1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án đầu độc người thân bằng Xyanua ở Đồng Nai
  3. Không để cướp giật lộng hành ở TPHCM

Kê biên loạt tài sản của bà chủ tiệm vàng Phúc Hằng

Xuân Duy

(Dân trí) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên hàng loạt bất động của bà Đặng Thị Thanh Hằng tại quận Hoàn Kiếm, quận Tây Hồ, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội), quận Tân Bình, quận 3 và quận 5 (TPHCM).

Dự kiến ngày 16/7, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, quê Bình Định) và 23 đồng phạm về tội Buôn lậu. 

Theo cáo trạng, nhận thấy nhu cầu mua vàng 9999 của khách hàng trong nước cao trong khi nguồn vàng nguyên liệu khan hiếm, bà Đặng Thị Thanh Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng) đã thỏa thuận, thống nhất đặt mua vàng thỏi nhập lậu từ Campuchia từ Phụng.

Kê biên loạt tài sản của bà chủ tiệm vàng Phúc Hằng - 1

Bà chủ tiệm vàng Phúc Hằng bị kê biên hàng loạt bất động sản. (Ảnh: Bộ Công an).

Sau khi đặt mua vàng, Hằng phải chờ 7-10 ngày để Phụng mua và vận chuyển vàng lậu về giao.

Hồ sơ vụ án thể hiện, từ ngày 3/8/2022 đến 28/9/2022, Phụng đã mua 4.830kg vàng lậu có giá trị 6.644 tỷ đồng. Sau đó, bà Hằng đã mua của Phụng 293kg vàng lậu, với tổng trị giá gần 400 tỷ đồng. Tiệm kim hoàn Phúc Hằng đã bán cho tiệm Kim Hiền Bình Minh 50kg vàng, trị giá 72,6 tỷ đồng. Số còn lại, người phụ nữ này chỉ đạo đồng phạm chuyển ra Hà Nội tiêu thụ.

Ngày 26/9/2022, Hằng xuất cảnh nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định truy nã. Ngày 25/1, nhà chức trách đã quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bà Hằng, lúc nào bắt được sẽ xử lý sau.

Là em ruột bà Hằng, bị cáo Trung thường xuyên đi lại giữa Hà Nội và TPHCM giao tiền, nhận vàng theo sự phân công của chị gái. Người đàn ông này đi lại nhiều nên nhân viên sân bay gọi là "Trung vàng".

Khi làm thủ tục máy bay, Trung đi qua cửa VIP kiểm soát an ninh sân bay Tân Sơn Nhất và có quen biết với nhân viên. Khi mang vàng ra Hà Nội, anh ta nhờ người quen làm thủ tục lên máy bay trước. Trường hợp không trực tiếp mang vàng ra được sẽ gửi tiếp viên Việt nam Airlines mang ra Hà Nội.

Hồ sơ vụ án thể hiện, chỉ tính trong tháng 9/2022, Trung đã vận chuyển 12 chuyến vàng lậu với khối lượng lớn.

Ngày 28/9/2022, Trung mang theo hành lý chứa 15kg vàng từ TPHCM ra Hà Nội rồi bỏ trốn, tới ngày bị bắt (10/1/2023).

Làm việc với cơ quan điều tra, Trung không khai báo, không thừa nhận hành vi, chỉ thừa nhận đi TPHCM mua đồ tang lễ, hành lý mang theo là kim loại. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được cơ quan tố tụng xác định hành vi của Trung đã cấu thành tội Buôn lậu với vai trò đồng phạm, giúp sức cho Hằng thực hiện.

Kê biên loạt tài sản của bà chủ tiệm vàng Phúc Hằng - 2

Một số tang vật của vụ án. (Ảnh: Bộ Công an).

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên hàng loạt bất động của bà Đặng Thị Thanh Hằng tại quận Hoàn Kiếm, quận Tây Hồ, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội), quận Tân Bình, quận 3 và quận 5 (TPHCM).

Ngoài ra, nhà chức trách phong tỏa số tiền 430 triệu đồng trong tài khoản của bà Hằng và ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng nhiều bất động sản khác.

Ngoài ra, Bộ Công an có công văn ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng 3 bất động sản tại quận Long Biên (TP Hà Nội) của bị cáo Đặng Nam Trung.

Đối với những khách hàng mua vàng của tiệm vàng Phúc Hằng nhà chức trách xác định do bị can Đặng Thị Thanh Hằng đã bỏ trốn, tài liệu điều tra chưa làm rõ được tính chất, mức độ hành vi cũng như cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân liên quan nên khi nào bắt được Hằng sẽ điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với những nhân viên tại sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp viên hàng không, cơ quan tiến hành tố tụng đã dùng các biện pháp nghiệp vụ và xác định hành lý của bị can Trung không thuộc danh mục vật phẩm nguy hiểm nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.

Do đó, Bộ Công an cho rằng cần kiến nghị hãng hàng không Vietnam Airlines xem xét, xử lý những tiếp viên có liên quan.