1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hơn 5.000 tỷ đồng của khách hàng VNCB bị “bốc hơi” xử lý ra sao?

(Dân trí) - Cho rằng mình không phạm tội, không làm sai quy trình và không gây thiệt hại cho ngân hàng nên nhiều bị cáo trong vụ đại án đã tự bào chữa và phản tố cáo trạng. Trong khi đó, dư luận đang rất quan đến số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của khách hàng gửi tại VNCB bị “bốc hơi” sẽ xử lý ra sao?

Các bị cáo tự bào chữa, phản tố cáo trạng

Nhiều bị cáo đã phản tố lại cáo trạng
Nhiều bị cáo đã phản tố lại cáo trạng

Ngày 23/8, phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) gây thất thoát hơn 9.000 tỷ tiếp tục phần tranh luận. Sau khi luật sư (LS) bào chữa đến phần các bị cáo tự bào chữa bổ sung. Bị cáo Bạch Quốc Hào (SN 1975, nguyên Phó Giám đốc Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản – VNCB) không đồng ý luận tội về quy kết bị cáo làm hồ sơ khống vì đó không phải là khống.

Bị cáo Doãn Quốc Long (bị VKS đề nghị 6-7 năm tù vì vi phạm các quy định về cho vay) cho rằng bị cáo không có tội. Theo bị cáo Long, khoản cho Đại Hoàng Phương vay vốn đã 4 năm và cho đến nay không hề nhận được thông báo nào của bên nào về việc khoản vay này là vi phạm pháp luật dù ngân hàng thời điểm đó bị kiểm soát rất chặt chẽ. VNCB không thiệt hại từ các khoản cho vay vì dòng tiền đi đâu, về đâu cuối cùng vẫn ở trong VNCB mà thôi.

Bị cáo Long cho biết đã rất sốc khi nhận được bản khởi tố. Đến bây giờ, bị cáo bị suy sụp và không hiểu vì sao lại như vậy. Niềm tin của bị cáo đối với nghề tín dụng bị lung lay. Từ khi làm nghề tín dụng đến nay, bị cáo luôn tự hào về nghề và chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ làm điều gì sai. Bị cáo cảm thấy bất hiếu với bố mẹ...

Cũng trong phiên tòa chiều 23/8, trong phần bào chữa bổ sung nhiều bị cáo là nhân viên tín dụng, kế toán của VNCB như: Lê Khắc Thái, Lâm Kim Thu, Võ Ngọc Nguyên Bình, Lý Minh, Nguyễn Tiến Hùng…cho rằng việc làm của mình không vị phạm nên đề nghị HĐXX xem xét lại. Các bị cáo Hoàng Việt Thắng, Nguyễn Quốc Sơn, Bùi Thanh Nguyên cũng kêu oan trước HĐXX.

Dù cáo trạng và đại diện VKS, người giữ quyền công tố tại phiên tòa xét vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tai VNCB đã khẳng định việc truy tố Phạm Công Danh là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, trước tòa, bị cáo Danh luôn “đóng vai” nạn nhân, tỏ ra đáng thương và coi trọng chữ tín.

Thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng bị cáo Danh cho rằng khi tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB) việc khó nhất đó là chi phí chăm sóc khách hàng của nhóm cổ đông cũ để lại. “Việc chi chăm sóc khách hàng của hơn 100 chi nhánh trong cả nước đáng lẽ thuộc nhóm cổ đông cũ, đó là số tiền lớn, nếu tôi không giải quyết thì toàn bộ hệ thống mất thanh khoản và hậu quả xảy ra lớn không đảm bảo an ninh tiền tệ. Tôi tưởng mình có thể cứu được ngân hàng, nhưng giờ mới biết việc này chỉ Ngân hàng Nhà nước mới có thể làm được. Hậu quả nặng nề đó chúng tôi đang lãnh”, bị cáo Danh nói.

Hơn 5.000 tỷ đồng của khách hàng gửi tại VNCB bị “bốc hơi” xử lý thế nào?

Bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB tại tòa
Bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB tại tòa

Diễn biến phiên tòa những ngày tới được dư luận rất quan tâm là thông tin liên quan đến số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của khách hàng VNCB đã bị “bốc hơi” khi chưa có sự đồng ý và chữ ký của chủ tài khoản.

Trong khi bà Trần Ngọc Bích nhiều lần khẳng định trước tòa về việc không có quan hệ vay mượn với Phạm Công Danh, bà Bích chỉ cho Trang “Phố núi” vay tiền, các giao dịch đã được tất toán trước tháng 7/2014, trước thời điểm xảy ra vụ án nhưng bị cáo “cầm đầu” vụ đại án kinh tế tại VNCB là Phạm Công Danh khai không chỉ đạo cấp dưới “rút trộm” 5.190 tỷ của bà Bích nhưng lại sẵn sàng chịu trách nhiệm trả nợ số tiền này.

Cụ thể, từ ngày 21/8 và 26/8/2013, bà Bích nhận được các khoản tiền từ Phạm Thị Trang trả nợ theo thỏa thuận ngày 21/6 và 30/7/2013. Số tiền này Trần Ngọc Bích chỉ định nhận tại tài khoản ông Trần Quí Thanh (cha của bà Bích). Từ nguồn tiền bà Trang trả nợ, bà Bích đã trả nợ các khoản vay tại VNCB. Sau khi đã giải chấp các sổ tiết kiệm, Bích lại dùng các sổ này thế chấp vay tiếp 3.100 tỷ (21/8) và 2.090 tỷ (ngày 26/8). Sau khi vay, bà Bích có thực hiện các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn.

Cũng trong hai ngày kể trên, tổng số tiền 5.190 tỷ trong tài khoản của bà Bích đã bị Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) chuyển sang tài khoản của Phạm Công Danh theo sự chỉ đạo của Danh. Việc chuyển tiền này không có chữ ký của bà Bích và không thông báo cho bà Bích biết.

Chưa dừng lại, Phạm Công Danh và các đồng phạm còn rút 300 tỷ đồng từ VNCB không có hồ sơ vay, chuyển vào tài khoản cho Phạm Công Danh chi xài cá nhân nhưng khai rằng số tiền này do 3 cá nhân thuộc nhóm bà Bích gồm Trần Hoài Phục, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thùy Trang đã vay của VNCB. Tại tòa, Quyết khai thực hiện chuyển tiền theo chỉ đạo của Danh, còn Danh phủ nhận lời khai của Quyết.

Dư luận đang quan tâm việc hơn 5.000 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích gửi tại VNCB bị bốc hơi sẽ xử lý ra sao?
Dư luận đang quan tâm việc hơn 5.000 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích gửi tại VNCB bị "bốc hơi" sẽ xử lý ra sao?

Trước đó, LS Kiều Vũ Thụy Uyên (bảo vệ cho bà Bích) đã chất vấn nhằm làm rõ các hành vi của Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Hoàng Đình Quyết nhưng các bị cáo này đều quanh co, tránh né. Điển hình, trước câu hỏi “phải chăng ngân hàng cố tình che giấu thông tin chuyển tiền trái ý của bà Bích” của LS Uyên, bị cáo Phạm Công Danh đã “nổi cáu”, quát nạt LS ngay trước mặt HĐXX. Hành vi này của Danh bị Chủ tọa phiên tòa cảnh cáo. Cũng tại tòa, nhân viên kế toán của Phạm Công Danh ở Tập đoàn Thiên Thanh cũng đã thừa nhận ghi thêm chữ “lãi ngoài” vào biên nhận tiền và sau đó nhân viên này bị đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự.

Diễn biến phiên tòa đến thời điểm này cho thấy, bị cáo Danh đang “cố” nhận khoản nợ “khổng lồ” vào người để “ôm thêm nợ chứ không phải ôm thêm tội”.

Trung Kiên – Xuân Duy