1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Khẩn trương xem xét kháng nghị vụ án Huỳnh Văn Nén

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Đồng Văn Ích - Chánh văn phòng TAND Tối cao cho biết, cơ quan này đã tiếp nhận nội dung bản kháng nghị vụ án Huỳnh Văn Nén từ VKSND Tối cao.

Đây là bản kháng nghị giám đốc thẩm số 30/QĐ-VKSTC-V3 do Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể ký ngày 24/10, đề nghị xét xử giám đốc thẩm vụ án Huỳnh Văn Nén về tội “giết người và cướp tài sản” xẩy ra cách đây đã hơn 15 năm.
 
Ông Đồng Văn Ích - Chánh văn phòng TAND Tối cao cho biết, phía văn phòng đã chuyển kháng nghị sang Toà Hình sự - TAND Tối cao để thụ lý giải quyết.

"Sau khi tiếp nhận nội dung kháng nghị, Toà Hình sự sẽ phân công Thẩm tra viên nghiên cứu để báo cáo lãnh đạo toà và người phụ trách công việc này, rồi sẽ xếp lịch xét xử. Tôi cho rằng, những vụ án như Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long (Bắc Giang) và Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) cũng sẽ được bên chuyên môn nghiên cứu để tiến hành xem xét lại nhanh." - Chánh văn phòng Toà Tối cao cho hay.

Như Dân trí đã thông tin trước đó, Huỳnh Văn Nén được biết đến khi chính thức được giải oan cùng 8 người khác trong vụ án “vườn điều” gây xôn xao dư luận, xảy ra cách đây hơn 20 năm cũng tại tỉnh Bình Thuận. Thế nhưng, Huỳnh Văn Nén lại phải ngồi tù vì bị cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận truy tố, xét xử và kết án tù chung thân trong một vụ án khác với 3 tội danh “Giết người, cướp tài sản và cố ý huỷ hoại tài sản của công dân”.

Sau khi tiếp nhận đơn kêu oan đối với bị án Huỳnh Văn Nén, VKSND Tối cao đã chính thức ban hành bản kháng nghị giám đốc thẩm số 30 nói trên kháng nghị một phần bản án hình sự đối với vụ án Huỳnh Văn Nén, trú tại Thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Bị án đã thụ án tù giam được hơn 14 năm (tính từ năm 2.000 đến nay).

Sơ bộ vụ án như sau: Huỳnh Văn Nén đã được xác định bị oan là "vụ án vườn điều" xảy ra năm 1993. Vào thời điểm đó, bà Dương Thị Mỹ (ở Tân Minh, Bình Thuận) bị giết hại trong vườn điều. Nhưng, sau khi vào cuộc điều tra thì cơ quan công an địa phương đã không tìm thấy thủ phạm gây án. Kết quả, vụ án giết người đối với bà Mỹ đã được đình chỉ ngay sau đó.

Kháng nghị giám đốc của VKSND Tối cao gửi sang TAND Tối cao.
Kháng nghị giám đốc của VKSND Tối cao gửi sang TAND Tối cao.

Đến năm 1998, tại địa phương lại xảy ra vụ án mạng khác, nạn nhân lần này là bà Lê Thị Bông. Khi vào cuộc điều tra, CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt tạm giam Huỳnh Văn Nén để phục vụ điều tra. Quá trình điều tra, Nén còn bị xác định là hung thủ cùng 8 người có họ hàng liên quan đến vụ án “vườn điều”, xẩy ra trước thời điểm bị bắt là 5 năm.

Theo kháng nghị của VKSND tối cao, đây là vụ án không bắt quả tang. Quá trình điều tra, xét xử vụ án đối với Huỳnh Văn Nén có nhiều thiếu sót, vi phạm tố tụng. CQĐT không thu giữ được vật chứng. Nén được xác định dùng dây siết cổ bà Bông nhưng sợi dây mà cơ quan thu giữ được lại là sợi dây khác.

Khi giám định, dấu chân của Huỳnh Văn Nén có số đo không giống với dấu chân tại hiện trường nhưng CQĐT lại giải thích rằng: "do có nhiều yếu tố tác động nên kích thước bàn chân có thể bị sai lệch". Các lời khai của chính Huỳnh Văn Nén và nhân chứng trong quá trình điều tra, xét xử cũng không thống nhất.

VKSND Tối cao còn cho rằng, TAND tỉnh Bình Thuận còn vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trước đó, phía VKS đã thay thế cáo trạng nhưng tòa xét xử lại căn cứ vào cáo trạng cũ (đã bị hủy bỏ, không có trong hồ sơ).

Cùng đó, đơn tố giác của phạm nhân Nguyễn Phúc Thành đến nay vẫn chưa được cơ quan tố tụng xem xét. Theo đó, VKSND Tối cao đề nghị TAND tối cao xét xử vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy phần tội danh và hình phạt về tội "giết người", "cướp tài sản" đối với Huỳnh Văn Nén.

Nội dung tố giác kẻ giết người thực sự trong vụ án Huỳnh Văn Nén mà VKSND Tối cao ra kháng nghị.
Nội dung tố giác kẻ giết người thực sự trong vụ án Huỳnh Văn Nén mà VKSND Tối cao ra kháng nghị.

Luật sư Trần Vũ Hải, người tham gia bào chữa cho bị án Huỳnh Văn Nén: “Tính đến thời điểm này, Nén đã bị tù giam khoảng hơn 16 năm, dù quá trình trong tù, bị án này đã chấp hành án tốt, nhưng vì do Nén không ký vào bản nhận tội để được xem xét giảm án nên bị án vẫn bị giam giữ cho đến lúc chết trong trại. Đây là một qui định của luật pháp gây phiền hà và khó khăn cho những người tù phạm chỉ vì không chịu ký nhận tội thì sẽ không được tự do sớm hơn tù hạn”.

Quốc Đô

Dòng sự kiện: Vụ án Huỳnh Văn Nén