Tây Ninh:
Kết luận “vô ý làm chết người” vì không tìm ra động cơ giết người
(Dân trí) - Trong vụ anh Nguyễn Nhất Huynh, nhân viên Hải quan Tây Ninh bị đồng nghiệp bắn chết tại cơ quan, do cơ quan điều tra không tìm ra động cơ giết người của bị cáo nên viện kiểm sát xác định tội danh của bị cáo là “vô ý làm chết người”.
Nhân chứng im lặng, tòa bó tay
Ngày 17/6, Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Trần Thanh Hoàng Vũ (32 tuổi, thành phố Tây Ninh) về tội “vô ý làm chết người do vi phạm các nguyên tắc hành chính”. Đây là vụ án gây bức xúc dư luận tỉnh Tây Ninh từ năm 2013 đến nay.
Theo kết luận điều tra của Công an thị xã Tây Ninh, sáng 15/1/2013, anh Nguyễn Nhất Huynh cùng anh Cao Minh Hiếu đến kiểm kê vũ khí, công cụ hỗ trợ của Đội kiểm soát Hải quan Tây Ninh tại phòng làm việc của đội. Lúc này, trong phòng còn có Trần Thanh Hoàng Vũ (người được giao quản lý vũ khí của đội) và 2 nhân viên khác của đội là Nguyễn Văn Lẹ và Diệp Xuân Tuấn.
Trong quá trình kiểm tra 3 khẩu súng K54 của đội, Vũ tháo hộp tiếp đạn khẩu thứ 1 rồi bóp cò, súng không có đạn nên không nổ. Lúc kiểm tra khẩu thứ 2, Vũ không tháo hộp tiếp đạn mà chĩa súng xuống sàn nhà bóp cò, súng nổ nhưng văng xuống sàn nên không trúng ai. Sau đó, Vũ năn nỉ mọi người trong phòng đừng báo lại với lãnh đạo cơ quan vì sợ bị xử phạt.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra khẩu thứ 3, Vũ cũng không tháo hộp tiếp đạn mà chĩa ngang mũi súng rồi bóp cò, súng nổ, anh Huynh trúng đạn ngã xuống đất. Anh Huynh được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó 6 ngày.
Sau quá trình điều tra, Công an thị xã Tây Ninh đề nghị khởi tố bị can Hoàng Vũ tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính”. Ngày 21/8/2013, TAND thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) đã tuyên phạt bị cáo Trần Thanh Hoàng Vũ 30 tháng tù treo về tội danh này. Không đồng ý với bản án, gia đình bị hại đã kháng cáo, yêu cầu xác định lại tội danh của bị cáo Vũ là giết người.
Trong phiên xử phúc thẩm ngày 17/6, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Vũ về tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” vì không có căn cứ để xác định tội danh giết người, đặc biệt là hồ sơ điều tra không tìm ra động cơ để bị cáo Vũ giết bị hại là anh Huynh.
Quang cảnh phiên tòa xử phúc thẩm vụ cán bộ Hải quan Tây Ninh bị đồng nghiệp bắn chết
Điều đặc biệt trong phiên tòa này là những người làm chứng, trực tiếp chứng kiến toàn bộ diễn biến sự việc (anh Vũ bị bắn chết trong phòng làm việc của đội Kiểm soát chống buôn lậu Hải quan Tây Ninh) là Lẹ và Hiếu đều thống nhất lặp đi lặp lại điệp khúc “không biết”, “không thấy”, “không nhớ”, “quên rồi”… khiến hội đồng xét xử lẫn đại diện Viện kiểm sát cũng bức xúc vì thái độ bất hợp tác này.
Đặc biệt, nhân chứng Hiếu là người cùng anh Huynh đi kiểm kê vũ khí nhưng lấy lý do nhìn chăm chú vào danh sách vũ khí nên không thấy gì, không nhớ gì, không nói gì… dù trong quá trình này có đến 2 phát súng nổ trong căn phòng chỉ rộng tầm 10m2, tiếng súng to đến nỗi nhân viên các tầng khác trong tòa nhà cũng nghe thấy. Trong phần thẩm vấn, một thẩm phán bức xúc đến nỗi vỗ bàn bảo: “Một đồng nghiệp của anh bị bắn chết ngay trước mắt mà anh bảo không nhớ, không biết gì thì… Các anh nói rõ ra đi, sự thật là gì!”. Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng.
Không phải không tìm ra mà là không điều tra về động cơ giết người
Trong phần trình bày bảo vệ bị hại, luật sư của bị hại là ông Trương Đình Tùng cho là hồ sơ vụ án vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng, cần tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho cơ quan điều tra xem xét lại các dấu hiệu vi phạm tội giết người. Ông dẫn ra nhiều chi tiết sai phạm trong quá trình điều tra như: bỏ qua điều cơ bản nhất là đường đi của viên đạn gây ra cái chết của bị hại, không điều tra vì sao đạn nằm trong súng (vì quy định đạn và súng để riêng, bị cáo lại là người quản lý, sử dụng số súng đạn này), không phân tích các điểm mâu thuẫn của diễn biến tâm lý tội phạm khi thực hiện bắn 2 phát súng đúng quy chuẩn thao tác nhưng chỉ quên tháo đạn dù bị cáo khai là đang hoảng hốt, lo sợ…
Luật sư Tùng khẳng định khi bắn viên đạn thứ 2, bị cáo không bị cướp cò mà là chủ động bóp cò. Đại diện Viện kiểm sát cũng xác nhận là cơ quan tố tụng không khẳng định là bị cáo cướp cò gây ra cái chết của anh Huynh nhưng không xác nhận hành vi này là gì, chỉ nhận định tổng thể là bị cáo… vô ý.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng: “Muốn xác định tội danh giết người phải có 4 căn cứ lớn. Trong đó động cơ giết người rất quan trọng, bị cáo giết bị hại vì mục đích gì? được lợi gì?... Kết luận điều tra không tìm ra động cơ giết người của bị cáo nên không thể xác định bị cáo cố ý giết người”.
Luật sư Tùng phản biện: “Trong nhiều vụ án, mục đích giết người chỉ có 2 người biết là bị cáo và bị hại. Bị hại đã chết, bị cáo không nói thì làm sao tìm ra mục đích giết người? Do đó, phải xem xét vụ án trên tổng thể các chứng cứ để xác định tội danh”. Đồng thời, ông cũng khẳng định trong vụ án này không phải cơ quan điều tra không tìm ra động cơ giết người mà là “không điều tra gì về động cơ giết người của bị cáo”.
Ông khẳng định điều này vì cơ quan điều tra dựa vào lời khai của bị cáo và đồng nghiệp là trong công việc và cuộc sống, bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn gì để kết luận không có động cơ giết người. Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Hậu, vợ bị hại tố cáo trước thời điểm bị bắn chết, anh Huynh từng kể bị cáo đã nhờ anh bỏ qua 1 vụ việc buôn lậu nào đó nhưng anh không đồng ý. Còn luật sư dựa vào điểm này thu thập hồ sơ và nhận thấy nhiều khúc mắc có khả năng dẫn đến động cơ giết người của bị cáo.
Trong phần chất vấn, luật sư Tùng hỏi và bị cáo thừa nhận là trong thời gian tháng 12/2012 (trước thời điểm xảy ra vụ án 15 ngày), bị cáo được giao làm tổ trưởng tổ kiểm tra buôn lậu ở cửa khẩu Mộc Bài (2 tổ viên là Tuấn và Lẹ, đồng thời là 2 trong 3 người chứng kiến cái chết của anh Huynh). Trong đợt công tác này, bị cáo bắt được 11 vụ vi phạm, thu tang vật trị giá khoảng 40 – 50 triệu đồng. Theo quy định làm việc, số tang vật này sẽ báo cáo với bộ phận kế toán tài vụ để lên danh sách bán đấu giá (công việc của anh Huynh). Trong quá trình xử lý số tang vật này thì anh Huynh bị bắn chết. Tuy nhiên, quá trình này bị cơ quan điều tra bỏ qua.
Một chi tiết khác khiến người dự khán phiên tòa nghi vấn là trong đợt công tác tháng 12/2012, bị cáo Vũ được giao đem theo và quản lý súng nhưng khi lấy ra khỏi kho và nhập kho bị cáo không hề ghi vào sổ sách xuất nhập để kiểm kê sai lệch số đạn hay hiện trạng súng dù theo quy định là phải làm. Theo quy định, khi bỏ vào tủ cất thì súng và hộp tiếp đạn phải tách rời ra và để ở 2 vị trí khác nhau. Nhưng 2 khẩu K54 mà bị cáo kiểm tra ngày 15/1/2013 không hiểu vì sao lại có hộp tiếp đạn trong súng.
Bị cáo khai là “do bị cáo chủ quan không nghĩ là trong súng có đạn nên bóp cò thử súng” nên đã gây ra cái chết cho anh Huynh. Chi tiết này khiến cơ quan điều tra xác định là bị cáo vô ý làm chết người. Dù trước đó, súng chính là do bị cáo bỏ vào tủ cất sau đợt công tác tháng 12/2012. Bị cáo cũng chính là người chịu trách nhiệm quản lý tủ vũ khí này. Luật sư Tùng cho rằng: “Cơ quan điều tra đã không điều tra vì sao đạn nằm trong súng. Từ tình huống nào, quá trình nào, đợt công tác nào mà đạn nằm trong súng?”.
Luật sư còn chỉ ra nhiều sai phạm khác trong quá trình điều tra, công tác thu thập chứng cứ hiện trường, phân tích kết quả xét nghiệm vết đạn… Đại diện Viện kiểm sát cũng thừa nhận là cơ quan điều tra có thiếu sót trong công tác khám sát hiện trường và đã có xem xét trách nhiệm của người thực hiện công việc đó rồi. Nhưng Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm bác đơn kháng cáo của gia đình bị hại, không đồng ý trả hồ sơ điều tra lại về các dấu hiệu phạm tội giết người mà giữ nguyên tội danh là vô ý gây chết người vì… hồ sơ điều tra thể hiện điều đó thiếu căn cứ, không tìm ra động cơ giết người của bị cáo.
Phần tranh luận diễn ra căng thẳng khiến phiên phúc thẩm kéo dài từ 8h sáng đến 16h chiều (không nghỉ trưa) mới xong. Sau 15 phút nghị án, thư ký phiên tòa tuyên bố tạm hoãn tuyên án, hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào chiều ngày 19/6.
Tùng Nguyên