAND huyện Diên Khánh buộc ông Phương tiếp tục thanh toán số tiền phạt cọc là 16 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm vào 11/2022, TAND huyện Diên Khánh tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông L. Theo đó, tòa xác định số tiền phạt cọc là 11 tỷ đồng. Trước đó, ông Phương đã trả cho ông L. 4 tỷ đồng, số tiền phải đóng thêm là 7 tỷ đồng.

Viện kiểm sát kháng nghị

Sau khi tuyên án sơ thẩm vụ án trên, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Diên Khánh đã có văn bản kháng nghị phúc thẩm.

VKSND xét thấy tòa án sơ thẩm giải quyết chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ pháp luật, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Cơ quan này cho rằng trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự thỏa thuận được với nhau về giải quyết vụ án tại các văn bản được lập. Nội dung là đồng ý hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực văn bản thỏa thuận và cam kết ngày 17/1/2018 về việc đặt cọc chuyển nhượng các thửa đất.

Thỏa thuận cũng nêu rõ, sau khi nhận tiền, ông L. sẽ rút yêu cầu khởi kiện vụ án dân sự và đề nghị Tòa án Diên Khánh đình chỉ giải quyết vụ kiện dân sự.

Tuy nhiên sau đó, ông L. có đơn đề nghị tiếp tục giải quyết vụ án và rút một phần yêu cầu khởi kiện vì cho rằng bị ông Phương dồn ép buộc phải ký vào biên bản thỏa thuận.

"Ông L. không đưa ra tài liệu, chứng cứ nào thể hiện có việc ép buộc. Qua đó cho thấy, nghĩa vụ của các bên theo Văn bản thỏa thuận và cam kết ký ngày 17/01/2018 đã chấm dứt", văn bản kháng nghị nêu.

Do đó, việc tòa sơ thẩm đã giải quyết "Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn" là không có căn cứ, làm ảnh hưởng lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Từ những lý lẽ trên, VKSND huyện Diên Khánh quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm; đề nghị TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.