1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

TPHCM:

Hoàng Khương hầu tòa phúc thẩm với băng tang trên ngực áo

(Dân trí) – Sáng 27/12, TAND tối cao tại TPHCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ “giải cứu xe đua” xảy ra tại đội cảnh sát giao thông Q.Bình Thạnh, có liên quan đến nhà báo Hoàng Khương, phóng viên báo Tuổi trẻ.

Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn Khương (tức phóng viên Hoàng Khương), Huỳnh Minh Đức (nguyên thượng úy đội CSGT - Phản ứng nhanh quận Bình Thạnh), Nguyễn Đức Đông Anh (23 tuổi, em vợ Hoàng Khương), Trần Minh Hoà (21 tuổi), Trần Anh Tuấn (46 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Hải Phong). Riêng bị cáo Tôn Thất Hoà (nguyên giám đốc doanh nghiệp Duy Nguyên) bị phạt 2 năm tù tội “Môi giới hối lộ” dù không kháng cáo nhưng vẫn được tòa triệu tập.
 
Phiên tòa thu hút sự quan tâm của dư luận do thẩm phán Quảng Đức Tuyên làm chủ tọa. Đại diện báo Tuổi trẻ cũng được mời đến tham dự phiên tòa. Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho Hoàng Khương. Luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng bào chữa cho bị cáo Huỳnh Minh Đức.
 
Hoàng Khương đến tòa với băng tang mẹ đính trên ngực áo.
 
Không như phiên tòa sơ thẩm, lần này, vợ Hoàng Khương dù đi cùng chồng đến tòa nhưng không được vào trong phòng xử án. Do được tại ngoại nên sáng sớm nay, Hoàng Khương đã chạy xe máy chở vợ cùng đến tòa. Những người thân khác của Hoàng Khương như bố đẻ cũng đều không được dự tòa.
 
 
Hoàng Khương (phải) và luật sư tại tòa phúc thẩm
Hoàng Khương (phải) và luật sư tại tòa phúc thẩm

Trước HĐXX, bị cáo Trần Anh Tuấn xin được hưởng án treo vì đã thành khẩn cung cấp thông tin khai báo thành thật với cơ quan điều tra. Bản thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự.

Bị cáo Huỳnh Minh Đức cho rằng, số tiền bị cáo nhận hối lộ chưa đến 10 triệu đồng nên xin tòa phúc thẩm áp dụng khoản 1, điều 279 Bộ luật hình sự để xử phạt mình. Đức chỉ nhận 3 triệu vụ giải cứu xe đầu kéo, còn 15 triệu đồng vụ giải cứu xe đua thì đã đưa cho một người giữ xe tang vật vi phạm của đội CSGT Bình Thạnh. Đức còn cho rằng mình đã bị Hoàng Khương và Tôn Thất Hòa gài bẫy nên mới vi phạm. Trước tòa, Đức còn khai rằng, Hòa đặt vấn đề với Đức để lấy xe vi phạm cho cháu của Hòa. Sau đó, Khương còn nói với Đức là mượn lại xe về cho ba của người vi phạm đi xin việc rồi sẽ trả lại. Khi chủ tọa hỏi: “Tại sao khi chưa có biên bản kiểm điểm của tổ dân phố mà lại nhận tiền, thả xe vi phạm?”, Đức lí nhí: “Bị cáo suy nghĩ không chín chắn”.
 
Bố Hoàng Khương cũng không được dự khán phiên tòa
Bố Hoàng Khương cũng không được dự khán.

Bị cáo Trần Minh Hòa cũng xin giảm án. Tại tòa, Hòa khai chỉ mới 6 lần tham gia đua xe nhưng 2 lần bị CSGT bắt xe. Năm 2009, Minh Hòa bị công an Gò Vấp bắt xe đua. Minh Hòa gọi cho Đông Anh, em vợ của Hoàng Khương và Đông Anh nhờ Hoàng Khương giúp. Năm 2011, Minh Hòa đua xe thì bị CSGT Bình Thạnh bắt. Hòa lại nhờ Đông Anh gọi Hoàng Khương “ra tay”. Đông Anh gọi nói là không được. Nhưng nửa tháng sau, Đông Anh gọi lại nói Minh Hòa mang giấy phạt xe, biên bản để nhờ Hoàng Khương đóng phạt lấy xe.

Chủ tọa hỏi: “Vì sao không trực tiếp lấy xe, làm kiểm điểm trước tổ dân phố mà nhờ người khác?”. Minh Hòa giải thích: “Bị cáo sợ mẹ buồn. Ở nhà, sửa xe nhưng bị cáo quậy quá nên mẹ cho đi Phú Quốc chơi”.

Bị cáo Nguyễn Đức Đông Anh kháng cáo xin tòa phúc thẩm xem lại hành vi của bị cáo chứ xử 4 năm như tòa sơ thẩm thì quá nặng. Đông Anh lý giải rằng: “Không biết lấy xe của Minh Hòa là việc làm sai trái. Anh Khương trong lúc tác nghiệp có nói bị cáo quen ai vi phạm giao thông thì nói để anh viết bài. Anh Khương nhờ bị cáo thì bị cáo giúp”.

Khi được mời lên thẩm vấn, ông Lê Xuân Trung – Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi trẻ cho biết, chủ trương của Ban biên tập là làm tuyến bài tìm nguyên nhân, giải pháp hạn chế tai nạn giao thông. Tòa soạn giao cho các phóng viên, trong đó có Hoàng Khương tham gia thực hiện một số bài. Khi Hoàng Khương đề xuất những đề tài về tai nạn giao thông, tiêu cực trong xử lý TNGT thì trưởng ban Chính trị - Xã hội đồng ý. Đề tài được duyệt nên mới được phép thực hiện bài viết.

Chủ tọa hỏi: “Ban biên tập có chủ trương cho phóng viên nói chung, Hoàng Khương nói riêng được sử dụng tiền của đơn vị, cá nhân để khai thác thông tin?” thì ông Trung cho biết không có chủ trương này. Ban biên tập không hề biết số tiền trong vụ “giải cứu xe đua”. Khương không khai báo về việc đưa tiền mà chỉ báo cáo quá trình tác nghiệp. Do những sai sót về nghiệp vụ như không báo cáo đầy đủ quá trình diễn ra tác nghiệp, chứng lý, phương pháp… nên Ban biên tập đã xử lý kỷ luật Hoàng Khương.
 
Ông Trung xác định lỗi của Hoàng Khương là tham gia việc "chung chi" cho CSGT nhưng vẫn khẳng định hành vi này chỉ là sai sót về nghiệp vụ, vì nếu Hoàng Khương không tham gia thì quá trình chung chi cũng diễn ra. Việc trưởng ban không hỏi Hoàng Khương về quá trình tác nghiệp thì thuộc lỗi của trưởng ban.
 
Hoàng Khương chở vợ rời tòa
Hoàng Khương chở vợ rời tòa.

Trước HĐXX, bị cáo Hoàng Khương nêu nguyện vọng khi kháng cáo là xin tòa phúc thẩm xem xét toàn bộ bản án sơ thẩm, đánh giá lại bản chất, hành vi cáo buộc bị cáo, xem xét lại số tiền 15 triệu đồng là số tiền đóng phạt chứ không phải là tiền hối lộ. Hoàng Khương đề nghị tòa nên vận dụng hướng xử lý phù hợp vì bị cáo có động cơ trong sáng khi viết bài báo. Phóng viên cũng yêu cầu tòa xem xét những đóng góp của mình và đánh giá những điểm khách quan, chủ quan của bị cáo cũng như chính sách của nhà nước về phòng chống tham nhũng khi đánh giá hành vi của Hoàng Khương.

Hoàng Khương cũng cho rằng, mình là anh rể của Đông Anh, còn Minh Hòa chỉ là mối quan hệ sơ giao. Lý giải về việc không báo cáo tòa soạn về quá trình tác nghiệp, "chung chi" cho CSGT, Hoàng Khương cho rằng do diễn biến quá nhanh nên không kịp báo cáo. Một số file ghi âm do không liên quan trực tiếp đến bài viết nên anh cũng không cung cấp cho cơ quan.

Do hết phiên làm việc buổi sáng nên HĐXX cho tạm dừng phiên tòa. Hoàng Khương thong dong cùng luật sư rời khỏi HĐXX và lên xe gắn máy chở vợ rời tòa.

Chiều nay, HĐXX tiếp tục làm việc.

Công Quang